Nguồn nguyên liệu sơ cấp như than, dầu khí ở Việt Nam ngày càng giảm, dẫn đến phải tăng nhập khẩu và làm giảm khả năng tự chủ của ngành năng lượng.


Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao Năng lượng 2020. Ảnh: BTC
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao Năng lượng 2020. Ảnh: BTC

Ngày 22/7, “Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020” được Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu quốc tế tại 15 quốc gia với sự tham gia của 1.500 đại biểu.

Mục đích của Diễn đàn nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào cuộc sống một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả.

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của ngành năng lượng, nhiều chủ trương, chính sách phát triển năng lượng đã ra đời. Có thể kể tới Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khoá X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Kết luận số 26, ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 18 và Kết luận 26, Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, dù có nhiều thành tựu nhưng "mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức". Lý do là, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế; thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, ngành năng lương đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế cần giải quyết trong thời gian tới. Nguồn nguyên liệu sơ cấp như than, dầu khí ở Việt Nam ngày càng giảm, dẫn đến phải nhập khẩu và làm giảm khả năng tự chủ của ngành năng lượng - ông chỉ ra.

Theo Phó Thủ tướng, từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000 MW công suất điện nguồn, trong đó có điện tái tạo. Mỗi MW điện sẽ cần đầu tư trung bình khoảng 1 triệu USD, nghĩa là mỗi năm Việt Nam cần từ 7-10 tỷ USD cho việc phát triển ngành điện.

Để đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong giai đoạn tới, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường được đưa lên trở thành quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Ngoài ra, Nghị quyết 55 còn hướng tới phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển đồng bộ và hợp lý đa dạng các loại hình năng lượng.

Thông qua Diễn đàn này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo chương trình hành động cũng như các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 55.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: BTC.

Là đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình hành động cho Nghị quyết 55, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã làm việc với các bộ ngành, địa phương để tổng hợp và báo cáo ý kiến với Thủ tướng trong tháng 7/2020, dự kiến ban hành chương trình trong năm 2020. Trong đó, quy hoạch điện 8 đã được xây dựng thay thế cho quy hoạch điện 7 và dự kiến được ban hành năm 2021. “Đây là đề án quan trọng và có tính nền tảng để thúc đẩy phát triển năng lượng và điện lực Việt Nam giai đoạn 2030 tầm nhìn 2045 theo tinh thần mới của Nghị quyết 55” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.