Tình thế cấp bách của đại dịch thường buộc các nhà quản lý phải đưa ra các quyết sách chống dịch khẩn cấp trong khi việc xây dựng các quyết sách này dựa trên bằng chứng khoa học và cân nhắc về tác động kinh tế, xã hội… Vậy có cách nào để chúng ta giữ được sự cân bằng trong phản hồi các đại dịch tương lai?

Phản ứng nhanh với thông tin ít ỏi

Là một quốc gia nhiệt đới, Việt Nam đã từng trải qua nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có các dịch bệnh nghiêm trọng như dịch SARS, dịch cúm gà H5N1… Những tưởng các kinh nghiệm ứng phó này sẽ giúp chúng ta có thể đương đầu với những dịch bệnh khác nhưng trên thực tế, việc đối diện với một loại dịch bệnh mới và chưa có nhiều hiểu biết khoa học về cơ chế hoạt động của virus nên chúng ta không tránh khỏi lúng túng.

Trong giai đoạn đầu tiêm vaccine, nhóm trong độ tuổi lao động được ưu tiên tiêm vaccine.
Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Trong năm đầu tiên của đại dịch COVID, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị khi có thông tin sớm về Vũ Hán, phong tỏa sớm và chủng ban đầu không lây nhanh. Ở giai đoạn này, người dân, doanh nghiệp còn sức chịu đựng cả về kinh tế và tâm lý nhưng bước sang năm thứ hai, khi sức chịu đựng về kinh tế và tâm lý không còn tốt, chủng mới lây lan quá nhanh và tăng độc lực thì việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sử dụng giải pháp kiên trì cách ly, giãn cách và phong tỏa. Quyết định này gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế xã hội nên cũng đã gây tranh cãi về việc “có cần phải phong tỏa hay không?” “nếu không phong tỏa thì sao” cho đến tận hôm nay, khi dịch bệnh không còn là nỗi ám ảnh đời sống thường nhật nữa.

Xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, tháng 8/2021. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Theo TS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, nếu giai đoạn trong giai đoạn trước khi có vaccine mà “không phong tỏa thì Việt Nam sẽ bùng dịch không kém gì Anh, thậm chí hơn cả ở Anh vì năng lực điều trị và kiểm soát của chúng ta khó tương đương các nước”. Bà phân tích, khi dịch ở quy mô hẹp thì Việt Nam vô cùng thành công, ví dụ như bài học khống chế dịch cúm gà H5N1 rất thành công, hay COVID ở giai đoạn đầu nhưng khi COVID lan rộng ở quy mô toàn quốc thì sự cồng kềnh trong quản trị hành chính của các tỉnh chắc chắn dẫn tới sai sót. Vấn đề đặt ra là, phong tỏa vào giai đoạn nào? như thế nào? phong tỏa cần có điều kiện gì và khi nào thì dừng phong tỏa? “Tất cả những câu hỏi này đều phải trả lời bằng căn cứ khoa học”, TS. Thu Anh nói. Và các bằng chứng, số liệu khoa học sẽ đưa ra phương án giãn cách phù hợp với từng giai đoạn: chưa có vaccine, bắt đầu có vaccine tiêm cho các nhóm ưu tiên, và lộ trình mở cửa trở lại. Nhìn vào toàn bộ lộ trình, nhìn chung Việt Nam có tổng số ca tử vong, tỉ lệ người tử vong trên 1 triệu dân thấp nhờ vào chính sách giãn cách phù hợp và mở cửa phát triển kinh tế xã hội trở lại theo lộ trình phủ vaccine.

