ADB có sáng kiến tài trợ nhằm cắt giảm phát thải carbon ở Đông Nam Á, đầu tiên là Indonesia, Philippines và Việt Nam - ba nước sử dụng nhiều năng lượng than. Tuy nhiên các chuyên gia dự đoán, sáng kiến này sẽ gặp nhiều trở ngại khi triển khai thực tế.
Sáng kiến được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 3/11 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 -COP26.
Indonesia vẫn phụ thuộc vào than để đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng. Trong ảnh: vận chuyển than trên sông Mahakam ở Đông Kalimantan.
Thay thế các nhà máy than bằng năng lượng tái tạo không chỉ tốt cho môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, theo Christoph Nedopil, nhà kinh tế phát triển tại Đại học Fudan. Nhưng một trở ngại, theo Nedopil, là tìm nguồn vốn để mua lại các nhà máy điện than và trở ngại thứ hai là tìm nguồn vốn đầu tư vào công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió bù lại cho công suất điện than đã mất.
Để giải quyết hai vấn đề này, sáng kiến Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) cho Đông Nam Á của ADB sẽ xây dựng hai quỹ tài trợ.
Một quỹ sẽ gom vốn từ các nguồn công, tư và từ thiện để mua các nhà máy nhiệt điện than và đóng cửa chúng, hoặc khuyến khích chủ sở hữu các nhà máy đóng cửa sớm so với tuổi đời nhà máy.
Quỹ thứ hai sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo để thay thế công suất điện than đã mất. Đầu tiên, ADB nhắm đến Indonesia, Philippines và Việt Nam - ba nước đều ngày càng phụ thuộc vào nhiệt điện than trong những năm gần đây và có dự định xây thêm nhà máy điện than. Mục tiêu của ADB là giảm 50% nhiệt điện than ở ba quốc gia, tương đương với 200 triệu tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm, theo Phó Chủ tịch ADB Ahmed Saeed.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế sẽ có rất nhiều chi tiết và điều khoản chuyển giao phức tạp, Melissa Brown, nhà phân tích tài chính năng lượng tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng có trụ sở ở Mỹ, cho biết.
Một trở ngại là định giá bao nhiêu để bồi thường cho các nhà sản xuất điện than độc lập - các công ty xây dựng và vận hành các nhà máy điện và bán điện cho các công ty tiện ích (có chức năng cung cấp những tiện nghi cơ bản như điện, nước, khí tự nhiên... đến người dân). Giữa nhà máy và công ty tiện ích có thể có các giao dịch bí mật, dài hạn để bảo vệ chủ sở hữu nhà máy khỏi áp lực thị trường. Nhiều nhà máy điện than ở Việt Nam có tuổi đời dưới 10 năm và chủ sở hữu có thể không muốn bán một tài sản mới chỉ bắt đầu tạo ra doanh thu. Nhưng ngược lại, có những công ty đang gặp khó khăn về tài chính và sẵn sàng thương lượng, chẳng hạn như Công ty Điện lực Nhà nước thuộc sở hữu của chính phủ Indonesia, Brown nói.
Một trở ngại khác là cần nâng cấp lưới điện trong khu vực để có khả năng lưu trữ và cân bằng điện năng cần thiết khi sử dụng năng lượng mặt trời và gió.
Có cả những trở ngại về mặt xã hội. “Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng nên loại bỏ than đá," theo Yuyun Harmono, giám đốc Chiến dịch công bằng khí hậu của Diễn đàn Indonesia về Môi trường. Nhưng Harmono lưu ý, cần cân nhắc các chương trình đào tạo lại công nhân và hỗ trợ các cộng đồng sống gần các mỏ - họ có thể bị ảnh hưởng hoặc mất việc làm bởi quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Các nhóm như của Harmono cũng muốn đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không gây tốn kém cho người tiêu dùng. “Bất kỳ kế hoạch chuyển đổi nào đều phải đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều chia sẻ lợi ích," Harmono nói.
Bất chấp nhiều vấn đề còn chưa chắc chắn, Brown dự đoán kế hoạch của ADB sẽ nhận được nhiều phát ngôn ủng hộ. Buổi công bố sáng kiến của ADB đã thu hút đại diện của các công ty đầu tư và các tổ chức từ thiện toàn cầu, chẳng hạn như Quỹ Rockefeller và Quỹ Trái đất Bezos - quỹ đặt mục tiêu tài trợ cho việc chống lại biến đổi khí hậu 10 tỷ USD.
Nguồn: