Đối với tâm thức nhiều người, ấn tượng về chiến tranh gắn liền những lá cờ trận và đại kỳ tung bay phấp phới, những lưỡi lê tuốt trần, tiếng ngựa hí và đại bác vang rền… cho đến lòng quyết tâm của binh lính. Nhưng chiến tranh không chỉ là những hình ảnh hùng tráng, mà đằng sau là những đau thương, mất mát và đẫm máu - nơi ranh giới giữa anh hùng và đồ tể rất mong manh. Như Richard Overy đã nhận xét trong cuốn sách A history of war in 100 battles (2014) của mình, đó “không phải là một trò chơi điện tử mà chính là những mảnh ghép của một lịch sử sống động - bẩn thỉu, máu me nhưng thực tế. Ít nhất, đó chính là điều không hề thay đổi qua 6.000 năm qua.”
Để tạo dựng sáu thiên niên kỷ chiến tranh của nhân loại, sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Với Overy, ông quyết định tiếp cận dưới khía cạnh vi mô thông qua 100 trận đánh mà ông đánh giá có những phẩm chất nổi bật nhất: “chỉ huy”, “lấy ít địch nhiều”, “sáng tạo”, “nghi binh”, “lòng dũng cảm trước lửa đạn”, “vừa kịp lúc”. Tiếp cận này nhìn chung cung cấp cho người đọc nhiều thông tin cuốn hút về nhiều trận chiến riêng rẽ, ấn tượng, được minh họa bằng nhiều hình ảnh sống động, có tính khơi gợi cao, do đó có thể mang lại sự hứng thú nhất thời cho độc giả.
Với mỗi trận chiến, tác giả cung cấp cho người đọc những thông tin mô tả ngắn gọn bao gồm: (1) thời gian diễn ra; (2) chiến thuật; (3) tác động; và (4) một số thông tin thú vị bên lề. Cách tiếp cận thường thức này không chỉ khiến nội dung trở nên hấp dẫn đối với độc giả, mà nó còn giúp họ có một hình dung ngắn gọn và vắn tắt để hiểu được phần nào sức hấp dẫn lớn của chiến tranh: động lực cá nhân và xã hội nào đã thúc đẩy bao thế hệ nam giới nô nức tham gia chiến đấu? Mặt khác, những khía cạnh bạo liệt của chiến tranh cũng được Overy phơi bày xuyên suốt nội dung cuốn sách, đó là sự ác liệt và đẫm máu – những thành tố không thể thiếu của chiến tranh.
Tuy nhiên, khi tiếp cận nội dung sách từ điểm nhìn vĩ mô, cách tác giả phân chia các trận chiến bằng các “phẩm chất” nổi bật như trên có thể không thực sự hợp lý. Sáu phẩm chất của chiến tranh mà ông lựa chọn là sáu phẩm chất mà kẻ chiến thắng nắm giữ ở từng trận đánh. Nhưng những điều này gắn ở mức chiến thuật nhiều hơn là chiến lược. Việc thiếu cách tiếp cận rõ ràng hơn khiến ông đánh đồng hoặc coi một trận chiến đôi khi ngang hàng với một chiến dịch hay thậm chí là cả một cuộc chiến. Theo cách miêu tả của Overy, thì trận Kadesh cũng có thể tương đương với trận không chiến Anh quốc, hay toàn bộ cuộc chiến tàu ngầm tranh chấp quyền kiểm soát Đại Tây Dương trong Thế chiến II có thể chỉ ngang bằng một trận Crécy (1346).
Bản chất mỗi trận chiến luôn mang trong mình nhiều phẩm chất hơn những gì ông áp đặt cho chúng. Có trận chiến nào mà không cần đến lòng dũng cảm, kể cả từ đại thắng đến vỡ trận, trận đánh nào mà không có các toan tính và mưu kế khác nhau,... “Lòng dũng cảm trước lửa đạn” là thứ mà ta có thể tìm thấy ở bất cứ trận chiến nào trong cuốn sách này, nếu không muốn nói là trong mọi cuộc giao tranh xuyên suốt lịch sử.
Ngay cả những phẩm chất được Richard Overy sử dụng để gắn cho các trận chiến cũng không thực sự hợp lý. Đơn cử như trận Mohacs (1526), nơi quân đội Ottoman nghiền nát cuộc phản kháng cuối cùng của Vương quốc Hungary. Tác giả cho rằng thắng lợi này của quân Ottoman nằm ở sự lãnh đạo, nhấn mạnh khả năng tổ chức và triển khai quân đội của Padishah Suleyman I và vezir-i azam Pargalı Ibrahim Pasha. Tuy nhiên, chiến thuật để hai cánh kỵ binh bị đánh bại và lật ngược tình thế nhờ bộ binh và pháo binh trung quân không phải là điều gì xa lạ với đối thủ của quân Ottoman trước và sau trận Mohacs. Từ khi tiến vào châu Âu cho đến thế kỷ XVII, chiến lược tác chiến duy nhất của người Ottoman là triển khai kỵ binh hai cánh còn đặt bộ binh và pháo binh phòng thủ ở trung tâm. Như có thể thấy trong các trận đánh từ Kosovo (1389), Nicopolis (1396), Varna (1444), Kosovo (1448), Otlukbeli (1473), Chaldiran (1514), Marj Dabiq (1516), Ridaniya (1517), đến Mohacs (1526) và tận Keresztes (1596), quân Ottoman luôn bị đánh vỡ hai cánh và lật ngược tình thế bằng việc dùng bộ binh áp đảo để bảo vệ pháo binh ở trung tâm nã đạn vào đội hình kẻ thù đang lao thẳng vào. Do đó, tài năng cầm quân của Suleyman I và Pargalı Ibrahim Pasha thực ra không hơn gì những người đi trước và sau đó.
Một thiếu sót đặc biệt lớn của cuốn sách là thiếu bản đồ. Không có một trận đánh nào trong sách có bản đồ minh họa. Thay vào đó, chúng thường được minh hoạ bằng một số hình vẽ, tranh ảnh. Tranh ảnh, hình vẽ có thể làm sinh động nội dung nhưng không thể nào thay thế được bản đồ hay sa bàn khi nói đến một trận chiến. Không có bản đồ, độc giả khó hình dung trận chiến đã diễn ra như thế nào, các mũi tiến công ra sao và các đợt chiến thuật có được triển khai hay không.
Vấn đề cuối cùng, vì sao tác giả lại lựa chọn chỉ 100 trận chiến này – với trận chiến gần đây nhất là Chiến dịch Bão táp sa mạc (1991) - cũng là điều chưa được lý giải thuyết phục. Cuốn sách của Richard Overy trên thực tế mang nặng ảnh hưởng dĩ Âu vi trung, nên đúng hơn ta phải gọi tên cuốn sách là Lịch sử chiến tranh phương Tây qua 100 trận đánh. Trừ một vài trận đánh diễn ra ở khu vực Tây Á-Bắc Phi, thì chỉ có hai trận đánh thuộc về phương Đông: trận Trung Đô (1211) và Sekigahara (1600). Tác giả chưa đánh giá và liệt kê khách quan các trận chiến của phương Đông, vốn giàu thông tin và nhiều ảnh hưởng không kém những gì diễn ra ở phương Tây.
Sẽ không khó để có thể liệt kê một số trận đánh hoàn toàn phù hợp với những phẩm chất được tác giả nêu ra. Nếu tìm kiếm một trận đánh lấy ít địch nhiều, ta có thể viện dẫn đến trận Haengju (1593), nơi 2.800 quân dân Joseon do tướng Kwon Yul chỉ huy đã đánh bại 30.000 quân Nhật Bản được lãnh đạo bởi các tướng lĩnh thiện chiến hàng đầu vừa trải qua thời kỳ Chiến Quốc. Nếu tìm kiếm lòng dũng cảm trước lửa đạn hay tài năng chỉ huy quân đội, thì những trận hải chiến do đô đốc Yi Sun Shin (Lý Thuấn Thuần) chỉ huy là không thể bỏ qua. Một trong những trận chiến lừng lẫy của vị đệ nhất đô đốc hải quân Joseon này là trận Myeongnyang (1597), khi 13 tàu chiến Joseon đánh bại 300 tàu chiến Nhật Bản mà không hề mất một con tàu nào. Ngay cả với lịch sử quân sự Đông Á khi bắt đầu áp dụng hỏa khí, chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt các bước ngoặt quan trọng của công nghệ và cách tân: trận Nagashino (1573), khi lính hỏa thương của Oda Nobunaga đánh tan đội kỵ binh nổi tiếng bất bại của gia đình Takeda; trận Chungju (1592), khi lính hoả thương Nhật đánh tan chiến thuật “bối thuỷ chi chiến”1 với kỵ binh Joseon của tướng Shin Rip; hay tình huống ngược lại diễn ra trong trận Tát Nhĩ Hử (1619), khi kỵ binh Mãn Châu đánh tan đội lính hỏa thương của liên quân Minh-Joseon. Đó là những ví dụ có thể được nhắc đến nếu tác giả không quá dĩ Âu vi trung.
Tất nhiên, có nhiều vấn đề còn có thể thảo luận liên quan đến cuốn sách A history of war in 100 battles của Richard Overy. Nhưng với những độc giả mong muốn tìm kiếm những thông tin cơ bản về một số trận chiến nổi tiếng trong lịch sử, cuốn sách vẫn là một nguồn thông tin cơ bản và hấp dẫn.
-------
(1) Chiến thuật để quân quay lưng về phía sông đối đầu với kẻ thù, đặt lính vào chỗ không có đường lui để quyết tâm đánh quân địch giành chiến thắng.