Hiệu ứng Dunning-Kruger là một thiên kiến trong suy nghĩ của con người, khiến chúng ta đánh giá sai khả năng của mình so với trình độ và kỹ năng thực tế của bản thân.

Hiệu ứng Dunning-Kruger khiến nhiều người cảm thấy họ rất có năng lực so với người khác, trong khi thực tế không phải vậy. Ảnh: Bailey Mariner
Hiệu ứng Dunning-Kruger khiến nhiều người cảm thấy họ rất có năng lực so với người khác, trong khi thực tế không phải vậy. Ảnh: Bailey Mariner

Khi bạn truy cập mạng xã hội hoặc đọc tin tức, bạn sẽ bắt gặp một số người thực sự tin rằng họ có đủ chuyên môn để nói chuyện với tư cách chuyên gia về một chủ đề mà họ dường như không biết gì về nó. Một ví dụ khác là nhiều học sinh bị điểm kém trong các kỳ thi đôi khi cảm thấy họ xứng đáng đạt điểm cao hơn, mặc dù kiến thức và năng lực của họ chỉ ở mức thấp. Họ đang trải qua một thứ gọi là “Hiệu ứng Dunning-Kruger”.

Hiệu ứng này được đặt theo tên của hai nhà tâm lý học xã hội người Mỹ David Dunning và Justin Kruger, những người vào cuối thập niên 1990 đã tiến hành một loạt cuộc điều tra về khả năng tự đánh giá hiệu suất của con người ở nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong quá trình thí nghiệm, các tình nguyện viên đạt điểm thấp nhất trong các bài kiểm tra liên quan đến suy luận logic, ngữ pháp tiếng Anh, trí tuệ cảm xúc và sự hài hước đã đánh giá quá cao khả năng của họ so với năng lực thực tế. Trong khi đó, những người đạt điểm cao nhất có xu hướng đánh giá thấp hơn năng lực của chính họ, bởi vì họ nhầm tưởng các nhiệm vụ họ dễ dàng thực hiện cũng dễ dàng cho người khác thực hiện.

“Tất cả chúng ta đều có xu hướng đánh giá cao khả năng thành công của mình trong một số nhiệm vụ cụ thể khi trình độ thực sự của chúng ta trong nhiệm vụ đó là tương đối thấp, và đôi khi đánh giá thấp cơ hội thành công của mình khi trình độ của chúng ta ở mức cao”, Dunning và Kruger viết trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Personality and Social Psychology vào năm 1999.

Xu hướng nàykhông bắt nguồn từ việc đánh giá sai khả năng của người khác, mà do sự thiếu hiểu biết sâu sắc về khả năng của chính chúng ta. Nghiên cứu của Dunning và Kruger cũng chỉ ra rằng khi đào tạo một người thực hiện công việc nào đó, chẳng hạn như giải một câu đố logic, điều này sẽ giúp người đó tăng khả năng đánh giá chính xác mức độ họ có thể làm tốt công việc như thế nào.

Hiệu ứng Dunning-Kruger có tác động trong nhiều lĩnh vực chuyên môn và nhiệm vụ khác nhau liên quan đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, chính trị, quy trình an toàn,…thậm chí cả các vấn đề xã hội như phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Nó xuất hiện trong cộng đồng dân số nói chung cũng như trong các nhóm người có chung sở thích hoặc nghề nghiệp.
Hiệu ứng này tác động sâu sắc đến niềm tin của mọi người, quyết định họ đưa ra và hành động họ thực hiện.

Việc bạn đánh giá quá cao khả năng của mình so với thực tế có thể khiến bạn cảm thấy tự mãn, bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ người khác – những người thực sự giỏi hơn hoặc hiểu biết hơn.Ngược lại, nếu bạn nghĩ rằng trình độ của mình chỉ ở mức trung bình trong khi bạn thực sự có kỹ năng tuyệt vời, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội dạy và truyền đạt kiến ​​thức cho người khác.

Thông qua việc am hiểu về Hiệu ứng Dunning-Kruger, chúng ta có thể đánh giá kiến ​​thức của mình tốt hơn và ước tính khả năng của mình một cách đáng tin cậy hơn.

Những lầm tưởng về Hiệu ứng Dunning-Kruger

Kể từ buổi bình minh của triết học phương Tây, một trong những dấu hiệu của những người có trí tuệ là sự khiêm tốn về mặt kiến thức. Sự khiêm tốn giúp chúng ta nhận thức được rằng mình không thể biết hết tất cả mọi thứ và luôn sẵn sàng học hỏi để trở nên thông thái hơn, thay vì cho rằng mình đã biết đủ và không còn gì để học thêm.

