Biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh trên thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe toàn cầu đang đặt ra cho Hàn Quốc, quốc gia hàng đầu thế giới về đầu tư nghiên cứu nhân sâm, những thách thức mới.

Một trong những mục tiêu của các chuyên gia về sâm Hàn Quốc là phát triển các giống mới chống biến đổi khí hậu. Nguồn: Korea.net
Một trong những mục tiêu của các chuyên gia về sâm Hàn Quốc là phát triển các giống mới chống biến đổi khí hậu. Nguồn: Korea.net

Có lẽ, không mấy ai xa lạ với nhân sâm và các sản phẩm tiêu dùng chiết xuất từ nhân sâm. Ngay cả khi không cần phải du lịch đến Hàn Quốc thì rất nhiều siêu thị, cửa hàng bán hàng hóa Hàn Quốc hay thị trường online đã trưng bày, giới thiệu vô vàn các loại sản phẩm khác nhau, từ nhân sâm truyền thống nguyên củ, nước sâm cô đặc, cao lên men, sâm thái lát tẩm mật ong đến viên sâm dạng hoàn, viên nang, bột… được giới thiệu với nhiều tính năng bảo vệ sức khỏe hấp dẫn.

Đằng sau những sản phẩm hấp dẫn và đa dạng từ nhân sâm (Panax ginseng), một trong số bốn vị thuốc quý của y học cổ truyền ở nhiều quốc gia châu Á sâm – nhung – quế - phụ từ hàng ngàn năm nay, là một chiến lược đầu tư dài hạn và bài bản của Hàn Quốc trong hàng thập kỷ. Mặc dù loại thực vật lâu năm thuộc họ Araliaceae này có mặt ở 35 quốc gia nhưng cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới trong việc rót tiền vào đầu tư nghiên cứu nhân sâm, không chỉ giúp họ có được bằng chứng khoa học, cách thức khai thác các tính năng ưu việt của nhân sâm mà còn giúp tạo ra những giống nhân sâm chống biến đổi khí hậu.

Một chiến lược đầu tư bài bản

Không riêng gì Hàn Quốc mà nhiều quốc gia khác cũng quan tâm đến các hoạt tính đặc biệt của nhân sâm trong bảo vệ tim, chống ung thư và bảo vệ thần kinh. Kể từ năm 1959, khi nhà khoa học Đức V. D. Petkov bắt đầu tìm hiểu về dược tính và dược lực học của sâm và có một số kết quả ban đầu thì đã bắt đầu diễn ra một cuộc bùng nổ nghiên cứu sâm. Đó cũng là một phần lý do mà Hàn Quốc quyết định dành những khoản đầu tư lớn và một chiến lược dài hạn để mang lại vị thế cho sâm Hàn Quốc, mở đường để đưa vị thuốc cổ truyền này thành sản phẩm hàng hóa trên toàn cầu.


Các chuyên gia sâm hàng đầu của Hàn Quốc đang hợp tác để gia tăng năng lực sản xuất, tạo ra những giống sâm mới đủ sức chống chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan mà vẫn đảm bảo chất lượng, đồng thời sáng tạo những công thức mới, đủ sức tối ưu hóa các đặc điểm có lợi cho sức khỏe.


Tại hội thảo “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm” do Viện Khoa học Việt Nam Hàn Quốc (VKIST) tổ chức vào cuối tháng sáu vừa qua, giáo sư Jeong Hill Park của ĐH Quốc gia Seoul, một nhà nghiên cứu về khoa học dược phẩm, đã khiến những người tham dự hội thảo kinh ngạc về chiến lược đầu tư cho nghiên cứu về sâm của Hàn Quốc. Ban đầu, việc nghiên cứu về sâm còn tản mát ở nhiều viện nghiên cứu và trường đại học, chưa tập trung thành một hướng đi bài bản và có độ phủ sóng rộng, Hàn Quốc đã quyết định lập Hiệp hội Sâm Hàn Quốc (KSG) vào năm 1975 để thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và ứng dụng liên quan đến trồng trọt, sinh học, hóa sinh, dược lý, khoa học thú y và chế biến nhân sâm cho mục đích y học và nghiên cứu lâm sàng, giáo sư Jeong Hill Park cho biết.

Ngay từ khi mới thành lập, Hiệp hội Sâm Hàn Quốc đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, thậm chí thực dụng, là giúp nâng cao trình độ nghiên cứu về sâm ở cả góc độ lý thuyết và thực hành thông qua cung cấp thông tin kỹ thuật cho ngành công nghiệp sâm nước nhà, cung cấp những nội dung giáo dục liên quan đến sâm cho cộng đồng và đưa ra các đề xuất liên quan đến sức khỏe có thể giúp tăng nhận thức chung của mọi người về sâm. Điểm những bước đi của Hiệp hội Sâm Hàn Quốc, giáo sư Jeong Hill Park cho rằng, “những nghiên cứu ở Hiệp hội Sâm Hàn Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành bảy viện nghiên cứu về sâm, bốn bảo tàng nhân sâm và tư vấn cho 12 hợp tác xã trồng sâm, chế biến sâm cùng bốn chợ sâm trên toàn quốc”.

Hiệp hội Sâm Hàn Quốc đã góp phần củng cố sức mạnh khoa học về sâm Hàn Quốc. “Cho đến nay tổ chức này quy tụ khoảng 1.200 thành viên là các nhà khoa học nghiên cứu về sâm, tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc hai lần một năm và bốn năm một lần một hội nghị chuyên đề quốc tế về sâm uy tín”, giáo sư Jeong Hill Park nói.

Nghiên cứu về tác động của các hoạt chất chiết suất từ sâm trong phòng thí nghiệm trường Đại học Kyung Hee, cơ sở nghiên cứu hàng đầu về sâm ở Hàn Quốc. Ảnh: ĐH Kyung Hee
Nghiên cứu về tác động của các hoạt chất chiết suất từ sâm trong phòng thí nghiệm trường Đại học Kyung Hee, cơ sở nghiên cứu hàng đầu về sâm ở Hàn Quốc. Ảnh: ĐH Kyung Hee

Để tập trung trí lực của các nhà khoa học Hàn Quốc về chủ đề sâm, Hiệp hội Sâm Hàn Quốc đã rót tiền khoảng 1 - 1,5 triệu USD/năm cho khoảng 20 đến 30 dự án nghiên cứu được hội đồng khoa học phê duyệt, giáo sư Jeong Hill Park đề cập đến cách thức duy trì được mạch nghiên cứu một cách liên tục và thúc đẩy đội ngũ nghiên cứu tìm tòi, phát hiện những điểm mới về loài cây này. Những nghiên cứu về sâm từ tài trợ của hiệp hội sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng cho ngành công nghiệp nên việc tiến hành nghiên cứu không chỉ cẩn trọng mà phải đòi hỏi chất lượng cao. Vì vậy, hiệp hội khuyến khích các nhà nghiên cứu xuất bản kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, đồng thời lập ra hai tạp chí Journal of Ginseng Research và Journal of Ginseng Culture. Đó là cách để Hàn Quốc gia tăng uy tín quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu về sâm cũng như góp phần quảng bá về sâm Hàn Quốc trên thế giới. Giáo sư Jeong Hill Park tự hào cho biết, “Được thành lập vào năm 1976 với tên ban đầu Koryŏ Insam Hakhoe, kể từ năm 1998 tạp chí mang tên Journal of Ginseng Research và được Hiệp hội Sâm Hàn Quốc hợp tác xuất bản với Elsevier. Cho đến nay, Journal of Ginseng Research đã trở thành tạp chí truy cập mở có bình duyệt uy tín với hệ số ảnh hưởng 6,8”.

Những chia sẻ của giáo sư Jeong Hill Park về sức mạnh nghiên cứu về sâm Hàn Quốc không phải là sự khuếch đại. Trong một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học ở Viện Phát triển Dược liệu (Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc), Học viện Y học Hiệp Hòa Bắc Kinh và ĐH Chung-Ang, họ tìm ra top 10 học giả và bốn trong số 20 tạp chí về sâm đều từ Hàn Quốc. Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 2017, các chủ đề nghiên cứu quanh loài cây thuốc quý này tập trung vào dược học (39%), khoa học cây trồng (26%), và y học trị liệu hỗ trợ và thay thế (19%). Hàn Quốc cũng dẫn đầu về số lượng các bài báo nghiên cứu về sâm với 1.632 bài (41,1%), theo sau là Trung Quốc với 1.191 bài (27,5%). Các trường đại học hàng đầu về nghiên cứu sâm là ĐH Kyung Hee, ĐHQG Seoul, ĐH Konkuk, ĐH Chungbuk, ĐH Chungnam…

Làm nên sức mạnh này là bà đỡ ngân sách nhà nước kết hợp với ngành công nghiệp. Bên cạnh Hiệp hội Sâm Hàn Quốc còn có Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc, Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc, Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc và Tập đoàn Nhân sâm Hàn Quốc (KGC). Nhờ vậy “mỗi năm có hơn 600 công trình nghiên cứu về nhân sâm Hàn Quốc được xuất bản”, giáo sư Jeong Hill Park chỉ ra một trong những kết quả đáng khích lệ.

Đối diện với thách thức


Những tài trợ cho nghiên cứu về nhân sâm của Hàn Quốc không chỉ thúc đẩy năng lực của quốc gia này mà còn tham gia thúc đẩy cả năng lực của thế giới. Dược học, khoa học cây trồng, hóa học, hóa sinh và sinh học phân tử đã được tích hợp trong nghiên cứu về nhân sâm, trong đó hóa học là ngành cốt lõi và trở thành cây cầu để nối các chủ đề quan trọng. Đó là những cơ sở vững chắc cho ngành công nghiệp sâm của Hàn Quốc tăng trưởng không ngừng trong hàng chục năm qua, qua đó tạo ra rất nhiều sản phẩm ở nhiều ngành như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm… và mặt khác là những nghề nghiệp bền vững, chế độ đãi ngộ cao ở Hàn Quốc.

Do đó, câu chuyện về đầu tư cho nghiên cứu về sâm Hàn Quốc không chỉ là việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà còn gắn bó chặt chẽ đến “3.161 ha diện tích trồng trọt, 22.000 tấn sâm khai thác hằng năm, mức giá 30 USD/kg củ tươi và tổng doanh thu 560 triệu USD hằng năm” và “18.000 nông trại trồng nhân sâm, diện tích trung bình 8.000m2, thu nhập bình quân mỗi hộ trồng sâm là 40.000 USD/năm” như lời giáo sư Jeong Hill Park.

Trên thị trường nhân sâm toàn cầu, Hàn Quốc không một mình một chợ. Sức cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe toàn cầu đang ngày một tỏa sức nóng. Nếu không có những điểm gì đó mới mẻ, nếu không muốn nói là đột phá, thì các sản phẩm sâm và chiết xuất từ sâm Hàn Quốc sẽ mất thị phần về tay những kẻ cạnh tranh tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí là Mỹ.

Tuy trong bài trình bày của giáo sư Jeong Hill Park ở Hà Nội không nhắc đến những tác động của biến đổi khí hậu nhưng trên thực tế, nó đang tác động đến ngành công nghiệp sâm Hàn Quốc. Nhà nghiên cứu Kwon Na-young ở Viện nghiên cứu Dược liệu và làm vườn Quốc gia (Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc), được báo Korea Times dẫn lời “Những trận mưa như trút vào mùa mưa đang tạo ra những mối nguy cơ dịch bệnh với nhân sâm, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của củ”.

Những ảnh hưởng của thời tiết, ví dụ như nắng nóng, mưa nhiều…, khiến cho một phần củ sâm phát triển không đạt tiêu chuẩn hình thức cũng như dưỡng chất, do đó không đảm bảo giá trị trên thị trường. Theo lời giới thiệu của giáo sư Jeong Hill Park, “Nhân sâm Hàn Quốc là cây ôn đới, khó canh tác nhưng lại cần nhiều năm để thu hoạch và cần trải qua thời kỳ ngủ đông”. Vốn đã là cây khó trồng, nay khó khăn lại được gia nhiệt bởi biến đổi khí hậu cho thấy rất nhiều điểm có thể ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của sâm. Đó là lý do theo Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc, từ năm 2019 đến năm 2023, đã có 13,6 triệu m2 trong tổng số diện tích canh tác sâm bị thời tiết ảnh hưởng.

Mặt khác, các hộ trồng nhân sâm còn đối diện với thách thức khác, đó là thị phần của sâm đang bị bó hẹp ngay trên thị trường thực phẩm chăm sóc sức khỏe Hàn Quốc do dự cạnh tranh của các loại vitamin tổng hợp, lợi khuẩn probiotics, các loại thực phẩm thuần chay tiên tiến cũng như vô số chất chiết xuất từ thiên nhiên khác. Năm 2012, nhân sâm chỉ còn chiếm 50% thị trường thực phẩm chăm sóc sức khỏe rồi rơi xuống 44% vào năm 2018, và năm 2021 chỉ còn 26%.

Trên thị trường nhân sâm thế giới, các sản phẩm của Trung Quốc đang lấn át sản phẩm Hàn Quốc về cả số lượng. Một lần nữa, ngành sâm Hàn Quốc tìm đến phao cứu trợ khoa học. Các chuyên gia sâm hàng đầu của Hàn Quốc đang hợp tác để gia tăng năng lực sản xuất, tạo ra những giống sâm mới đủ sức chống chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan mà vẫn đảm bảo chất lượng, đồng thời sáng tạo những công thức mới, đủ sức tối ưu hóa các đặc điểm có lợi cho sức khỏe. Ví dụ theo Korea Times thì KGC, một nhà phát triển nhân sâm hàng đầu Hàn Quốc đã phát triển một sản phẩm mới mang tên Jung Kwan Jang từ Seonmyeong, một giống nhân sâm mới từ năm 2019 có sức chống chịu với các mức nhiệt cực đoan và ngay lập tức đăng ký nhãn hiệu. Seonmyeong thực sự vượt trội khi chỉ có 1,9% cây hai năm tuổi bị ảnh hưởng của nhiệt lên lá trong khi giống nguyên bản trung bình 14,4 % bị ảnh hưởng. Cây Seonmyeong sáu năm tuổi cũng vượt trội so với cây giống nguyên thủy khi giảm tỉ lệ cây bị ảnh hưởng xuống gần 4%.

Việc hợp tác với các nhà nghiên cứu về giống nhân sâm đã giúp cho Công ty KGC có thêm những “chiến binh” khác như Cheonpoong, Yeonpoong – cả hai đều có năng suất cao hơn Cheonsam, giống sâm có sản lượng cao nhất hiện thời. “Kể từ năm 1970, chúng tôi đã tạo ra 20 giống nhân sâm mới và sau đó đăng ký với Liên minh Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới”, một thành viên của KGC nói trên Korea Times.

Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc cũng là nơi tạo ra các giống mới. Sau Cheonryang, giống sâm có khả năng chịu mặn cao vào năm 2011, họ tiếp tục tạo ra các giống có sức chống chịu sâu bệnh vào năm 2013 và các mức nhiệt độ cao vào năm 2018 và 2019.

Giống mới không phải là tất cả. Các chuyên gia Hàn Quốc còn tìm kiếm những kỹ thuật mới để khai thác nhân sâm an toàn hơn trong những điều kiện thời tiết khác nhau. Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc đã phát triển một nhà lưới mới có thể giảm tác động của nhiệt lên cây khoảng 70% và đăng ký bằng sáng chế vào năm 2020. Họ còn phát triển các kỹ thuật khác ngăn ngừa hiện tượng thối rễ trên cây đã trồng vài năm. Trước đây, để giải quyết vấn đề này, các hộ chỉ còn nước chuyển sang trồng ở đất trồng mới sau bốn đến sáu năm và phải bỏ ra hàng triệu won để thuê đất mới, tiền công vận chuyển…

Năm 2018, Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc đã tự phát triển được một bộ kit chẩn đoán bệnh thối rễ và năm 2019 là các kỹ thuật ngăn ngừa mới sử dụng phân xanh, khử trùng đất bằng tia mặt trời và xông khói mặt đất. Nhờ vậy giảm đi 26,7% tình trạng thối rễ trên cây sâm năm năm tuổi. Hai năm sau, họ đã ban hành một sổ tay mới về quản lý đất để ngăn ngừa căn bệnh này. Để thúc đẩy kỹ thuật này trên quy mô lớn, từ năm 2023, họ đã lập một tổ công tác trong hợp tác với các nhà sản xuất thuốc trừ sâu và Hiệp hội Sâm Hàn Quốc.

Những giải pháp đó đem lại hy vọng cho ngành công nghiệp sâm Hàn Quốc. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn tồn tại ở những khía cạnh khác. “Có những tin đồn chưa được kiểm chứng về việc nhân sâm có tác dụng phụ là làm cơ thể bị nóng và khiến cho những người vốn đã nóng lại càng nóng”, Kwon Na-young trao đổi với Korea Times. “Chúng tôi phải loại bỏ những tin đồn kiểu đó song song với việc tiếp tục nghiên cứu để khám phá và thúc đẩy những khía cạnh mới còn ẩn giấu của cây sâm”.

Khoa học đang ngày càng tìm thấy những bằng chứng mới mẻ ở cây nhân sâm khi rất nhiều nhà khoa học tập trung vào tác động của nhiều hoạt chất chiết xuất từ sâm trong điều trị bệnh viêm nhiễm, bệnh Alzheimer, chuyển hóa… cũng như các ứng dụng trong thần kinh học lâm sàng, độc học và khoa học polymer. Đó cũng là cách hứa hẹn đem lại sức sống mới cho sâm Hàn Quốc trở lại ngôi vị hàng đầu của thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe, và hơn nữa của Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu.