Các nhà nghiên cứu ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Bộ Y tế và các đồng nghiệp ĐH Queensland đã đi đến kết luận này khi đánh giá việc điều trị dài hạn bệnh tiểu đường loại hai.


Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện một cách có hệ thống bằng dữ liệu định lượng, các nhà nghiên cứu cho biết trong công bố “Progress toward universal health coverage in Vietnam: Evidence on dispensing trends of diabetes medications from 2015 to 2021”, được xuất bản trên tạp chíDiabetes Research and Clinical Practice.

Họ đã thu thập thông tin về thuốc điều trị bệnh tiểu đường từ Tổng cục Hải quan và số liệu chi trả cho thuốc thông qua Chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia. Sau đó, họ áp dụng một số mô hình tính toán, có tính đến các hệ quả kinh tế và sức khỏe, để ước tính mối quan hệ giữa khối lượng thuốc tiêu thụ hằng năm và các nhân tố liên quan. Kết quả là trên quy mô toàn quốc, tổng liều thuốc trị tiểu đường đã gia tăng nhanh chóng từ năm 2015 đến 2021. Metformin, thuốc phổ biến nhất trên toàn thế giới để điều trị bệnh tiểu đường, trở thành loại được sử dụng nhiều nhất với tổng khối lượng tăng gấp ba. Tuy nhiên, những thuốc điều trị tương đối lạc hậu hơn như Gliclazide và Glimepiride vẫn còn được sử dụng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những thay đổi về chính sách sức khỏe đã thúc đẩy độ phủ của thuốc điều trị bệnh tiểu đường trên toàn quốc, qua đó hứa hẹn trở thành chỉ số cải thiện sức khỏe toàn dân ở Việt Nam.