PGS. TS Bùi Tá Long tại Phòng thí nghiệm Mô hình hóa môi trường và phần mềm (trường ĐH Bách khoa TP.HCM) và cộng sự đã phát triển một công cụ giúp đo lường được chi phí và lợi ích của các biện pháp cải thiện chất lượng không khí tại TPHCM.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở TPHCM, một trong hai thành phố lớn nhất Việt Nam, khiến những cư dân sống ở đây phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy thành phố cần có những giải pháp để giải quyết và tối giảm thiểu tác động của nó. Hiện tại, chính quyền TPHCM đang thiết kế những biện pháp kiểm soát ô nhiễm và hoàn thiện Chương trình Không khí sạch với tầm nhìn đến năm 2030.

Nhận thấy những người ra quyết định cần có những công cụ thực hành cho việc đánh giá và so sánh hiệu quả kiểm soát ở các kịch bản khác nhau về tác động của phơi nhiễm bụi PM2.5 và dự báo khả năng giảm thiểu bụi, các nhà nghiên cứu đã mô hình hóa một nền tảng khung mang tên Hệ thống tích hợp hỗ trợ quản lý môi trường, sức khỏe công cộng và lợi ích kinh tế (HEBIS) thông qua một phân tích so sánh dựa trên tỉ lệ chi phí lợi ích để kiểm soát.

Ô nhiễm ở thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: thanhnien
Ô nhiễm ở thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: thanhnien

Khi áp dụng HEBIS vào TPHCM, các nhà nghiên cứu phân tích 11 nguyên nhân chính hình thành tiền chất của bụi PM2.5 như NOx, SO2, NH3…, qua đó phát hiện ra ba nhóm công nghiệp có đóng góp chính là công nghiệp sản xuất, giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt), nguồn từ khu dân cư và sinh hoạt. Năm2019, nồng độ bụi PM2.5 từ 40,08 đến 218,24 μg/m3, vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2013/BTNMT) 1,6 đến 8,73 lần và vượt ngưỡng của WHO 8,83 đến 43,65 lần. Do đó, tổng chi phí lợi ích kinh tế để giảm thiểu các nồng độ PM2.5 hằng ngày về ngưỡng quốc gia là 3038,31 tỉ đồng (410,79 triệu USD), tương đương 0,248% tổng giá trị sản phẩm (GRDP) của TPHCM.

Dù ước tính số tiền bỏ ra để cải thiện chất lượng không khí lớn nhưng theo gợi ý từ HEBIS, chương trình Không khí sạch của TPHCM sẽ tạo ra nhiều lợi ích về sức khỏe công cộng.

Đây là một phần kết quả nghiên cứu “Developing a practical tool to evaluate the cost and benefit of PM2.5 pollution control measures on air quality improvement in Ho Chi Minh City, Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Case Studies in Chemical and Environmental Engineering.