Tuy vậy, không phải lúc nào các hiểu biết khoa học cũng được cập nhật. Bài học quan trọng có thể nhìn thấy là chiến lược tiêm vaccine cho người già. Trong thời kỳ đầu, Việt Nam thiếu vaccine trầm trọng nhưng người già không được ưu tiên tiêm, ở thời kỳ này, lựa chọn nhóm được tiêm được nhắm chủ yếu vào các nhóm bị lây nhiễm nhiều nhất trong biểu đồ lây nhiễm – nhóm trong độ tuổi lao động. Thoạt nhìn, đây là quyết định khá hợp lý: tiêm cho nhóm dân số đông hơn, nhiễm nhiều hơn, “với suy nghĩ rằng nếu họ bị nhiễm thì về lây cho người nhà. Nhưng về mặt khoa học, các nghiên cứu cho thấy, vaccine không có tác dụng chống lây nhiễm, tiêm rồi vẫn lây, chỉ là giảm thôi”, TS. Thu Anh nói.

Nhóm của TS. Thu Anh phân tích dữ liệu và nhìn thấy biểu đồ tiêm khác với biểu đồ nguy cơ tử vong, “số người lây nhiễm nhiều ở một nhóm, nhưng số người có nguy cơ tử vong lại ở một nhóm khác” – nhóm cao tuổi. Tại thời điểm chưa phủ vaccine, thu thập dữ liệu của 74.652 ca nhiễm COVID-19, nhóm của TS. Thu Anh phát hiện: cứ 2 người từ 75 tuổi trở lên nhiễm thì 1 người tử vong; 3 người 65 - 74 tuổi nhiễm thì 1 người tử vong; 10 người 50 - 64 nhiễm thì 1 tử vong. Trong khi các nhóm thanh niên nhiễm virus thì tỉ lệ tử vong là rất nhỏ: nhóm 18 - 29 chỉ khoảng 0,1% ở nữ và nam 0,2%, nhóm 30 - 39 chỉ tương ứng là 0,6% và 0,9%. Nhưng lúc đó, UBND Hà Nội có quyết định ưu tiên người từ 18 đến 60 tuổi tiêm, đợt tiêm thứ bảy của Hà Nội chỉ có 0.22 % người > 65 tuổi được tiêm. Còn ở TP.HCM, nếu việc tiêm chủng của TP HCM được quyết định dựa trên nguy cơ tăng nặng và tử vong thì có thể số người tử vong đã không nhiều đến mức như vậy.

Song song với chiến lược tiêm vaccine trong giai đoạn khan hiếm chưa đúng nhóm dễ tử vong nhất, thì chiến lược phát thẻ xanh, thẻ vàng dành cho người đã tiêm vaccine cũng chưa dựa trên những kiến thức khoa học cập nhật. Vào cuối tháng 8/2022, TP. HCM là nơi đầu tiên nghĩ ra thẻ xanh cho người tiêm 2 mũi thẻ vàng cho người tiêm một mũi vaccine để các nhóm này có thể di chuyển. Nhưng “vấn đề là những người này mang virus mang đi khắp mọi nơi, và chúng tôi nhận định là không có người xanh mà cũng không có người vàng, người xanh đến vùng xanh nhưng vẫn có thể mang theo virus và biến thì vùng xanh thành có nguy cơ tử vong. Thẻ xanh và vàng sẽ chỉ làm cho dịch bệnh nặng nề hơn. Cách duy nhất là đưa toàn bộ người cao tuổi ra tiêm, chỉ có như vậy mới sớm mở cửa”, TS. Thu Anh nói.

Những tính toán của các nhà kinh tế cũng đưa ra phương án tương tự với tính toán của nhóm TS. Thu Anh trong việc cực tiểu hóa các ca nhiễm bệnh nặng và tử vong, đồng thời vẫn có thể tăng trưởng dù với nhịp độ thấp. Giải pháp mà GS. Trần Nam Bình, GS. Lê Văn Cường, TS. Nguyễn Ngọc Anh đưa ra vào thời điểm này phân bổ các suất tiêm “thông minh”, nhắm vào các nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhóm siêu lây nhiễm (những người di chuyển nhiều) và nhóm lao động thiết yếu, là những nhóm lao động cần thiết để đảm bảo cho sự vận hành cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu sẽ tối ưu cho cả nền y tế và kinh tế. Tính toán mô phỏng cho thấy, nếu đủ vaccine cho 25 triệu người ưu tiên toàn bộ vào nhóm 25 triệu người cao tuổi được tiêm thì tổng số người chết vì COVID là hơn 6200 người, còn nếu tiêm cho 25 triệu người rải đều từ người 18 - 74 tuổi, tiêm theo trọng số các nhóm tuổi, nhóm nào đông hơn sẽ được tiêm nhiều hơn thì tổng số người chết vì COVID lên đến 25.093 người, gấp bốn lần so với kịch bản thứ nhất. Kịch bản tiêm cho người già trước sẽ cứu được số lượng lớn sinh mạng và giảm áp lực cho ngành y tế hơn, giúp ngành y tế bình tĩnh thu dung và điều trị bệnh nhân.

Một bài học kinh nghiệm khác có thể rút ra trong đại dịch COVID là vấn đề điều trị, mà theo TS. Thu Anh, vấn đề mấu chốt không chỉ là điều trị ca nặng. “Nói tới dịch bệnh, hầu hết mọi người sẽ có nỗi lo là có máy thở oxy không, có bác sĩ biết chữa bệnh nhân nặng không? Không phải, một vấn đề quan trọng là có biết cách dự phòng cho hàng triệu bệnh nhân không tăng nặng bằng các phác đồ rất đơn giản?”, TS. Thu Anh nói.

Để đưa ra một giải pháp phù hợp với Việt Nam lúc đó, nhóm của TS. Thu Anh làm việc với bác sĩ ở bệnh viện Thủ Đức, tính toán dữ liệu, phân tích các phác đồ điều trị trên thế giới để đưa ra một phác đồ sử dụng corticosteroids liều pulse để dự phòng. Nghiên cứu phân tích dữ liệu đa biến cho thấy việc sử dụng corticosteroids liều pulse có giúp giảm gần 90% tỉ lệ tử vong nội viện của bệnh nhân COVID-19 nguy kịch. Một trong những lợi thế của corticosteroids liều pulse chính là thuốc sẵn có và giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất y tế còn nhiều thiếu thốn như Việt Nam. Ngay sau khi có kết quả nghiên cứu, tầm ứng dụng của liệu pháp này đã được mở rộng cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại nhiều khoa, phòng, trung tâm HSCC, tiêu biểu là các bệnh viện tầng 2 và bệnh viện dã chiến HSCC tỉnh Bình Dương nhằm giảm thiểu nhanh chóng tỉ lệ tử vong tại tỉnh này.

Chúng ta sẽ làm gì trong tương lai?

Nhìn lại bài học chống dịch ở Việt Nam sau hai năm dễ dàng hơn so với những tư vấn, dự báo tại thời điểm dịch bệnh đang gay cấn. Các dự báo, đòi hỏi phải tiêm vaccine cho người già, hoặc không nên sử dụng chiến lược thẻ xanh, thẻ vàng cho phép người đã tiêm di chuyển tự do vào các vùng chưa được tiêm vaccine đều được đưa ra dựa trên tập hợp dữ liệu, chi tiết và đầy đủ nhất, theo thời gian thực về các các nhiễm bệnh do nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thu Anh thu thập. Cũng nhờ liên tục cập nhật các mô hình, các bài học kinh nghiệm quốc tế, công bố mới mà nhóm TS. Thu Anh đưa ra được những tư vấn, dự báo quan trọng, những khuyến nghị táo bạo tại thời điểm bắt đầu quay trở lại mở cửa.

Để hài hòa giữa cả chống dịch và quay trở lại phục hồi kinh tế, tư vấn của nhóm TS. Thu Anh lúc đó là chống dịch bệnh phải tích hợp giữa xét nghiệm, vaccine, điều trị; và giãn cách xã hội để giảm áp lực công việc để làm ba việc còn lại. Do đó, để nới dần giãn cách xã hội cần phải dựa trên các tiêu chí: Nhóm 1 gồm: số ca bệnh mới, tử vong, bệnh nặng, thở oxy, số giường cần chăm sóc đặc biệt, số ca dương tính trên tổng số xét nghiệm (WHO có hướng dẫn); Nhóm 2 là năng lực đáp ứng của hệ thống, gồm: năng lực xét nghiệm khi dịch vẫn còn trong khả năng kiểm soát, hoặc sau này tiêm vaccine bao phủ thì vẫn truy vết được; năng lực điều trị cả ở bệnh viện và cộng đồng; cuối cùng là năng lực vaccine đủ bao phủ tối thiểu cho tuyến đầu chống dịch, nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền.

Việc đưa ra các tư vấn này rất quan trọng vì tại thời điểm TP. HCM đang căng thẳng, có khoảng nửa triệu người nhiễm COVID, nhưng trong cả nước, nhiều tỉnh vẫn có rất ít ca mắc. Việc đưa ra các chỉ tiêu cụ thể giúp kiểm soát nhanh, tiêm vaccine, nâng cao năng lực điều trị mới giúp các tỉnh “bình tĩnh” ứng phó, kiểm soát được và từng bước mở cửa trở lại tương ứng với độ phủ vaccine - càng tiêm được cho người cao tuổi nhiều thì càng có khả năng nới phong tỏa. Những tư vấn này đã được hiện thực hóa thành Nghị quyết 128 - đưa ra phương án mở cửa của Việt Nam sau phong tỏa.

Nhìn lại hai năm chống dịch và tư vấn liên tục, TS. Thu Anh gút lại, trong bối cảnh dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục đeo đẳng nhân loại, lịch sử nhân loại cho thấy càng về sau thì khoảng cách giữa các đợt dịch bệnh càng ngắn lại, cần làm gì để chuẩn bị cho tương lai? Dịch bệnh chưa bao giờ chỉ là bài toán của ngành y, nó là tổng hòa của các vấn đề y tế, kinh tế, chính trị, xã hội. Vậy “làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh dựa trên hiểu biết về khoa học, hành vi, chính trị, kinh tế?”, bà chia sẻ những bài học quan trọng mình rút ra trong quá trình tư vấn cho Chính phủ.

Trước hết cần xây dựng môi trường có sự tương tác lành mạnh giữa những người lãnh đạo, thể thế, các nhà lãnh đạo và cộng đồng. Nếu không có sự tương tác giữa cả ba bên này thì rất là khó để kiểm soát đại dịch.

Thứ hai, nếu không có khoa học và dữ liệu đa ngành thì không thể nào kiểm soát được đại dịch. Chỉ cần các cơ quan quản lý minh bạch, công khai, thiết lập cơ sở dữ liệu tốt, kết nối tất cả các nơi, cả nhà khoa học và cơ quan quản lý đều có thể phân tích rồi đưa ra các chỉ số đánh giá. Khi đó, các nhà khoa học và các nhà quản lý đều sẽ biết hệ thống đang yếu ở đâu nâng ở đó, và đưa ra quyết định dựa trên số liệu xác tín.

Thứ ba, khi đối diện với dịch bệnh lây lan nguy hiểm thì thường sẽ phải phong tỏa, cách ly, thì ứng dụng công nghệ là vô cùng quan trọng. Nhưng nếu ứng dụng công nghệ mà không quan trọng quyền riêng tư của người dân thì ứng dụng không còn giá trị nữa.

Cuối cùng, bà lưu ý, về truyền thông trong đại dịch – yếu tố quan trọng giúp cảnh báo nguy cơ, để người dân chuẩn bị chống dịch cũng như phản hồi về chính sách chống dịch. Truyền thông đe dọa về tác hại của dịch bệnh một cách thái quá chỉ gây sợ hãi ban đầu thôi, không thể có tác dụng bền lâu theo thời gian. Còn đại dịch thì cứ lặp đi lặp lại. Do đó, truyền thông phải chân thành, xuất phát từ quyền lợi của người dân.

COVID không bao giờ là dịch bệnh cuối cùng mà nhân loại phải ứng phó, trong tương lai sẽ còn nhiều dịch bệnh khác nữa. Điều quan trọng là chúng ta học được gì từ những bài học kinh nghiệm vừa qua?