Theo lời của Bertrand Russell, nhà triết học người Anh sống ở thế kỷ 20: “Nguyên nhân cơ bản của mọi rắc rối trong thế giới hiện đại ngày nay là do những kẻ ngu ngốc luôn tự tin trong khi những người thông minh thì đầy nghi ngờ”.

Năm 1871, nhà tự nhiên học Charles Darwin đã viết trong cuốn sách“The Descent of Man” (Nguồn gốc Con người): “Sự ngu dốt thường sinh ra sự tự tin hơn là kiến ​​thức”.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hiệu ứng Dunning-Kruger dễ dàng được chấp nhậnđể phản ánh chân lý lâu đời này.

Tuy nhiên, nhiều người đã hiểu và áp dụng sai hiệu ứng Dunning-Kruger. Thậm chí các chuyên gia đã cảnh báo việc lạm dụng thuật ngữ này.

Người ta cũng thường lầm tưởng rằng những người có kiến ​​thức và kỹ năng kém nhất sẽ luôn tự đánh giá mình cao nhất, mặc dù điều này đôi khi được chứng minh là đúng. Thay vào đó, những người có thành tích thấp nhất tự đánh giá năng lực của họ ở trên mức trung bình vẫn phù hợp với hiệu ứng Dunning-Kruger, miễn là họ đánh giá bản thân cao hơn trình độ hiểu biết thực tế của họ.

Ngoài ra, hiệu ứng này không dùng để mô tả một đường cong học tập, trong đó những người mới bắt đầu học một môn học quá tự tin về kỹ năng của họ ở thời điểm ban đầu, nhưng nó thường được diễn giải theo cách này.

Một số người thậm chí còn cho rằng, những người có chỉ số thông minh (IQ) thấp tự tin vào kiến ​​thức và kỹ năng của họ hơn so với những người có IQ cao. Nhưng hiệu ứng Dunning–Kruger không áp dụng cho trí thông minh của con người nói chung mà chỉ áp dụng cho các kỹ năng trong những nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ, một bác sĩ có thể có chỉ số IQ cao, biết tất cả những gì cần biết về phẫu thuật thần kinh, chơigolfđiêu luyện, nấu ăn rất ngon, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger khi thảo luận về chính trị trong nước bởi vì không am hiểu về lĩnh vực này.

Vượt qua hiệu ứng Dunning-Kruger


Cần lưu ý rằng hiệu ứng Dunning-Kruger là một xu hướng nhận thức, không phải là một chứng rối loạn.Đây là thiên hướng bình thường của con người, không nhất thiết có nghĩa là ai đó bị ảo tưởng hoặc mắc bệnh tâm thần.

Vậy chúng ta phải làm gì để giảm thiểu tác động của hiệu ứng Dunning-Kruger?

- Nhận thức điểm mạnh và điểm yếu của bản thân: Điều này sẽ giúp bạn nhận biết khi nào mình đang quá tự tin hoặc đưa ra quyết định dựa trên sự tự tin thái quá.Điều quan trọng là phải trung thực với chính mình.

- Tiếp tục học tập và thực hành: Thay vì nghĩ bạn biết tất cả mọi thứ về một chủ đề, hãy tiếp tục tìm hiểu sâu hơn.Một khi bạn có kiến ​​thức rộng hơn về một chủ đề, bạn sẽ nhận ra mình vẫn còn nhiều điều phải học.Điều này có thể chống lại xu hướng cho rằng bạn là một chuyên gia, ngay cả khi không phải như vậy.

- Lắng nghe đóng góp từ người khác: Một chiến lược hiệu quả là yêu cầu người khác phê bình mang tính xây dựng.Mặc dù lời phê bình đôi khi có thể khó nghe nhưng những phản hồi như vậy sẽ cung cấp thông tin có giá trị về cách người khác nhìn nhận khả năng thực tế của bạn.

- Đừng ngại thay đổi suy nghĩ của bạn: Nếu bạn được cung cấp bằng chứng hoặc thông tin mới mâu thuẫn với niềm tin cũ của mình, hãy sẵn sàng thay đổi quan điểm của bạn.Bạn có thể thừa nhận mình đã sai – trên thực tế, điều đó cho thấy bạn sẵn sàng học hỏi và phát triển.