Loại bỏ một số rủi ro gắn liền với các start-up ở Trung và Đông Âu bằng những chính sách mới và cách tiếp cận mới có thể giúp họ sớm tìm được các nhà đầu tư.

Trong một báo cáo vào năm 2023, các tác giả đã phát hiện ra là, trong hai năm 2022 và 2023, đầu tư vào các công ty start-up ở Trung và Đông Âu đã giảm xuống tới 57%, trong khi trung bình cả lục địa chỉ giảm 45%. Các nỗ lực của châu Âu đang được tiến hành để giải quyết vấn đề này, với một dự án bắt đầu dưới sự bảo trợ của cộng đồng sức khỏe của Viện Đổi mới sáng tạo và Công nghệ châu Âu (EIT).

Dự án Đầu tư cho sức khỏe Trung và Đông Âu (HICEE) đã tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ và mạng lưới đầu tư từ khắp Hungary, Ba Lan, Slovakia, và Slovenia, cùng với các trung tâm đổi mới sáng tạo ở Bỉ và Hà Lan.

“Nghiên cứu cho thấy là khoảng trống đầu tư ở Trung và Đông Âu là do thiếu số lượng các dự án và các nhà đầu tư”, Magda Krakowiak, Giám đốc Bộ phận gia tốc Sức khỏe của EIT, nhận xét. “HICEE đã giải quyết điều này bằng việc tập trung vào hỗ trợ các văn phòng chuyển giao công nghệ, nuôi dưỡng việc chia sẻ tri thức thông qua xây dựng năng lực và bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư phù hợp cho các dự án mạo hiểm giai đoạn đầu”.

Chương trình này được chờ đợi sẽ đem lại ít nhất 10 tổ chức hỗ trợ start-up, như các văn phòng chuyển giao công nghệ, với những cách tiếp cận mới về thu hút đầu tư, và chuẩn bị mời 30 cố vấn có khả năng hỗ trợ cho 150 dự án đổi mới sáng tạo hoặc các start-up mạo hiểm mỗi năm.

Những kết quả khác đang được chờ đợi là kiểm tra 25 start-up về sức khỏe để xem họ có sẵn sàng cho việc gọi vốn trên thị trường quốc tế hay không, xem xét việc xuất bản các cuốn sổ tay đầu tư và một sách trắng cho các chính sách đầu tư. Các start-up lẫn các nhà đầu tư mạo hiểm Trung và Đông Âu đều thiếu tất cả những yếu tố này. “Có ít hiểu biết, cả về cách tiếp cận gọi vốn và cả việc đầu tư như thế nào”, theo Jakob Gajšek, Giám đốc Điều hành của vườn ươm trường Đại học Ljubljana, một đối tác của HICEE.Trong khi đó, các nhà đầu tư ở ngoài Trung và Đông Âu đều thiếu niềm tin về các start-up của vùng.

Những căng thẳng dạng đó đã xuất hiện với những người quan sát dự án HICEE. Với Ana Barjasic, Giám đốc Điều hành Connectologyvà chủ tịch nhóm làm việc với các quốc gia Trung và Đông Âu ở Hội đồng đổi mới sáng tạo châu Âu, các start-up trong vùng đối mặt với những thách thức tương tự khi tìm kiếm đầu tư ở nhiều nơi. Sự khác biệt nằm ở sự sẵn sàng và độ phức tạp của hệ thống cơ sở hỗ trợ.

“Các hệ sinh thái khác đã làm việc trong thời gian dài hơn, họ phát triển tốt hơn và có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp”, Barjasic nói. “Nhưng ngay cả ở những hệ sinh thái đã phát triển tốt như vậy thì bạn cũng phải có các doanh nghiệp thực sự chưa sẵn sàng đầu tư”.

Vốn đầu tư ít cũng là một vấn đề. “Không chỉ là việc không có đủ tiền để đầu tư mà là việc nó đã chuyển sang một dạng đầu tư khác. Vì vậy, bước đầu tiên là doanh nghiệp cần phải tự điều chỉnh tốt hơn để giảm thiểu rủi ro của mình, nhờ vậy mới có thể thu hút được nhà đầu tư”.

.
Ảnh minh họa. Nguồn:Bor Slana/STA

Độ sẵn sàng đầu tư

Giúp các start-up chuẩn bị tốt hơn để tìm kiếm đầu tư là một điểm khởi đầu hiển nhiên. “Sẵn sàng đầu tư là một trong số những điểm quan trọng mà chúng tôi đang làm với dự án HICEE”, Gajšek nói.

Sự hỗ trợ này trải dài từ cách làm thế nào để tạo ra những tiếp cận đầu tiên, một bước mà những nhà khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm thường thất bại. “Họ cảm thấy hạnh phúc với thứ chưa chắc chắn và không tiếp tục trao đổi với các nhà đầu tư khác nữa. Vài ba tháng sau có thể họ nhận ra là nhà đầu tư họ tưởng sẽ cam kết rót tiền lại không thực hiện cam kết”, Gajšek nói.

Một can thiệp sớm trong quá trình khởi nghiệp cũng có thể góp phần giải quyết vấn đề này, ví dụ đó là việc của vườn ươm khởi nghiệp của trường Đại học Ljubljana khi vận hành một chương trình đầu tư mạo hiểm, chọn các ý tưởng nghiên cứu và kiểm tra tiềm năng thương mại của chúng, sau đó hỗ trợ những ý tưởng sáng giá nhất. “Nó giúp tìm ra những người cùng chí hướng, xác lập được công việc phải làm là gì, kêu gọi vốn và hy vọng vào việc sẽ xuất hiện một công ty”, Gajšek chỉ ra.

