Năm ngoái, chỉ có sáu quốc gia bao gồm Australia, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland và New Zealand đạt mức chất lượng không khí “trong lành”, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng trên toàn cầu.

Các quốc gia này đã đáp ứng các hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm ở mức 5 microgam trên mét khối (μg/m3 ) hoặc thấp hơn, theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2022 do công ty IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố vào tháng 3/2023.

Bảy vùng lãnh thổ khác ở Thái Bình Dương và Caribe cũng đáp ứng yêu cầu về ngưỡng nồng độ bụi PM2.5 của WHO.

Bụi PM2.5 có thể bắt nguồn từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng. Nó gây ra một số vấn đề sức khỏe bao gồm hen suyễn, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp khác.

Báo cáo cho thấy, Chad là quốc gia ở khu vực Trung Phi có mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới với nồng độ PM2.5 trung bình lên tới 89,7μg/m3 . Tổng cộng 39 trong số 50 thành phố ô nhiễm không khí nhất nằm ở Ấn Độ.

Để đưa ra kết luận trên, IQAir đã phân tích dữ liệu từ 30.000 trạm giám sát và cảm biến chất lượng không khí đặt tại 131 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng được vận hành bởi các cơ quan Chính phủ, tổ chức nghiên cứu, tổ chức phi lợi nhuận, cơ sở giáo dục, công ty tư nhân, và các nhà khoa học công dân trên toàn cầu.

Nguồn: UPI.com