Nông nghiệp Việt Nam đang chịu chi phí vật tư quá cao và sử dụng quá nhiều nước, chất lượng sản phẩm cũng chưa được chủ động kiểm soát,... - đó là tồn tại nhưng cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp ứng dụng những công nghệ thông minh.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, hiện nay mức độ tác động của công nghệ thông minh đến ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta còn thấp. Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang chủ yếu phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động dẫn đến chi phí vật tư quá cao. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn sử dụng quá nhiều nước, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chưa chủ động kiểm soát được chất lượng sản phẩm,... “Đây là tồn tại nhưng cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp bứt phá và tiếp tục đảm đương vai trò bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế đất nước” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các tham luận tập trung vào một số vấn đề như quản lý dinh dưỡng cây trồng qua hệ thống tưới nhỏ giọt ứng dụng cho cây ăn quả vùng đồng bằng sông Cửu Long; Giải pháp quản lí nông nghiệp thông minh Efarm; hệ thống canh tác thông minh theo chiều hướng công nghiệp 4.0; giải pháp trồng trọt thông minh giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và công lao động; hệ thống giám sát chất lượng nước online phục vụ nuôi tôm, cá; các công nghệ tiên tiến phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững: xu hướng và thực tiễn ứng dụng; ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp;…
Cụ thể, Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) giới thiệu những dòng phân đạm thông minh giúp giảm 50% lượng phân bón, 75% công bón phân, 50% lượng phát thải nhà kính, tăng năng suất cây trồng lên đến 30%. Tập đoàn này cũng giới thiệu Hệ thống máy cây tích hợp vùi phân, phao quan trắc nước, quản lý nước, máy in phun truy xuất nguồn gốc,… đã giúp giảm 70% giống, 30% nước, 50% thuốc bảo vệ thực vật,...
Công ty TC Check thì giới thiệu hệ thống giám sát chất lượng nước online nhằm giảm những rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Giải pháp này cho phép theo dõi tự động 24/7 các chỉ số môi trường nước (pH, nhiệt độ, độ mặn, ô xy hòa tan,…) để đưa ra các cảnh báo kịp thời.
Trong khi đó, Công ty TNHH Thanh Đức giới thiệu mô hình trang trại chăn nuôi gà đẻ lấy trứng cung cấp trứng sạch đảm bảo chất lượng đồng đều, không tồn dư kháng sinh và chất cấm nhờ ứng dụng công nghệ cao. Phân gà thải ra cũng được xử lý thành phân vi sinh cung cấp cho cây trồng.
Bên cạnh giới thiệu công nghệ, các đại biểu còn thảo luận lợi ích, thuận lợi và khó khăn, vướng mắc khi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL.
Với vai trò định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết sẽ có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long tăng cường ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông minh, góp phần giải quyết các thách thức đang đặt ra với ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản tại đây – Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định.