Đây là một lĩnh vực mà việc chuyển giao công nghệ của trường đại học có thể đóng một vai trò nòng cốt, sát cánh với các vườn ươm, dẫu cho điều này có nghĩa là xung đột với hệ thống phân cấp cứng nhắc và các quan điểm về nghề nghiệp tồn tại đã lâu tại các trường đại học ở Trung và Đông Âu. “Toàn bộ hệ sinh thái đã được cải thiện một cách đáng kể trong năm bảy năm qua nhưng các văn phòng chuyển giao công nghệ vẫn còn đang rất rụt rè”, Gajšek nhận xét. “Họ cần nghĩ về việc trao đổi trực tiếp với các nhà nghiên cứu trẻ hơn, và đề nghị người đứng đầu cho phép họ thương mại hóa công nghệ”.

Barjasic cũng thấy chuyển giao công nghệ như một điểm mạnh trong quá trình giúp các start-up làm bớt đi rủi ro với sản phẩm của mình. Một phần của việc này là làm cho việc chuyển giao tài sản trí tuệ càng diễn ra thông đồng bén giọt càng tốt nhưng các trường đại học cũng có thể triển khai các bước hỗ trợ, ví dụ như chuẩn bị đánh giá công nghệ cho các start-up. “Việc chứng nhận từ một phòng thí nghiệm công lập hoặc một trường đại học là công nghệ đó có thể hoạt động tốt trong những điều kiện cụ thể, có thể giúp các nhà đầu tư thấy được thứ công nghệ mà mình định đầu tư thực ra ít rủi ro”, cô nói.

Một trong những cách hiệu quả nhất là một vườn ươm có thể giúp thu hút đầu tư bằng việc có một quỹ đầu tư riêng. “Điều này có nghĩa là một vườn ươm không chỉ là một ‘người chào hàng’ khởi nghiệp, chỉ mong ‘bán’ một start-up cho một nhà đầu tư, vườn ươm cũng cần xuống tiền và chứng tỏ là mình có đủ tự tin đầu tư mạo hiểm cho công nghệ mình ươm trồng,” Gajšek nói.

Hiện đó cũng là những gì mà Gajšek đã làm cùng với RUJ VC, một quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập vào năm 2023, độc lập với vườn ươm của trường Đại học Ljubljana nhưng có thể đồng hành với sứ mệnh của vườn ươm. Vì vậy, quỹ này có thể tìm kiếm các start-up địa phương nhưng cũng có thể đầu tư cho những start-up ngoài phạm vi này. Cú đầu tư đầu tiên của họ là tài trợ cho ReCatalyst, một công ty spin-out của Viện Hóa học quốc gia ở Ljubljana phát triển phương pháp tối ưu việc sử dụng platinum trong các loại pin nhiên liệu.

“Về lý tưởng thì chúng tôi muốn là nhà đầu tư đầu tiên cho các startup và sau đó giúp họ gọi vốn”, Gajšek nói.

RUJ gọi vốn từ các nguồn địa phương và tìm kiếm thêm các tài trợ khác. Gajšek cho biết tác động của những việc như thế này sẽ rất lớn, “chuyển đổi năng lực của chúng tôi để hỗ trợ các start-up khác”.

Đồng đầu tư cũng là một cách tiếp cận mà Barjasic có thể mở rộng, với việc chính phủ đề xuất ưu đãi thuế với các nhà đầu tư thiên thần và đầu tư mạo hiểm nhằm hướng họ vào ủng hộ các start-up giai đoạn đầu. “Cần làm rõ các khuyến khích để tập hợp các cộng đồng đầu tư và giảm bớt rủi ro”, cô nói.

Cách tiếp cận này có thể hiệu quả khi thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế còn đang lưỡng lự rót tiền vào vùng Trung và Đông Âu. Với dữ liệu phong phú về các cơ hội đầu tư và một nhà đầu tư địa phương, rủi ro ban đầu có thể được kiểm soát. “Bạn có thể giới thiệu ‘hãy tham gia mạng lưới của tôi và tôi sẽ gửi cho bạn danh sách các start-up triển vọng nhất; hãy đồng đầu tư, bạn sẽ không phải là nhà đầu tư duy nhất, bạn sẽ không thất bại đâu’”, Barjasic kể về cách làm của mình.

Cùng với những khuyến khích cho đầu tư xuyên biên giới, điều này sẽ là một công cụ hữu dụng trong việc bắc cầu qua những khoảng trống chính sách và đầu tư, cũng như dần loại bỏ thiên kiến keo dài về việc đầu tư vào các start-up Trung và Đông Âu.

Các vườn ươm có thể chuyển hướng đầu tư theo cách này, nếu họ có thể đóng vai trò như một đối tác đáng tin cậy cho các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể thêm tin tưởng vào vùng này nhưng không có hiểu biết về địa phương để lựa chọn được một vài start-up trong hàng trăm start-up triển vọng có thể phù hợp với mục tiêu của mình.

“Dễ dàng hơn cho họ thực hiện quyết định nếu như biết thông tin là vườn ươm của chúng tôi đã ươm tạo được hơn 100 start-up một năm, và thấy đánh giá chất lượng của các start-up”, Gajšek chỉ ra.

Việc áp dụng cách làm mới đòi hỏi thời gian nhưng vườn ươm Ljubljana đã thiết lập được nhiều mối quan hệ dạng này với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Họ cũng có khẳng định được năng lực của mình khi giành được một vị trí trong DeepTech Alliance, một nền tảng hợp tác giữa 12 tổ chức hỗ trợ start-up liên kết với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hàng đầu châu Âu.

Nguồn:

sciencebusiness.net

Đăng số 1296 (số 24/2024) KH&PT