Bảo tàng Hunterian thuộc Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh (RCS) là nơi lưu giữ một số lượng lớn bộ phận cơ thể người và động vật, và điều này đã làm dấy lên những tranh luận về đạo đức trong việc bảo quản xác người.

f
Bảo tàng được đặt theo tên của John Hunter, một bác sĩ phẫu thuật sống vào thế kỷ 18. Ảnh:Bảo tàng Hunterian; Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh.

Bộ sưu tập do bác sĩ phẫu thuật - nhà giải phẫu học John Hunter thu thập vào thế kỷ 18, bao gồm các bộ phận cơ thể người và các bộ phận cơ thể của các sinh vật với đủ mọi kích cỡ, từ ong đến voi. Trong các lọ thuỷ tinh, bào thai người - từ thai nhi chín tuần tuổi đến thai nhi đủ tháng, dương vật và bộ phận sinh dục nữ được ngâm trong dung dịch có dán nhãn cẩn thận.

Sau sáu năm đóng cửa, Bảo tàng sẽ mở cửa trở lại vào ngày mai (16/5). Đến mùa thu, RCS sẽ khởi động một chương trình nghiên cứu “để khám phá các vấn đề xung quanh việc trưng bày hài cốt người và thu thập các mẫu vật trong quá trình nước Anh mở rộng thuộc địa”. John Hunter có được một số mẫu vật không phải bộ phận cơ thể người là nhờ mối quan hệ trong quân đội và với những người được gọi là "nhà thám hiểm".

Đối với bộ phận cơ thể người, trong phần giới thiệu, bảo tàng thừa nhận rằng các mẫu vật đã được “thu thập trước khi các tiêu chuẩn về việc chấp thuận hiến xác hiện đại được thiết lập”. (Đạo luật Mô người năm 2004 quy định rằng các bảo tàng chỉ được phép lưu giữ mà không cần xin giấy phép đối với những thi hài trên 100 tuổi).

Hunter và anh trai của ông, William, là những người tiên phong trong lĩnh vực khoa học giải phẫu. Họ đã có những khám phá quan trọng về giải phẫu người, dạy sinh viên thông qua thực hành và thuê các hoạ sĩ vẽ lại công trình của họ. Nguồn cung cấp thi thể của họ là nhờ mối quan hệ thân thiết với những kẻ trộm mộ, trong đó xác chết càng được lưu giữ tốt, giá tiền phải trả càng cao.

Charles Byrne chào đời năm 1761 với chứng acromegalic gigantism, một rối loạn tuyến yên khiến ông phát triển tới kích thước cực đại. Ông được mệnh danh là Người khổng lồ xứ Ireland. Sau khi Byrne qua đời vào năm 1783, Hunter được cho là đã trả cho bạn bè của Byrne 500 bảng Anh để có được thi thể - dù di nguyện của Byrne là được chôn cất ở biển. Bộ xương 2,31m của Charles Byrne là mẫu vật giải phẫu người nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập của Hunter, đã bị tháo xuống khỏi danh sách trưng bày.

Trong một tuyên bố vào đầu năm nay, hội đồng quản trị của Bảo tàng Hunterian cho biết, vào thế kỷ 18 và 19, các mẫu vật đã được mua lại “theo những cách mà ngày nay chúng ta xem là trái với đạo đức”. Bộ xương của Byrne sẽ không được trưng bày trong bảo tàng, nhưng sẽ được “giữ lại vì nó là một phần không thể thiếu” của bộ sưu tập.

j
Đại học Phẫu thuật Hoàng gia sẽ khởi động một chương trình nghiên cứu "để khám phá các vấn đề xung quanh việc thu thập các mẫu vật trong quá trình nước Anh mở rộng thuộc địa". Ảnh: Hufton and Crow

Bộ sưu tập của Hunter đã được chính phủ mua lại vào năm 1799, nhưng 75% trong số đó bị phá huỷ khi tòa nhà bị đánh bom trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Bảo tàng sẽ trưng bày hơn 2.000 hiện vật trong tổng số 3.500 hiện vật còn sót lại.

Dawn Kemp, giám đốc bảo tàng, cho biết đơn vị sẽ mời mọi người “ở những quốc gia nơi bắt nguồn của những hiện vật đến để chia sẻ về ảnh hưởng của các bộ sưu tập lịch sử tự nhiên này".

“Dù tốt hay xấu, bảo tàng Hunterian vẫn là nơi góp phần tạo nên lịch sử”, Kemp cho biết. Đây là nơi đặt tên cho loài khủng long; là nơi Charles Darwin đến xin lời khuyên về những hóa thạch mà ông tìm thấy ở những địa điểm cách xa nửa vòng trái đất; nơi nhà khoa học tiên phong về máy tính, Charles Babbage, gửi bộ não của mình để trưng bày.”

“Đó cũng là nơi một số người đã phát triển những ý tưởng độc ác và khủng khiếp về lý thuyết chủng tộc. Lịch sử của bảo tàng đã biến nó trở thành địa điểm lý tưởng để chiêm nghiệm về bản chất con người", bà nói thêm.

Nguồn: