Mặc dù rất nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái liên quan đến vấn đề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gồm giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý,… của các doanh nghiệp nhưng việc giải trọn vẹn bài toán này không chỉ nằm trong tay Cục Sở hữu trí tuệ hay các cơ quan chức năng quản lý thị trường.

Khi bài toán ngày một phức tạp

Sự suy giảm về số lượng các vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trong chín tháng đầu năm 2021 ở Việt Nam có lẽ là một trong những điểm sáng hiếm hoi từ các quy định siết chặt kiểm soát biên giới nhằm phòng chống đại dịch COVID-19. “Theo số liệu thống kê chín tháng đầu năm đã phát hiện 129 000 vụ việc vi phạm, giảm gần 300% so với cùng kì năm ngoái”, bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết trong tọa đàm trực tuyến “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào cuối tháng mười vừa qua.

Quản lý thị trường tạm giữ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Nguồn: cand.com.vn

Dù đây là kết quả ấn tượng song những người trong ngành vẫn không khỏi lo lắng vì “số vụ việc phức tạp, dẫn đến khởi tố vụ án, có dấu hiệu hình sự lại tăng khoảng 90% so với cùng kì năm ngoái. Các mặt hàng nổi bật chủ yếu là khẩu trang, các thiết bị phục vụ phòng chống dịch,...”, theo bà Đỗ Thị Minh Thủy. Một điều nguy hiểm là “tốc độ xuất hiện của hàng giả ngày càng nhanh chóng, trước kia cần phải có một khoảng thời gian, nhưng vừa rồi như thuốc điều trị COVID-19 chẳng hạn, thuốc chính hãng vừa mới đưa ra thị trường thì có ngay hàng giả, thời gian rất nhanh”.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà “điều đáng lo ngại là việc một số doanh nghiệp tìm cách hưởng ưu đãi thuế quan bằng cách gian lận hàng hóa xuất xứ Việt Nam có thể ảnh hưởng đến một số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia”, ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết. “Họ có thể thực hiện dưới nhiều cách thức như nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó dán nhãn xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi nước ngoài. Hoặc là một số doanh nghiệp nhập khẩu các loại linh kiện, nguyên vật liệu để gia công sản xuất trong nước, nhưng thực chất sản phẩm đó gần như hoàn chỉnh rồi, họ chỉ làm trong nước những khâu đơn giản thôi, sau đó đưa đi xuất khẩu”.

Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng tại sao các cơ quan quản lý thị trường, hải quan,... đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống hàng giả song tại sao tình trạng này vẫn tiếp diễn từ năm qua năm khác, thậm chí có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn? Ngoài những lý do khách quan như lực lượng chức năng mỏng, một số người dùng, người bán hàng còn “dung túng” cho các loại hàng này, theo ông Trịnh Ngọc Ban, Phó đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hà Nội), một nguyên nhân chính là việc xác định thế nào là hàng giả rất phức tạp và tốn thời gian. “Ngay từ đầu năm, các lực lượng đã chủ động thực hiện các kế hoạch phòng chống, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu. Tuy nhiên, các mặt hàng này bây giờ hết sức tinh vi nên rất khó phát hiện. Chẳng hạn có những lọ thực phẩm chức năng được ngụy trang, đóng gói từ nước ngoài, có mẫu mã và trọng lượng y như hàng bình thường chính hãng, nhìn bề ngoài không thể phát hiện ra”.

Bên cạnh vấn đề kỹ thuật, những thách thức trong xác định hàng giả còn xuất phát từ chính các quy định về phân biệt hàng giả (hàng giả về chất lượng, công dụng, tem nhãn, bao bì) và hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (thường gọi là “hàng nhái”, bao gồm hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, giả mạo về chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu). Thoạt nhìn các loại hàng hóa trên chẳng có mấy khác biệt song thực tế, các đối tượng trên sẽ có những cách xử lý hoàn toàn khác nhau. “Nếu xác định là hàng giả, sẽ khép vào tội ‘sản xuất, buôn bán hàng giả’, khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, nếu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý thì sẽ là tội ‘xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp’, cao nhất chỉ có ba năm tù thôi”, ông Phạm Xuân Việt ở khoa Cảnh sát kinh tế (Học viện Cảnh sát) từng nhận xét trong một hội thảo về hàng giả năm 2019. Do vậy, “nếu nhận diện không đúng sẽ xử lý sai, hàng giả cứ đẩy hết về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và ngược lại”.

Không chỉ những người tiêu dùng thông thường mới thấy mơ hồ giữa hàng giả - hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà kể cả những người trong ngành cũng gặp khó khăn khi phân biệt giữa hai đối tượng trên. “Chúng ta nên xây dựng văn bản hoặc quy định nào đó để xác định việc xâm phạm quyền rõ ràng, chứ hiện nay chúng tôi đang thấy rất vướng mắc. Chẳng hạn như sản phẩm của chúng tôi mang nhãn hiệu nhựa Tiền Phong, bây giờ đối tượng làm giả y hệt, chỉ cần thêm một chữ nào đó vào phía trước hoặc sau chữ nhựa Tiền Phong thì nó không phải là hàng giả nữa, mà sẽ trở thành hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp rồi”, ông Hứa Quang Vinh, Trưởng Bộ phận chống hàng giả hàng nhái của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết. “Trong khi đó, để xác định xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì rất nhiều thủ tục, sau đó nếu có khởi kiện thì có đến nơi đến chốn hay không, để theo đuổi các vụ kiện đó sẽ rất tốn kém công sức, thời gian, tiền bạc mà cũng chưa biết kết quả như thế nào”.

Việc xác định hàng giả đã khó, song làm thế nào để xử lý hiệu của những hàng hóa đã thu giữ được lại càng phức tạp hơn. Đơn cử “như bây giờ chúng tôi bắt được rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu gửi từ nước ngoài về Việt Nam, đứng tên một người nào đấy, nhưng hầu như khi chúng tôi đi xác minh thì địa chỉ không có thật. Hoặc là người ta ủy quyền cho một trung tâm đứng ra làm thủ tục, chúng tôi mời thì họ lại không lên. Cuối cùng chỉ xử lý được hàng hóa, mang đi tiêu hủy chứ cũng không bắt được đối tượng đứng sau, không mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Khi mang đi tiêu hủy thì quy trình cũng rất phức tạp và tốn kém, rất khó cho các lực lượng chức năng”, ông Trịnh Ngọc Ban nói.

Trách nhiệm không của riêng ai

Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm cách bảo vệ mình bằng cách ứng dụng các biện pháp công nghệ. Chẳng hạn như với nhựa Tiền Phong, “chúng tôi đã nghiên cứu thay đổi công nghệ như đầu tư khuôn mẫu, thay đổi tiêu chuẩn chữ in tạo sự khác biệt giữa sản phẩm thật với sản phẩm giả, xây dựng các dãy kí tự mã hóa để thuận tiện cho việc kiểm soát, so sánh phát hiện sản phẩm thật và sản phẩm giả một cách hiệu quả”, ông Hứa Quang Vinh cho biết. “Tuy nhiên vấn đề công nghệ chỉ là một phần thôi, vì công nghệ thay đổi hằng ngày. Bản thân các đối tượng sản xuất và kinh doanh hàng giả cũng nắm bắt công nghệ rất nhanh. Khi doanh nghiệp thay đổi về mặt công nghệ nào đó thì họ dễ dàng sao chép chỉ trong một thời gian ngắn”.

Do vậy, theo của các chuyên gia trong tọa đàm, nếu muốn tăng cường hiệu quả trong phòng chống hàng giả thì cần có sự phối hợp giữa các bên chứ những nỗ lực đơn lẻ là chưa đủ. “Việc phối hợp giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong quá trình bắt giữ và xử lý hàng giả. Chẳng hạn như khi bắt được lô hàng của Công ty Việt Tiến, có công ty Việt Tiến đến xác định đây là hàng giả, thì các lực lượng chức năng chắc tay lắm, bắt thoải mái luôn, không phải đi xác minh kiểm định, có kết luận ngay, xử lý kịp thời nhanh chóng, thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Đăng Sinh nhận xét.

Dù mang lại lợi ích rõ ràng song thực tế trong thời gian vừa qua, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ. Một trong những điểm mấu chốt là phải tạo được niềm tin của doanh nghiệp đối với các nhà quản lý, theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bởi lẽ hiện nay “một số doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng các cơ quan chức năng”. Điều này xuất phát từ những hạn chế trong xử lý hàng giả mà các doanh nghiệp từng trải qua: “Có đơn vị chức năng còn cấu kết, bảo kê cho các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, không chỉ sản phẩm của chúng tôi mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác. Có những trường hợp chúng tôi cung cấp thông tin thì thông tin đấy được chuyển thẳng đến các đối tượng hàng giả. Sau đó cơ quan chức năng có đến kiểm tra xử lý nhưng lúc đấy tang vật không còn nữa, chỉ còn tàn dư để xử lý ở mức độ nhẹ nhất thôi”, ông Hứa Quang Vinh phản ánh.