Cuốn sách của Thomas Asbridge khai thác hiệu quả nhiều nguồn tư liệu khác nhau, đặc biệt là các nguồn tư liệu sơ cấp, để đem đến cái nhìn đa chiều, trung lập hơn trong khi cố gắng tiệm cận hiện thực khách quan về cuộc Thập Tự chinh thứ Nhất.


Thomas Asbridge là học giả chuyên nghiên cứu về lịch sử Thập Tự chinh tại Đại học Queen Mary London. Nguồn: letraslibres.com
Thomas Asbridge là học giả chuyên nghiên cứu về lịch sử Thập Tự chinh tại Đại học Queen Mary London. Nguồn: letraslibres.com

Thuật ngữ “thập tự chinh” từ lâu không còn xa lạ với độc giả Việt Nam - họ đều từng bắt gặp thuật ngữ này ở đâu đó, dù là ám chỉ những phong trào được phát động vào thế kỷ XI nhằm giành lại Đất thánh Jerusalem và giải phóng mộ chúa Jesus khỏi sự cai trị của người Hồi giáo hay đơn thuần ám chỉ sự can dự của các thế lực phương Tây. Mới đây, cuốn The First Crusade: A New Historycủa Thomas Asbridge - một học giả hàng đầu về thời kỳ Thập Tự chinh và lịch sử các vương quốc Kitô giáo tại Levant thế kỷ XI-XII - đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, đem đến cơ hội cho những ai đang mong muốn tìm hiểu những góc nhìn mới về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Levant, dải bờ biển Đông Địa Trung Hải của Tây Á, nói riêng và thế giới phương Tây nói chung.

Về tổng quan, The First Crusade: A New History hay Cuộc Thập Tự chinh thứ Nhất: Cội nguồn xung đột giữa Kito giáo và Islam giáo được Thomas Asbridge kết cấu theo phương pháp lịch đại, phân chia các nội dung theo trình tự thời gian. Cuốn sách cung cấp thông tin khá đầy đủ về các diễn biến và những hệ quả mà cuộc Thập Tự chinh thứ Nhất gây ra cho lịch sử khu vực và thế giới. Đáng nói là thay vì đi quá sâu vào từng sự kiện cụ thể, tác giả đã phác dựng một bức tranh toàn cảnh để làm nổi bật những điểm chính trong mỗi cuộc giao tranh.

Với lợi thế là một học giả chuyên nghiên cứu về lịch sử Thập Tự chinh, Asbridge đã khai thác hiệu quả nhiều nguồn tư liệu khác nhau, đặc biệt là các nguồn tư liệu sơ cấp - bao gồm các biên niên sử do các nhân chứng đương thời ghi chép lại, hồi ký, tùy bút của nhiều Thập Tự quân. Điều này giúp công trình của ông có cái nhìn đa chiều, trung lập hơn trong khi cố gắng tiệm cận hiện thực khách quan. Bên cạnh đó, danh mục tài liệu tham khảo còn là một bản hướng dẫn quan trọng khác cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu sâu hơn về việc nghiên cứu lịch sử Thập Tự chinh đã đạt được những thành tựu gì, cũng như những khoảng trống nào cần giải quyết trong tương lai.

Có nhiều cách tiếp cận để thực hiện một nghiên cứu lịch sử, và trong cuốn sách của mình, Asbridge đã lựa chọn việc nghiên cứu và diễn giải cuộc Thập Tự chinh thứ Nhất thông qua nghiên cứu và đánh giá một số nhân vật quan trọng như Giáo hoàng Urban II, hoàng đế Alexios I và các thủ lĩnh Thập Tự quân tiêu biểu, giúp độc giả tránh rơi vào một bể thông tin lịch sử vụn vặt và lan man. Tác giả cũng đã rất nỗ lực nhấn mạnh rằng mục đích ban đầu của cuộc Thập Tự chinh dường như thực sự thiêng liêng, nhưng những khó khăn và cám dỗ đã khiến cho nhiều Thập Tự quân phải đầu hàng trước những lợi ích phàm tục hơn nhiều.

Cuốn sách của Thomas Asbridge được xuất bản ở Việt Nam mới đây. Nguồn: Omega+
Cuốn sách của Thomas Asbridge được xuất bản ở Việt Nam mới đây. Nguồn: Omega+

Tuy nhiên, cuốn sách của Asbridge có một số vấn đề theo chúng tôi cần trao đổi và nhìn nhận lại, cả về nội dung, quan điểm của tác giả cũng như vấn đề chuyển ngữ.

Thứ nhất, Asbridge đã mô tả mối quan hệ giữa thế giới Kitô giáo và Hồi giáo về cơ bản là hòa bình cho đến khi cuộc Thập Tự chinh diễn ra và làm đảo lộn hết mọi trật tự vốn có. Tiếp đến, ông cho rằng cuộc Thập Tự chinh được thúc đẩy mà không có sự uy hiếp rõ ràng nào từ người Hồi giáo. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận lại. Chỉ tám tháng trước khi Giáo hoàng Urban II phát lệnh Thập Tự chinh vào năm 1095, phái viên cầu viện của đế chế Byzantine đã đến để kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây chống lại đà tiến không thể ngăn cản của người Seljuk Turk ở Anatolia và Aegean. Trước đó nữa, vào năm 1071, Byzantine - tuyến phòng thủ quan trọng nhất của thế giới Kitô giáo - đã chịu thảm bại trước quân Seljuk Turk tại Manzikert, toàn bộ biên giới phía Đông sụp đổ chóng vánh. Ở bán đảo Iberia, các tiểu quốc Kitô giáo thường xuyên phải lâm chiến với người Hồi giáo trong nỗ lực reconquista1. Không gian của thế giới Kitô giáo đang bị co cụm lại ở cả Tây và Đông. Và nếu những chứng tích trên chưa đủ để cho thấy khả năng đe dọa đến quyền lực Vatican, thì cuộc cướp bóc Thánh đường St Peter năm 846 cùng phần lớn các khu vực ngoại vi không được bảo vệ của Rome do người Hồi giáo tiến hành sẽ bổ sung cho đủ. Thứ duy nhất có thể ngăn người Hồi giáo tiến vào trung tâm Rome là bức tường thành Aurelian được xây từ thời La Mã. Sau cuộc cướp bóc này, bức tường Leonine được dựng lên như một tuyến phòng thủ mới trước mối đe dọa sống còn mà người Hồi giáo gây ra.

Thứ hai, điều đáng ngạc nhiên là mặc dù cuốn sách nỗ lực diễn giải cội nguồn xung đột giữa Kitô giáo với Hồi giáo, nó lại hoàn toàn gần như là cái nhìn một chiều của nhãn quan phương Tây, nếu không tính đến một vài đoạn điểm xuyết về hoàng đế Alexios I và triều đình Byzantine. Cuốn sách hoàn toàn thiếu vắng quan điểm của những thủ lĩnh Hồi giáo cũng như phản ứng và nhận thức của họ trước tình hình diễn ra. Chúng tôi cho rằng đây là một thiếu sót lớn của cuốn sách và khiến nó chưa thể được xem là toàn diện và tiệm cận được vấn đề lịch sử. Rõ ràng, cuộc xung đột giữa Kitô giáo với Hồi giáo không chỉ đơn thuần là tuyến tính một chiều với sức ép từ phe Kitô giáo còn phe Hồi giáo đóng vai nạn nhân. Đó là một quá trình lâu dài của những tương tác Đông-Tây, cả chiến tranh, hòa bình lẫn bất ổn, ngờ vực mới có thể thúc đẩy điều đó. Tất nhiên không thể đòi hỏi cuốn sách chưa đầy 500 trang phải ôm đồm tất cả những vấn đề nêu trên, nhưng chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể giảm bớt dung lượng ở nhiều phần khác nhau để có thể dành một sự quan tâm nhất định cho việc diễn giải nhận định của người Hồi giáo trong cuốn sách.

