Các app "truy xuất nguồn gốc" hiện nay đều không đáp ứng đươc đủ các nguyên tắc căn bản của truy xuất nguồn gốc mà chỉ đơn thuần điện tử hóa những thông tin trên nhãn.
Thiếu đầy đủ và chưa đáng tin
Tại hội thảo “
Truy xuất nguồn gốc – Nâng tầm nông sản Việt” ngày 4-11, ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Bộ KH&CN) nhận xét rằng phần lớn các app "truy xuất nguồn gốc" hiện nay đều không đáp ứng đươc đủ các nguyên tắc căn bản của truy xuất nguồn gốc mà chỉ đơn thuần điện tử hóa những thông tin trên nhãn.
Thay vì cho biết lịch sử của sản phẩm, phần lớn các ứng dụng chỉ cho biết thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất đầu tiên trong chuỗi cung ứng – ví dụ, loại sản phẩm, nơi thu hoạch, tên chủ trang trại/cơ sở sản xuất, địa chỉ liên hệ, hạn sử dụng v.v. Hầu như không có hoặc có rất ít dữ liệu về các bên khác tham gia trong chuỗi cung ứng, mặc dù họ có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Lấy dẫn chứng về vụ ngộ độc pate chay diễn ra vào gần cuối năm ngoái, ông Đoan cho rằng một khi không có hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ, chúng ta sẽ rất khó có thể lần lại được nhanh chóng đâu là nguyên nhân gây ra hậu quả sức khỏe nghiêm trọng trong cả chuỗi cung ứng.
Ông cũng lấy một dẫn chứng khác về việc thử nghiệm quét các mã QR của nhiều loại sản phẩm trong cùng một siêu thị lớn gần đây. Tại đó, tất cả sản phẩm được quét mã đều có thông tin về số ngày cách ly về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giống hệt nhau. Ông nói rằng nhiều khả năng là những người nhập dữ liệu đã để mặc định con số, dẫn đến thông tin không chính xác với người tiêu dùng.
Điều này tiết lộ một bức tranh rất sơ khởi về nhận thức và thực hành truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam. Câu chuyện truy xuất nguồn gốc không chỉ có việc dán cho sản phẩm một mã QR, mà còn là lập một hồ sơ chi tiết về vòng đời của bất kì sản phẩm nào – từ khi bắt đầu đến khi kết thúc trên bàn ăn – và lưu trữ thông tin đó theo cách có thể truy vết lại mọi sự kiện một cách dễ dàng.
Giải pháp bấm-chạm thay vì ghi chép
“Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tình trạng đối phó”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hội Nông nghiệp số Việt Nam nhận xét. "Họ không hiểu rằng truy xuất nguồn gốc chính là công cụ xây dựng thương hiệu của chính mình và bảo vệ cho chính mình khi có bất trắc xảy ra.”
Dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, “một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu”, bà Thực nhận ra rằng, để phát triển, các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng mù mờ thông tin. Theo bà, điều này chỉ có thể đạt được nếu các doanh nghiệp chủ động ứng dụng các công nghệ số trong quá trình hoạt động của mình và áp dụng nó vào truy xuất nguồn gốc.
Trên thực tế, những ứng dụng công nghệ số này có lẽ không quá khó khăn với doanh nghiệp. Chẳng hạn, thay vì ghi chép sổ nhật ký nông hộ bằng tay, giờ đã có những ứng dụng trên smartphone để người nông dân quét hoặc nhập dữ liệu bằng các thao tác bấm-chạm đơn giản. Bà Thực so sánh những công cụ số này có thể phổ biến như việc dùng các ứng dụng kiểm soát Covid-19 trong đại dịch vừa qua.
Theo các nhà quản lý, một khi các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng được số hóa, cho phép các bên trao đổi thông tin và minh bạch dữ liệu thì việc truy xuất nguồn gốc sẽ trở nên rất hữu hiệu. Nó không chỉ tạo ra niềm tin của gần 100 triệu người tiêu dùng trong nước, mà còn là cơ sở để liên thông thị trường Việt Nam với các thị trường xuất khẩu ở nhiều nước trên thế giới.
Trên thực tế, các thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc… đều đang ngày càng đặt ra những đòi hỏi cao hơn về truy xuất nguồn gốc.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn 2021-2030, cơ quan quản lý này đang có kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc phổ biến cho cả thị trường nội địa. Điều này thực tế là rất quan trọng, bởi người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng những sản phẩm có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.
Trong thời gian sắp tới, khi “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia” được đưa vào vận hành (dự kiến vào quý IV/2021), cuộc đua về truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông sản được dự báo sẽ trở nên sôi động hơn. Đó là cơ hội thị trường của những doanh nghiệp đã và sẽ sẵn sàng chuyển đổi.
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia là nhiệm vụ triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng, phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), giao Bộ KH&CN chủ trì. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Bộ KH&CN cũng đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, dựa trên các nguyên tắc và tiêu chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch toàn cầu GS1. |