Đối tác toàn cầu về AI GPAI và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu OECD đã thông báo về “quan hệ đối tác tích hợp” để cùng tiến tới đồng thuận toàn cầu về chính sách AI chung.

Bà Bettina Martin (SPD), người phụ trách các vấn đề khoa học và châu Âu tại bang Mecklenburg-Vorpommern, Đức đang được robot Pepper chào đón trong một chuyến tới Trung tâm AI của ĐH Rostock. Nguồn: Gettyimages
Bà Bettina Martin (SPD), người phụ trách các vấn đề khoa học và châu Âu tại bang Mecklenburg-Vorpommern, Đức đang được robot Pepper chào đón trong một chuyến tới Trung tâm AI của ĐH Rostock. Nguồn: Gettyimages

Đối tác toàn cầu về AI (GPAI) là một kế hoạch hợp tác hành động tập trung vào AI được thành lập để “hướng dẫn phát triển phản hồi về AI trên cơ sở quyền con người, sự tham gia và đa dạng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế’, do Pháp và Canada khởi xướng, thu hút nhiều quốc gia như Australia, EU, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Slovenia, Anh và Mỹ. GPAI sẽ “đem các chuyên gia từ các ngành công nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và thế giới hàn lâm lại làm việc cùng nhau” về phản hồi sử dụng AI; quản lý dữ liệu, công việc của tương lai; đổi mới sáng tạo và thương mại hóa.

Ngày 3/7, các bộ trưởng từ nhiều quốc gia trong nhóm GPAI đã nhóm họp ở Ấn Độ để lên kế hoạch “đối tác tích hợp” giữa GPAI với OECD, với sự tham gia của 44 quốc gia, trong đó, có một số quốc gia thu nhập trung bình và thấp”.

Với GPAI, thông tin này là một kết quả nằm ngoài mong đợi của cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi bắt tay vào năm 2019 hợp thành một kế hoạch siêu tham vọng để thúc đẩy sự đồng lòng nhất trí trên toàn cầu về cách phát triển và điều chỉnh AI đúng đắn. Hai cường quốc về công nghệ AI là Trung Quốc và Mỹ chỉ tham gia cầm chừng.

OECD gần đây đang nỗ lực cập nhật các nguyên tắc về AI mà mình đã xây dựng từ năm 2019 nhằm ứng phó với các công nghệ AI mới như AI tạo sinh. Việc cập nhật này của OECD nhằm giải quyết một cách trực diện các thách thức liên quan đến AI về quyền riêng tư, sở hữu trí tuệ, bảo mật cá nhân và minh bạch thông tin. Bộ nguyên tắc AI của OECD đem lại một bản thiết kế chi tiết cho các khung chính sách về cách giải quyết các nguy cơ AI và định hình các chính sách về AI. Là một tiêu chuẩn liên chính phủ đầu tiên được xây dựng về AI, bộ nguyên tắc này chủ trương ủng hộ AI sáng tạo và đáng tin cậy, đồng thời không đi ngược lại với quyền con người và các giá trị dân chủ.


Việc tái cấu trúc và hợp nhất của OECD và GPAI là bước ngoặt mới trong một quá trình ngày một quanh co để đi tìm một sự đồng thuận trên quy mô quốc tế về AI.

Audrey Plonk


Sự hợp nhất giữa GPAI và OECD mang lại cho nỗ lực chính sách AI “một ngôi nhà thể chế chung” ở Paris với OECD, Audrey Plonk, Phó Giám đốc chương trình KH&CN của OECD nói. Và ngôi nhà thể chế này phải có được sự hiệu quả quản trị, hành chính để giảm chi phí tham gia với các quốc gia phát triển – một vấn đề quan trọng để đem lại AI tác động đến các xã hội của họ. Tổ chức này “đang được cấu trúc lại theo một cách để các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận được”, bà nói và cho biết thêm “châu Phi là một tập trung” cho các thành viên mới.

