Quỹ Đại học trị giá 10 nghìn tỷ Yên (62 tỷ USD) của Nhật Bản vừa chọn được ứng viên cho vòng tài trợ đầu tiên. Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là liệu tăng tài trợ cạnh tranh có thể giúp giáo dục đại học Nhật Bản lấy lại các vị thế quốc tế đã mất hay không.


Sinh viên Đại học Tohoku làm việc trong phòng thí nghiệm tại Khoa Quang học lượng tử. Ảnh: Đại học Tohoku
Sinh viên Đại học Tohoku làm việc trong phòng thí nghiệm tại Khoa Quang học lượng tử. Ảnh: Đại học Tohoku

Đại học Tohoku vừa chính thức trở thành trường đầu tiên nhận được khoản tài trợ lớn từ Quỹ Đại học (University Fund – UF) trị giá 10 nghìn tỷ Yên (62 tỷ USD) của Nhật Bản.

Như vậy, trong số 10 ứng viên, chỉ có ba trường tiến vào vòng hai, và cuối cùng chỉ có Tohoku - một trường đại học quốc gia chuyên về khoa học và kỹ thuật - được chọn.

Những ứng viên không thành công bao gồm Đại học Tsukuba, Đại học Tokyo, Đại học Khoa học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Waseda, Đại học Nagoya, Đại học Osaka, Đại học Kyushu, và Viện Khoa học Tokyo (IST). Trong đó, Viện Khoa học Tokyo – kết quả của việc sáp nhập giữa Đại học Công nghệ Tokyo (TIT) và Đại học Y và Nha khoa Tokyo (TMDU) - đã xác nhận kế hoạch nộp lại hồ sơ xin tài trợ của Quỹ. Các trường khác như Đại học Tokyo, Đại học Nagoya và Đại học Waseda cũng có kế hoạch tương tự.

Đại học Tohoku sẽ nhận được khoảng 10 tỷ Yên (62 triệu USD) trong năm đầu. Trong hồ sơ ứng viên, Đại học Tohoku đặt mục tiêu tăng gần 10 lần số lượng công bố nằm trong top 10% bài báo được trích dẫn nhiều nhất. Các mục tiêu khác bao gồm tuyển thêm sinh viên quốc tế và tăng tài trợ nghiên cứu từ các công ty tư nhân lên hơn 10 lần.

Quỹ Đại học ra đời vào năm 2022, trong bối cảnh giáo dục đại học Nhật Bản có dấu hiệu phát triển thụt lùi. Về xếp hạng, Đại học Tokyo tụt từ thứ 35 xuống 39 và Đại học Kyoto từ thứ 61 xuống 68 trên bảng xếp hạng thế giới của Times Higher Education. Đây cũng là hai trường duy nhất của Nhật Bản vào top 200. Về nghiên cứu, Nhật Bản đứng thứ 12 thế giới về số lượng bài báo trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất trong giai đoạn 2019–2021; trước đó, Nhật Bản từng đứng thứ tư trong giai đoạn 1999–2001.

Quỹ Đại học do Cơ quan phát triển Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) quản lý và hoạt động như một quỹ đầu tư, chủ yếu bằng nguồn vay từ Chương trình Cho vay và Đầu tư tài chính. Tiền lãi của Quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính lên đến 25 năm cho các ứng viên đáp ứng tiêu chí của chương trình “Trường đại học vì sự xuất sắc trong nghiên cứu quốc tế” (University for International Research Excellence hay UIRE) do Bộ Giáo dục quản lý. Các trường có thể dùng tiền tài trợ để cải thiện cơ sở vật chất, hỗ trợ tiền lương cho nghiên cứu sinh tiến sĩ và tăng số lượng bài báo khoa học.

Với mục tiêu lợi nhuận đầu tư khoảng 4,5%/năm, Quỹ hướng tới đạt lợi nhuận 300 tỷ Yên trong năm tài chính 2026.

Trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng Ba vừa qua, Quỹ ghi nhận khoản lãi lên tới 993,4 tỷ Yên (6,17 tỷ USD), sau khoản lỗ 60,4 tỷ Yên (371 triệu USD) trong năm tài chính trước đó.

Cuộc tuyển chọn cho vòng tài trợ tiếp theo dự kiến bắt đầu vào khoảng tháng Tư năm sau.

Vấn đề nhiều người quan tâm lúc này là liệu Quỹ Đại học có thật sự hỗ trợ các trường hay không.

Lý giải vì sao hiệu suất nghiên cứu của Nhật Bản đang kém đi, GS Hideaki Tanaka (Trường Cao học Nghiên cứu Quản trị, Đại học Meiji) cho rằng, tài trợ cho các trường đại học quốc gia đã bị cắt giảm trong hai thập kỷ qua, dẫn đến giảm chi tiêu cho nghiên cứu. Số lượng các nhà nghiên cứu toàn thời gian và nghiên cứu sinh tiến sĩ đều giảm; tỷ lệ tiến sĩ trên dân số của Nhật Bản hiện chỉ bằng khoảng 1/3 so với Vương quốc Anh và Đức. Tương tự, thời gian dành cho nghiên cứu cũng bị cắt xén, trong khi thời gian dành cho giảng dạy và thủ tục hành chính ngày càng tăng.

“Nhiều người tin rằng cạnh tranh sẽ cải thiện hiệu suất nghiên cứu, nhưng cạnh tranh quá mức có thể mang đến những hệ lụy,” GS Tanaka nói. “Nó có thể làm suy yếu động lực của nhà khoa học khi thời gian và nguồn lực dành cho các dự án thất bại bị coi là “lãng phí”. Nhà khoa học không thể thực hiện những nghiên cứu mang tính đổi mới và thách thức khi họ quá lo lắng về việc phải tránh rủi ro và bị đánh bại trong các cuộc cạnh tranh giành tài trợ.”

Ông dẫn ra trường hợp Thụy Điển, dù tăng tài trợ nghiên cứu cạnh tranh nhưng nước này đã chứng kiến năng suất nghiên cứu sụt giảm kể từ năm 2000. Nguyên nhân lớn nhất là việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn tài trợ cạnh tranh khiến công ăn việc làm của các nhà nghiên cứu trẻ không ổn định. Một số phân tích thống kê cũng cho thấy năng suất công bố phụ thuộc vào mức tài trợ cơ bản cao và đánh giá toàn diện sau công bố.

Theo GS Tanaka, Quỹ Đại học chỉ hỗ trợ một số ít trường đại học. “Ngay cả khi các trường đại học như vậy tăng số lượng công bố, hiệu suất nghiên cứu tổng thể của Nhật Bản chưa chắc được cải thiện,” ông chỉ ra. “Phân tích của Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho thấy, các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản có năng suất công bố cao hơn các trường đại học của Đức. Nhưng Đức hơn Nhật Bản về số lượng công bố được trích dẫn nhiều. Đó là lý do vì sao các trường đại học Đức phát triển được thế mạnh riêng của mình trong các lĩnh vực học thuật khác nhau.”

Và ông cho rằng Chương trình UIRE nên đầu tư phát triển nhân lực đều khắp Nhật Bản, thay vì chỉ tập trung vào một vài trường đại học.

Cùng quan điểm này, GS Futao Huang (Viện nghiên cứu Giáo dục đại học thuộc Đại học Hiroshima) nói, “đáng để xem xét việc điều chỉnh các tiêu chí [của Chương trình UIRE] để khuyến khích thêm nhiều trường đại học phấn đấu đạt những mục tiêu đầy tham vọng mà không ảnh hưởng đến các nguyên tắc của Quỹ.”

Sáp nhập để tăng sức cạnh tranh tài trợ?

Chỉ vài tháng sau khi chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida cho biết sẽ phân bổ 10 nghìn tỷ Yên cho Quỹ Đại học, vào giữa tháng 10/2022, Viện Công nghệ Tokyo và Đại học Y và Nha khoa Tokyo đã công bố sẽ sáp nhập thành một trường đại học quốc gia mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu trong nghiên cứu. Đây là cuộc sáp nhập đầu tiên giữa hai trường đại học quốc gia lâu đời của Nhật Bản mà động cơ đằng sau được cho là nhằm cạnh tranh nguồn tài trợ từ Quỹ Đại học.

Trong quá khứ, Nhật Bản từng chứng kiến chính sách mới của chính phủ thúc đẩy sự sáp nhập của các cơ sở giáo dục đại học. Mười năm về trước, chính sách của Thủ tướng Junichiro Koizumi đã dẫn đến một loạt vụ sáp nhập của 24 trường công lập, đa ngành lớn và các trường nhỏ hơn ở địa phương.

Tuy nhiên, Norihiro Tokitoh, Phó chủ tịch Đại học Kyoto, cảnh báo về những tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc sáp nhập. Ông lưu ý rằng, sáp nhập có thể mang lại “một số rủi ro” khi các trường đại học sẽ “mất đi những đặc trưng quan trọng ban đầu”.

Các học giả khác e ngại rằng việc những trường lớn bắt tay với nhau có thể làm tăng thêm sự bất bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học, theo đó những trường nghèo ngày càng “nghèo hơn”.

Như Masayuki Kobayashi, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học J. F. Oberlin, chỉ ra, chính phủ đang tăng cường tài trợ cạnh tranh cho những trường đại học nghiên cứu hàng đầu, ngay cả khi tiếp tục giảm trợ cấp cho các trường đại học 1% mỗi năm, kể từ năm 2004. Theo dữ liệu của chính phủ, khoản trợ cấp cho chi thường xuyên chiếm khoảng một nửa nguồn thu của một trường đại học quốc gia.

“Các trường đại học công lập nhỏ đã chịu thiệt hại bởi chính sách này… số lượng bài báo khoa học [có chỉ số tác động cao] của Nhật Bản đang giảm mạnh. Tôi e rằng đây là một dấu hiệu xấu của cuộc cải cách chính sách này”, ông nói.

Sự kiện sáp nhập giữa TIT và TMDU cũng làm dấy lên những suy đoán trong giới học thuật về việc liệu sẽ có thêm những động thái tương tự hay không.

Hiroshi Ota, giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại cương tại Đại học Hitotsubashi, cho biết các cuộc sáp nhập có xảy ra hay không phụ thuộc vào các ưu đãi của chính phủ. Nhưng ngay cả khi không có động lực cạnh tranh tài trợ thì một số trường đại học có thể vẫn phải sáp nhập, trong bối cảnh số lượng sinh viên giảm mạnh.

Ông nói: “Dân số 18 tuổi sẽ còn giảm ở Nhật Bản, việc sáp nhập có thể là một lựa chọn thực tế cho các trường đại học tư thục không đảm bảo đủ số lượng tuyển sinh”.

Nhưng sáp nhập không phải là thuốc chữa bách bệnh. Shigeaki Katayanagi, chuyên viên tại Cục Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục, chỉ ra: “Các cuộc sáp nhập có thể đặt ra thách thức cho ngành giáo dục đại học Nhật Bản vì chúng có thể làm suy yếu các trường đại học nhỏ hơn vốn cũng cung cấp sự lựa chọn cho những sinh viên muốn theo đuổi các môn học đa dạng”.

Nguồn tham khảo: