Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với trải nghiệm tự nói chuyện thầm trong đầu. Có thể bạn đang ở trong siêu thị và nhận ra rằng bạn đã quên mua thứ gì đó cần thiết. “Sữa!”, bạn tự nhủ với chính mình. Hoặc bạn có một cuộc họp quan trọng với sếp vào cuối ngày, và bạn mô phỏng trong đầu cuộc trò chuyện diễn ra như thế nào. Bạn có thể nghe cả giọng nói của chính bạn và giọng của sếp đang trả lời.
Đây là hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là "độc thoại nội tâm", “tiếng nói nội tâm” hoặc “giọng nói trong đầu”. Họ đã nghiên cứu vấn đề này từ khá sớm, kể từ khi tâm lý học bắt đầu trở thành một ngành khoa học độc lập. Vào những năm 1930, nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky cho rằng giọng nói trong đầu hình thành thông qua quá trình chuyển đổi tiếng nói bên ngoài thành ngôn ngữ nội tâm. Nếu điều này là đúng, liệu giọng nói trong đầu có sử dụng cùng một cơ chế hoạt động của não giống như khi chúng ta nói chuyện thành tiếng hay không?
Từ khoảng một thế kỷ trước, các nhà khoa học phát hiện khi chúng ta tự nói chuyện trong đầu, phần cơ ở thanh quản sẽ xuất hiện những chuyển động nhỏ, có thể phát hiện thông qua một kỹ thuật gọi là đo điện cơ (EMG).
Đến những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ để chứng minh rằng một khu vực của não hoạt động khi chúng ta nói chuyện thành tiếng gọi là hồi trán dưới bên trái (vùng Broca) cũng hoạt động khi chúng ta tự nói chuyện trong đầu. Hơn nữa, việc gây nhiễu hoạt động của vùng Broca bằng các kỹ thuật kích thích não có thể làm gián đoạn cả khả năng nói chuyện thành tiếng và độc thoại nội tâm.
Vì vậy, giả thuyết cho rằng giọng nói trong đầu và việc nói chuyện thành tiếng có chung cơ chế hoạt động của não là khá thuyết phục.
Khoảng 82,5% dân số thế giới nghe thấy giọng nói trong đầu khi họ đọc, và giọng nói này có các đặc điểm âm thanh giống như giọng nói phát ra thành tiếng, chẳng hạn như giới tính, cao độ, âm lượng và sắc thái cảm xúc.
|
Không phải ai cũng có giọng nói trong đầuTrong nghiên cứu được công bố trên tạp chí
Psychological, Social and Integrative Approaches vào năm 2015, giáo sư tâm lý học Ruvanee Vilhauer tại Đại học New York (Mỹ) phát hiện chỉ có khoảng 82,5% dân số thế giới nghe thấy giọng nói trong đầu khi họ đọc, và giọng nói này có các đặc điểm âm thanh giống như giọng nói phát ra thành tiếng, chẳng hạn như giới tính, cao độ, âm lượng và sắc thái cảm xúc (vui vẻ, tức giận, lo lắng,...). Số người còn lại có thể hiểu những từ họ đọc mà không nghe thấy giọng nói trong đầu.
Khoảng một nửa dân số chỉ nghe thấy một giọng nói trong đầu – thường là giọng của chính họ – trong khi những người khác nghe thấy giọng nói của nhiều người khác nhau. Ví dụ khi đọc sách, họ có thể tưởng tượng ra giọng nói của các nhân vật trong truyện. Hoặc trong lúc đọc thư, email từ bạn bè hay gia đình, họ có thể hình dung ra giọng nói của người viết những dòng chữ ấy.
Điều thú vị là một số người có khả năng lựa chọn việc kích hoạt hoặc tắt giọng nói trong đầu khi đọc sách.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí
Psychological Bulletin vào năm 2015, các nhà khoa học tại Đại học Durham (Anh) phát hiện trẻ em từ 5 đến 7 tuổi đã có thể sử dụng tiếng nói nội tâm một cách thành thạo. Điều này nghĩa là trẻ em có thể suy nghĩ, lập luận và giải quyết vấn đề bằng cách nói chuyện với chính mình trong đầu.
“Khi còn nhỏ, chúng ta giống như những miếng bọt biển, tiếp thu thông tin mới từ mọi góc độ. Trẻ em khoảng 2 hoặc 3 tuổi khi chơi một mình thường nói to các đoạn hội thoại, ví dụ như giữa một chiếc xe tải đồ chơi và một con thú nhồi bông. Từ 5 đến 7 tuổi, quá trình diễn đạt bằng lời đó sẽ chuyển vào bên trong, dưới dạng độc thoại nội tâm”, Hélène Loevenbruck, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Tâm lý học và Nhận thức Thần kinh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, nhận định.
“Vào thời thơ ấu, chúng ta đã học cách kiểm soát sự bốc đồng của mình bằng cách tiếp thu những lời chỉ dẫn của cha mẹ và giáo viên rồi lặp lại chúng trong đầu. Từ đó trở đi, tiếng nói nội tâm của chúng ta hoạt động như một hệ thống kiểm soát nội bộ, giúp chúng ta đi đúng hướng để đạt được mục tiêu của mình và đáp ứng kỳ vọng của xã hội”, Vygotsky cho biết.
Năm 2009, nhà tâm lý học Thomas Brinthaupttại Đại học Middle Tennessee State (Mỹ) đã đề xuất Thang đo Độc thoại Nội tâm (STS) – một trong số ít các công cụ phân tích được sử dụng ngày nay để đo lường khả năng tự nói chuyện trong đầu của bệnh nhân. Đây là bảng câu hỏi gồm 22 mục, nhằm xác định tần suất tự nói chuyện với bản thân và phản ánh bốn loại trò chuyện nội tâm: đánh giá xã hội, tự phê bình, tự củng cố và tự quản lý.
Bảng câu hỏi STS cung cấp một phương tiện để thu thập dữ liệu và bảo đảm độ tin cậy của những nghiên cứu về một chủ đề trừu tượng như suy nghĩ của con người.
“Trẻ em tự nói chuyện với chính mình như một phần của quá trình học tập. Người hướng nội độc thoại nội tâm nhiều hơn người hướng ngoại. Con một trong gia đình (người không có anh chị em) và những người ở một mình hoặc cô đơn cũng có xu hướng tự nói chuyện với bản thân nhiều hơn”, Brinthaupt nhận định.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Psychological Science vào tháng 5/2024, các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) đã làm sáng tỏ mối liên hệ giữa độc thoại nội tâm và cách con người xử lý ngôn ngữ trong não. Họ đề xuất một tên gọi mới cho tình trạng không có lời nói nội tâm là “anendophasia”.
Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn 93 tình nguyện viên, một nửa trong số họ không có giọng nói nội tâm. Những người tham gia thực hiện một loạt các nhiệm vụ, bao gồm nhiệm vụ ghi nhớ thứ tự của các từ trong một chuỗi từ ngẫu nhiên, và một nhiệm vụ khác yêu cầu ghép nối các từ có cùng vần điệu với nhau.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, những tình nguyện viên nghe thấy giọng nói trong đầu thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn đáng kể so với những người không có độc thoại nội tâm. Họ nhớ được nhiều từ chính xác hơn và ghép các từ cùng vần điệu nhanh hơn. Đây là bằng chứng cho thấy giọng nói nội tâm giúp con người xử lý ngôn từ một cách hiệu quả.
Trong hai nhiệm vụ khác, liên quan đến tính đa nhiệm [làm nhiều việc cùng lúc] và phân biệt hình ảnh, các tình nguyện viên không có sự khác biệt về thành tích. Có vẻ như giọng nói nội tâm chỉ hữu ích trong một số trường hợp nhất định, tùy thuộc vào loại nhiệm vụ mà chúng ta thực hiện.
Chúng ta cần lưu ý rằng, độc thoại nội tâm có thể gây ra tác động tích cực hoặc tiêu cực. Những người có xu hướng tự động viên và cổ vũ bản thân thông qua giọng nói trong đầu thường có khả năng đối phó tốt hơn với các thử thách và giảm căng thẳng. Ngược lại, một giọng nói trong đầu tiêu cực có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần. Những suy nghĩ tự chỉ trích, lo âu hoặc bi quan thường dẫn đến các vấn đề như trầm cảm và giảm sự tự tin.
Nguồn: Theguardian, Livescience, Iflscience