Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Đây là số liệu được Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đưa ra trong buổi công bố báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 vào ngày 17/7 tại Hà Nội.

Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ lệ giới tính khi sinh vào năm 2004. Kể từ đó, tỷ số này tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ lệ “tự nhiên” là 105 bé trai trên 100 bé gái.

Ông Phạm Ngọc Tiến cho biết việc đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.Ảnh: UNFPA

Phát biểu tại lễ công bố, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Do chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm Nho giáo, nên những quan niệm bất bình đẳng giới vẫn còn nhiều. Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 mà chúng tôi đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020 này.”

Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã có nhiều bước tiến trong thập kỉ qua. Tuy nhiên, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Báo cáo cũng xác định, chọn lọc giới tính trước khi sinh là nguyên nhân chính gây nên sự mất cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh tại Việt Nam.

Việc chọn lọc giới tính được thể hiện qua hành vi bỏ thai khi thai nhi được xác định là con gái, hay nuôi cấy phôi trước để xác định và lựa chọn giới tính, hay “lọc tinh trùng” phục vụ thụ tinh trong ống nghiệm. Vì lẽ này, Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam có 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời chỉ vì mình là con gái.

Tảo hôn là một trong những hủ tục phổ biến nhất trên thế giới. Nó có thể gây ra các sang chấn sâu sắc và dai dẳng đối với trẻ em gái, cũng như cướp đi của các em quyền được phát triển hết tiềm năng của mình. Ảnh: AFP

Cũng theo báo cáo UNFPA, có ít nhất 19 hành vi được coi là vi phạm quyền con người. Trong đó, báo cáo tập trung vào ba hành vi phổ biến nhất là cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, tảo hôn, và định kiến khắc nghiệt với con gái vì ưa thích con trai. Những hành vi này gây ra các sang chấn sâu sắc và dai dẳng đối với trẻ em gái, cũng như cướp đi của các em quyền được phát triển hết tiềm năng của mình.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng ta phải chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Việt Nam đang đạt được tiến bộ, nhưng những tiến bộ ấy cần được đẩy nhanh hơn nữa trong Thập kỷ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tôi kêu gọi nam giới tại Việt Nam hãy nâng cao giá trị của trẻ em gái và yêu cầu đối xử bình đẳng, quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Chúng tôi đặc biệt cần nam giới và trẻ em trai góp sức thực hiện nỗ lực này.”

Không chỉ Việt Nam, mà ước tính trong năm nay trên thế giới có 4,1 triệu trẻ em gái phải trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. 33.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi bị ép buộc kết hôn với những người chồng thường lớn hơn các em rất nhiều tuổi. Ngoài ra, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái diễn ra tại một số quốc gia đã tiếp tay cho sự phát triển của vấn nạn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em gái và sự “thiếu hụt” tới 140 triệu nữ giới.