Một dự án của học sinh Việt Nam vừa đoạt giải Ba của Hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế Regeneron ISEF 2023 tại Dallas, Mỹ, từ 14 đến 19/5.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chúc mừng nỗ lực và kết quả của đội tuyển Việt Nam tham dự ISEF 2023
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đón và chúc mừng đoàn học sinh Việt Nam thi ISEF 2023 trở về tại sân bay Nội Bài chiều 22/5. Nguồn: MOET

Đó là dự án “Tác dụng dược lý trên thần kinh trung ương của tinh dầu quả và lá màng tang dựa trên mạng dược lý” thuộc lĩnh vực Sinh học Điện toán và Tin sinh học của hai em Nguyễn Thị Mai Anh và Nguyễn Bình Giang, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - theo Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, còn có dự án “Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở” của hai em Lê Minh Đức và Lê Nguyễn Trung Kiên, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM, nhận giải đặc biệt do tổ chức US Agency for International Development trao tặng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chúc mừng 2 em Nguyễn Thị Mai Anh và Nguyễn Bình Giang đoạt giải Ba chính thức của Hội thi
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chúc mừng hai em Nguyễn Thị Mai Anh và Nguyễn Bình Giang đoạt giải Ba của Hội thi tại sân bay Nội Bài chiều 22/5. Trong ảnh:. Ảnh: MOET

Năm nay, Hội thi được tổ chức trực tiếp với sự tham gia 1.302 dự án và 1.600 học sinh đến từ 61 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Việt Nam có 7 dự án tham dự và là 1 trong số 33 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải của Hội thi. Những dự án này được chọn từ 143 dự án tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023.

International Science and Engineering Fair (ISEF) là cuộc thi khoa học và kỹ thuật lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9 đến lớp 12.

Hội thi được tổ chức lần đầu vào năm 1952 nhằm tạo cơ hội cho những nhà khoa học trẻ xuất sắc trên khắp thế giới thi tài để giành các giải thưởng, học bổng, trợ cấp học phí, thiết bị khoa học và các chuyến tham quan khoa học với tổng trị giá gần 6 triệu USD.

Hội thi diễn ra ở hơn 20 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại được chia thành các lĩnh vực nhỏ hơn; thí dụ, lĩnh vực phần mềm hệ thống được chia thành các lĩnh vực nhỏ gồm Thuật toán, Ứng dụng di động, Ứng dụng hệ thống, Trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT).

Mỗi lĩnh vực thi đều trao một số giải Nhất (3.000 USD), giải Nhì (2.000 USD) cùng nhiều giải Ba (1.000 USD), giải Tư và giải phụ. Từ các gương mặt xuất sắc ở các lĩnh vực, Ban giám khảo chọn ra giải Nhất, giải Nhì và giải Ba của toàn cuộc thi với phần thưởng lần lượt là 75.000 USD, 50.000 USD, và lời mời dự tiệc trao giải Nobel.

Trước đây, Hội thi do tập đoàn Intel tài trợ nên có tên là Intel ISEF. Hiện nay, do tập đoàn Intel không tham gia tài trợ nữa nên Hội thi đã mang tên nhà tài trợ mới là Regeneron.

Năm 2012, học sinh Việt Nam lần đầu đến Mỹ thi ISEF với một đề tài. Kể từ đó, số đề tài tham dự của học sinh Việt Nam ngày càng tăng, như năm 2018 có đến 10 đề tài. Học sinh Việt Nam chưa năm nào trở về tay không; tuy nhiên, sau dự án “Xử lí nước mặn thành nước ngọt bằng kĩ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt” của nhóm ba học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đoạt giải nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí vào năm 2012, thành tích tốt nhất của học sinh Việt Nam đến nay mới tạm dừng ở giải Ba.