Con số tử vong do COVID-19 chính thức được ghi nhận là 5 triệu, tuy nhiên con số này quá thấp so với thực tế, theo ước tính của The Economist.
Con số tử vong do COVID-19 mà các nước ghi nhận chính thức là không chính xác, vì số liệu này dựa vào kết quả xét nghiệm, và không có nước nào liên tục xét nghiệm được 100% dân số để tìm ra toàn bộ ca nhiễm. Ngoài ra, số tử vong chính thức cũng chưa bao gồm hậu quả gián tiếp của đại dịch, chẳng hạn như tử vong do bệnh viện quá tải hoặc mất nơi ở, việc làm, v.v...
Có một cách chính xác hơn để đo lường số trường hợp tử vong thực tế do đại dịch, hoặc các biến động lớn như thiên tai và chiến tranh, gây ra: lấy tất cả số tử vong ghi nhận trong thời kỳ biến động, trừ đi số tử vong dự kiến dựa trên cùng kỳ các năm trước (thường là mức trung bình của 5 năm trước). Kết quả thu được là "số tử vong dư ra", và là số người chết do hậu quả của biến động.
Và trong khi số trường hợp tử vong do COVID-19 được ghi nhận chính thức tính đến ngày 1/11 trên toàn cầu là 5 triệu, thì con số thực tế có thể lên đến 16,8 triệu người, theo ước tính của tạp chí The Economist dựa trên số tử vong dư ra.
Ước tính số tử vong thực tế do đại dịch của The Economist. (Màu xám: số tử vong được ghi nhận chính thức; Đường đứt màu đỏ: con số ước tính tử vong thực tế; Khoảng hồng: khoảng tin cậy với độ tin cậy 95%)
Chênh lệch giữa số tử vong ghi nhận chính thức và thực tế thường có xu hướng lớn hơn ở các nước nghèo do điều kiện xét nghiệm, y tế hoặc an sinh xã hội kém hơn - dẫn đến số ca tử vong gián tiếp cao hơn. Theo The Economist, ở Bulgaria, số người chết vì đại dịch có lẽ cao gần gấp đôi so với con số thống kê chính thức. Ở Nga, các số liệu thống kê chính thức dường như chỉ bằng 1/3,5 số ca tử vong thực tế do COVID. Ở Ấn Độ, The Economist ước tính số ca tử vong thực tế gấp 10 lần con số ghi nhận chính thức. Điều này gây hiểu lầm về tác động thực sự của virus ở các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất và có ít nguồn lực nhất.
Vẫn có một số lý do để sử dụng số tử vong ghi nhận chính thức. Ví dụ: số liệu này cho thấy xu hướng dịch bệnh theo thời gian bên trong phạm vi quốc gia. Tuy nhiên cần lưu ý, số liệu này không thể dùng để so sánh giữa các quốc gia giàu và nghèo hoặc để đánh giá số người chết trên toàn cầu. Trên thực tế, số tử vong ghi nhận chính thức vẫn được sử dụng cho tất cả mục đích này vì nó được cập nhật liên tục và tất cả các quốc gia đều công bố số liệu, trong khi số tử vong dư ra thì không sẵn có như vậy.
The Economist cho biết họ tìm cách khắc phục tình trạng này, và hiện là nguồn duy nhất
cập nhật hằng ngày ước tính về số tử vong dư ra trên toàn thế giới. Để tìm ra con số tử vong thực sự do đại dịch,
The Economist trước tiên đã thu thập dữ liệu tử vong của tất cả các quốc gia có thể thu được, sau đó xây dựng một mô hình học máy để dự đoán số tử vong ở những nơi không có dữ liệu. Tất cả dữ liệu, mã và mô hình của
The Economist đều được công khai, và họ ước tính số ca tử vong thực tế do COVID-19 đến ngày 2/11/2021 là 16,8 triệu, khoảng tin cậy từ 10,3 triệu đến 19,5 triệu với độ tin cậy 95%. (Khoảng tin cậy là khoảng ước tính được từ dữ liệu thống kê, trong đó bao hàm giá trị thực của tham số chưa biết và cần ước tính; và độ tin cậy là khả năng mà tham số cần ước tính có thể nằm trong khoảng.)
Nguồn: