Quá trình chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp đang còn nhiều hạn chế do bản thân các viện, trường chưa có nhiều công trình, sản phẩm KH&CN có tính ứng dụng cao, còn doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư cho R&D.
Ngày 20/7, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TPHCM (SIHUB) tổ chức hội thảo “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bài học từ các
nước, hiện trạng và đề xuất mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu
khoa học” .
Tại đây, ThS Nguyễn Minh Huyền Trang, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Chuyển giao công nghệ - Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, số đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2007 (2.860 đơn) đến 2017 (5.382 đơn). Tuy nhiên, có đến gần 90% số chủ đơn là các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực ASEAN+3 thì chúng ta đứng cuối và cách biệt khá xa với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Theo Tổ chức SHTT thế giới (năm 2017), tổng số đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của Thái Lan, Malaysia và Việt Nam lần lượt là 3.133, 1.439 và 669.
Về công nghệ, Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ từ những năm 1970, 30% từ những năm 1980, và 50% từ những năm 1990.
“Điều này chứng tỏ quá trình chuyển giao công nghệ giữa đại học – doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập, hạn chế, và đây cũng là vấn đề cấp thiết cần xem xét trong phát triển nghiên cứu khoa học” – bà Trang nhấn mạnh.
Bản thân các viện, trường - theo bà Trang - chưa có nhiều công trình, sản phẩm KH&CN có tính ứng dụng cao; nhiều trường chưa thành lập bộ phận quản trị tài sản trí tuệ, hoặc có nhưng hoạt động thiếu hiệu quả, khiến cho tài sản trí tuệ chưa được quản lý và khai thác hợp lý. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư nghiên cứu để tạo ra sản phẩm đổi mới sáng tạo; chưa thật sự “cởi mở” với viện, trường khi đề xuất những đặt hàng về nghiên cứu hỗ trợ cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Đại học Quốc gia TPHCM, đã có nhiều nghiên cứu được chuyển giao vào thực tế, nhưng sức lan tỏa chưa cao. Bà Trang cho rằng, nguyên nhân là do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chưa thực sự có động lực và vẫn giữ tư duy bán cái có sẵn chứ chưa phải bán cái mà doanh nghiệp cần. Ngoài ra, thủ tục liên quan đến việc đăng ký sáng chế chưa thuận lợi, nên phần lớn nhà khoa học lựa chọn công bố bài báo. Các quy định về chuyển giao công nghệ phức tạp; cơ chế thẩm định giá trị kết quả nghiên cứu tạo lập từ nguồn ngân sách nhà nước, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng khó khăn cũng làm nản lòng các nhà khoa học.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, cho biết, một số mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu được các nước áp dụng phổ biến như Trung tâm chuyển giao công nghệ, Vườn ươm doanh nghiệp; Công ty đại diện; Công ty cổ phần.
Trong đó, mô hình công ty đại diện chuyển giao công nghệ có thể thay thế hoàn toàn vai trò của trung tâm chuyển giao công nghệ tại một số trường đại học. Mô hình công ty này cũng có thể đảm nhận vai trò của vườn ươm công nghệ trong việc hỗ trợ thành lập các star-up và spin-off (hình thức thương mại hóa quyền SHTT). Trong trường hợp trường đại học đã có trung tâm chuyển giao công nghệ và vườn ươm công nghệ thì vai trò chuyển giao công nghệ của công ty tập trung ở khâu thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong quá trình đó, việc đánh giá, định giá, đăng ký sáng chế từ kết quả nghiên cứu nên để các tổ chức dịch vụ trung gian thực hiện, trường đại học chỉ tập trung xúc tiến thị trường, hoàn thiện nghiên cứu, chuyển nhượng, thương mại hóa, đầu tư,…
Ông Tước cho rằng, trong “cuộc chơi” thương mại hóa kết quả nghiên cứu, các trường cần định vị vai trò nguồn thu từ nghiên cứu trong mục tiêu hoạt động của mình; xây dựng văn hoá sáng tạo và kinh doanh KH&CN; và đưa chương trình đào tạo về sáng tạo, khởi nghiệp, ĐMST, kinh doanh vào các cấp đào tạo trong nhà trường. “Bản thân các nhà khoa học và trường đại học cần phải chủ động và chuẩn bị tâm thế trong cuộc chơi này, trước khi trông chờ vào cơ chế, chính sách hay sự hỗ trợ từ nhà nước” – ông Tước nói.