Mới đây, các nhà nghiên cứu tại trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống lọc chuyên biệt để loại bỏ H2S từ hầm khí Biogas trong các nông trại để phát điện”.

Trong hai năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công vật liệu SPONAM trên nền tảng than sinh học từ cây guột và vật liệu này có khả năng loại bỏ hiệu quả khí H2S rất hiệu quả. Sau khi xây dựng hệ thống lọc tại nông trại ở Hưng Yên dựa trên vật liệu này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành quan trắc, đo đạc ở thời điểm tháng thứ 6 sau khi sử dụng. Kết quả cho thấy, nồng độ H2S ban đầu trong Biogas là 2250 ppm đã giảm còn 6,5 ppm sau khi qua hệ thống lọc (đạt hiệu quả xấp xỉ 99%). Bên cạnh đó, Biogas sau khi qua hệ thống lọc cũng đã được thử nghiệm để chạy máy phát điện và cho kết quả tốt.

Đoàn cán bộ Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN chụp ảnh cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, lãnh đạo và người dân Hưng Yên tại Hội nghị thăm quan, đánh giá kết quả Nghiên cứu chế tạo mô hình hệ thống lọc chuyên biệt để loại bỏ H2S từ hầm Biogas để phát điện. Nguồn: hus.vnu.edu.vn
Đoàn cán bộ Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN chụp ảnh cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, lãnh đạo và người dân Hưng Yên tại Hội nghị thăm quan, đánh giá kết quả Nghiên cứu chế tạo mô hình hệ thống lọc chuyên biệt để loại bỏ H2S từ hầm Biogas để phát điện. Nguồn: hus.vnu.edu.vn

Ông Đào Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường (TP. Hưng Yên) cho biết, hiện xã Phú Cường cùng với xã Hùng Cường là một trong những xã chăn nuôi quy mô lớn với tỷ lệ đàn bò và lợn lớn nhất tỉnh và lượng chất thải thải ra môi trường là rất lớn. Do đó, ông kỳ vọng mô hình xử lý khí H2S này sẽ được nhân rộng để nhiều người chăn nuôi được sử dụng, qua đó giúp giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến sức khỏe và môi trường trong thời gian tới.

Bài đăng số 1296 (số 24/2024) KH&PT