Không chỉ vậy, nhận định rằng mục tiêu ban đầu của mọi Thập Tự quân là thiêng liêng và chỉ bị thay đổi và biến chất bởi các cám dỗ trần tục cũng cần phải xem xét lại. Ngay từ đầu, việc tiến hành Thập Tự chinh không chỉ đơn thuần phụng sự đức tin Kitô giáo. Hoàng đế Alexios I muốn có một nhóm lính đánh thuê trong mức kiểm soát được chứ không phải vài chục ngàn người ồ ạt vượt qua biên giới, đến mức thậm chí đe dọa kinh đô Constantinople. Giáo hoàng Urban II muốn đẩy mâu thuẫn giữa giáo hội và hoàng đế ra ngoài Tây Âu, giảm thiểu mối đe dọa và xoa dịu mối quan hệ vốn đã quá bất ổn với giới quý tộc phong kiến. Các quý tộc tham gia Thập Tự chinh phần muốn phiêu lưu, phần muốn phụng sự Chúa, phần muốn tìm kiếm sự giàu có và của cải ở phương Đông. Bản thân những thành phần bình dân hơn tham gia cũng để tìm kiếm những cơ hội mới và sự giải thoát khỏi nạn đói nghèo và nhân mãn ở quê nhà trong những năm tháng của Thời kỳ Trung Cổ ấm lên. Vậy phải chăng, mục tiêu ban đầu hoàn toàn thiêng liêng hay là có những toan tính rõ ràng đến như vậy?

Việc chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Việt cũng là một vấn đề cần được quan tâm và cân nhắc kịp thời.

Đầu tiên, chính là việc sử dụng thuật ngữ Islam hay Islam giáo thay cho Hồi giáo. Thực ra, về nguyên tắc thì việc sử dụng từ nguyên gốc là điều đáng hoan nghênh trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc tiếp tục sử dụng thuật ngữ Hồi giáo cũng không có vấn đề gì bởi nó không gây ra bất cứ hiểu nhầm hay sai nghĩa nào cả. Bản thân danh mục 16 tôn giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận vẫn sử dụng thuật ngữ Hồi giáo để chỉ tôn giáo do Tiên tri Muhammad sáng lập. Và nếu trong trường hợp sử dụng nguyên gốc thuật ngữ Islam, thì không đơn giản chỉ là thay toàn bộ Hồi giáo hay đạo Hồi thành Islam giáo là xong. Trái lại, Islam giáo thường chỉ được dùng để chỉ tôn giáo; còn với các thuật ngữ liên quan đến người theo Islam giáo, các văn bản tiếng Anh hoặc tuyên xưng tôn giáo sẽ dùng thuật ngữ người Muslim, quân đội Muslim,... chứ không phải là người Islam giáo hay người Islam. Ngay chính tác giả cũng sử dụng một cách cẩn thận thuật ngữ Muslim khi chỉ người Hồi giáo.

Thứ hai, chúng tôi cực kỳ phân vân trước cách sử dụng thuật ngữ đạo sư Islam giáo (tr.20) khi dịch từ Muslim master.Thuật ngữ đạo sư ở đây chúng tôi cho rằng không phù hợp bởi lẽ ý của tác giả không phải vậy. Khi Giáo hoàng Urban II kêu gọi giải phóng người Kitô hữu phương Đông khỏi ách của người Hồi giáo, tức là ông đang ám chỉ việc người Kitô giáo bị người Hồi giáo coi và đối xử như nô lệ. Quả thật, trong lịch sử của mình, người Hồi giáo thường xuyên mua bán các nô lệ da trắng và Kitô giáo - những chiến lợi phẩm từ các cuộc chiến tranh và đột kích vùng biên. Master ở đây ám chỉ chủ nhân, chủ nô hơn là các đạo sư - vốn mang nhiều ý nghĩa về mặt tôn giáo hơn.

Thứ ba, thuật ngữ “thánh chiến” cũng cần phải xem xét lại. Holy war khi chuyển ngữ là cuộc chiến tranh thần thánh hay thánh chiến không sai; tuy nhiên, trong ngữ cảnh của cuốn sách này nên gọi là Thập Tự chinh để độc giả không nhầm lẫn sang thánh chiến của Hồi giáo. Ngay bản thân thuật ngữ jihad được giải thích trong bảng thuật ngữ như một lý tưởng thánh chiến cũng cần phải nhìn nhận lại, bởi lẽ jihad nguyên gốc vốn là đấu tranh trong tâm hồn nhiều hơn là ngoài thực tế.

Thứ tư, có đoạn chuyển ngữ cho thấy người dịch chưa hiểu rõ về ngữ cảnh và thuật ngữ mà mình sử dụng. Đơn cử như câu “Jerusalem là thánh địa được cả ba tôn giáo lớn của thế giới tôn sùng, là thành phố thứ ba của Islam giáo và là trung tâm của tín ngưỡng Kitô giáo và Do Thái giáo.” (tr.64), nguyên gốc là “Jerusalem has a singular devotional resonance for three of the world's great religions, being the third city of Islam and the centre of the Christian and Judaic faiths.” Câu này hàm ý Jerusalem là thánh địa quan trọng thứ ba của Hồi giáo, nếu dịch là “thành phố thứ ba của Islam giáo” sẽ khiến người đọc đặt ra những câu hỏi như tại sao lại là thành phố thứ ba của Hồi giáo, thành phố thứ ba về mặt gì. Nếu không tính về giá trị tôn giáo, liệu Jerusalem có giá trị gì với người Hồi giáo? Vị thế của thành phố nằm ở việc như một tuyên xưng cho bước phát triển mạnh và cao hơn của Hồi giáo so với hai tôn giáo độc thần trước đó. Tuy nhiên, về mặt chính trị-kinh tế, Jerusalem không thể so với Damascus hay Aleppo, chứ đừng nói đến Kairo hay Baghdad - các thủ đô hoặc trung tâm của các đế chế Hồi giáo. Bên cạnh đó, faith ở đây là đức tin hay tôn giáo chứ không phải là tín ngưỡng. Sự khác biệt giữa tôn giáo và tín ngưỡng là rất rõ ràng, nằm ở cơ cấu tổ chức chặt chẽ của một tôn giáo thông qua hệ thống giáo lý - giáo chủ - giáo đồ - giáo luật (những thứ mà tín ngưỡng không có).

Cuối cùng, việc dịch nhiều thuật ngữ còn thiếu thống nhất. Chúng tôi thắc mắc tại sao thuật ngữ Frank được giữ nguyên trong khi thuật ngữ Turk lại được dịch. Frank ám chỉ các lực lượng Tây Âu đã tham chiến ở Levant trong thời Trung Đại theo cách nhìn của người Byzantine và Hồi giáo; còn Turk ám chỉ hàng loạt bộ tộc và sắc tộc đã tràn vào Tây Á kể từ thế kỷ X. Nếu dịch Turk thành người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nảy sinh vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ này là Thổ Nhĩ Kỳ nào, khi Turk xuất hiện trong hàng ngũ của triều Seljuk tại Iran, triều Ghazanid tại Ấn Độ, triều Baghdad tại Iraq cho đến triều Fatimid tại Kairo. Một sự thiếu thống nhất khác, nếu muốn truy nguyên gốc thì sao không chuyển ngữ Byzantine luôn thành Đế chế La Mã, bởi bản thân đế chế này tự gọi mình là Basileia Romaion (Đế chế của người La Mã). Tiếp đến, việc giải thích người Latin là thuật ngữ chung chỉ các Kitô hữu Tây Âu là thiếu chính xác – đúng hơn, đây là cách gọi các tín đồ theo Giáo hội Công giáo La Mã.

-----

(1) Reconquista là nỗ lực chiếm lại bán đảo Iberia của các tiểu quốc Kitô giáo, kết thúc thành công vào năm 1492.