Sau khi hợp tác, OECD đã đóng vai trò như một ban thư ký cho GPAI song song với việc điều phối một xây dựng chính sách AI của chính mình với 38 quốc gia thành viên, bao gồm Mỹ, Canada và Pháp. Việc hợp nhất hai sáng kiến làm một này đã bổ sung sáu quốc gia là thành viên GPAI vào sáng kiến chung: Ấn Độ, Serbia, Argentina, Brazil, Singapore và Senegal. Họ không đề cập đến khả năng tham gia của Trung Quốc nhưng loan báo là các thành viên hiện tại có thể mời các quốc gia khác đồng thuận tham gia.

Một chính sách AI toàn cầu?

Theo thông tin từ văn phòng Quan sát chính sách AI của OECD, so với năm 2019, đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup AI tạo sinh đã tăng gấp chín lần, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng về AI cũng lên 130%, tỉ lệ các công ty lớn sử dụng AI tăng gần gấp đôi và số các công ty lớn sử dụng AI cũng nhiều hơn bốn lần so với các công ty nhỏ. Những phát triển này cũng trùng khớp với những quan tâm và hành động chính sách khi hơn 1.000 sáng kiến AI xuất hiện trên 70 quốc gia.

Do đó, việc tái cấu trúc và hợp nhất của OECD và GPAI là bước ngoặt mới trong một quá trình ngày một quanh co để đi tìm một sự đồng thuận trên quy mô quốc tế về AI.

Vì phần lớn các công nghệ về AI trên thị trường hiện nay đều do các công ty Mỹ chào mời nên Mỹ miễn cưỡng không muốn làm điều gì có thể làm suy yếu tầm ảnh hưởng của mình về mặt thương mại; trong khi EU là nơi đầu tiên trên thế giới ban hành một đạo luật về điều chỉnh AI bị giới hạn về tác động thương mại. Hiện nay bộ phận soạn thảo chính sách AI của OECD dựa trên các nguyên tắc về đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật cá nhân. Tuy nhiên, triển vọng để đạt được một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc nào về phát triển và điều chỉnh AI vẫn còn quá khó.

Tình trạng này đang làm nhiều chuyên gia AI nản lòng và lo lắng. “Cần phải có một sự điều phối quốc tế về AI”, theo nhận xét của giáo sư Marija Slavkovik, người phụ trách Khoa Nghiên cứu Công nghệ thông tin và truyền thông tại ĐH Bergen, Na Uy. Mạng Internet đã xuyên biên giới nhưng “với AI, điều đó còn trở nên xấu hơn. Mọi thứ đều được lan truyền rất nhanh chóng” từ dữ liệu các máy chủ đến điện thoại cầm tay. Hơn nữa, bà nói, “rất nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào đó, và nó có thể làm phát lộ rất nhiều thông tin liên quan đến các quyền riêng tư của con người”. Bà kể lại trong một chuyến công tác gần đây ở Trung Quốc, muốn lên được máy bay bà phải đồng ý sử dụng phần mềm ghi nhận khuôn mặt hơn là một thẻ lên máy bay thông thường.

Cho đến gần đây, văn phòng của OECD ở Paris đã điều hành các ban thư ký riêng biệt cho công việc soạn thảo quy định về AI của riêng OECD và GPAI. Tổ chức này chuyển đổi GPAI vào một chương trình khác của OECD, cho phép các thành viên không thuộc nhóm OECD cân nhắc các quyết định chính sách về AI. Nó cũng kết hợp các chuyên viên và chuyên gia, đồng thời sẽ duy trì công việc với ba trung tâm chính sách của GPAI tại Montreal, Paris và Tokyo nhưng các chính phủ sẽ tiếp tục tài trợ cho các trung tâm này, OECD cho biết.

Nguồn: sciencebusiness.net,
oecd.org

Đăng số 1301 (số 29/2024) KH&PT