Xu thế suy giảm dân số này sẽ gây tác động to lớn về lâu dài đối với tiềm năng phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Cục Thống kê Quốc gia cho biết tổng dân số của nước này giảm 2,08 triệu người (tức 0,15%) xuống còn 1,409 tỷ người vào năm 2023. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm dân số trong năm 2022 là 850.000 người.

Trung Quốc xuất hiện đợt tăng ca nhiễm COVID trên toàn quốc vào đầu năm ngoái, sau ba năm thực hiện các biện pháp kiểm dịch và sàng lọc mạnh mẽ để kìm hãm con virus này, cho tới khi chính quyền đột ngột dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 12/2022.

Tổng số người tử vong trong năm qua là 11,1 triệu người, tăng 6,6% và đạt mức cao nhất kể từ năm 1974 (thời điểm diễn ra Cách mạng Văn hóa).

Các ca sinh mới giảm 5,7%, xuống còn 9,02 triệu người, và tỷ lệ sinh ở mức thấp kỷ lục là 6,39 trẻ sơ sinh/1.000 người, so với tỷ lệ 6,77 trẻ sơ sinh vào năm 2022.

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong nhiều thập niên trở lại đây do kết quả của chính sách một con được triển khai từ năm 1980 – 2015 và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong thời kỳ này. Giống như các đợt bùng nổ kinh tế trước đó tại Nhật Bản và Hàn Quốc, một phần lớn người dân Trung Quốc chuyển từ vùng nông thôn lên các thành phố, nơi việc có con là vô cùng tốn kém.

Năm 2022, tỷ lệ sinh của Nhật Bản là 6,3/1.000 người, còn ở Hàn Quốc tỷ lệ này là 4,9.

Các cặp đôi ở Trung Quốc càng bớt mong muốn sinh con khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chạm các mức cao kỷ lục, khoản lương cho nhiều nhân viên cổ cồn trắng sụt giảm, và lĩnh vực bất động sản, nơi chiếm hơn 2/3 tài sản gia đình, lâm vào khủng khoảng nghiêm trọng.

Việc nới lỏng chính sách sinh một con không khiến dân số nước này tăng lên như kỳ vọng của chính phủ. Nguồn: CFOTO/Sipa USA/Reuters
Việc nới lỏng chính sách sinh một con không khiến dân số nước này tăng lên như kỳ vọng của chính phủ. Nguồn: CFOTO/Sipa USA/Reuters

Dữ liệu mới càng làm tăng thêm lo ngại khi nó cho thấy các triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm do ít lao động và người tiêu dùng hơn, trong khi chi phí chăm sóc người già cùng các phúc lợi hưu trí tăng, đè nặng lên chính phủ vốn đang cõng nhiều khoản nợ.

Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất, theo ước tính của Liên Hợp Quốc.

Về lâu về dài, các chuyên gia Liên Hợp Quốc nhận định dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, hơn gấp ba lần con số dự đoán mà họ đưa ra vào năm 2019.

Dân số Trung Quốc có độ tuổi 60 trở lên đã đạt 296,96 triệu người vào năm 2023, chiems khoảng 21,1% tổng dân số, so với 280,04 triệu người vào năm 2022.

Vấn đề lương hưu

Tỷ lệ tử vong của Trung Quốc trong năm 2023 là 7,87/1.000 người, cao hơn tỷ lệ năm 2022 là 7,37.

Dân số trong độ tuổi nghỉ hưu (từ 60 tuổi trở lên) dự kiến sẽ tăng lên hơn 400 triệu người vào năm 2035 – nhiều hơn toàn bộ dân số Mỹ - con số này hiện là 280 triệu người.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nhận định hệ thống lương hưu sẽ cạn tiền vào năm 2035.

Zhu Guoping, một nông dân 57 tuổi ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, cho biết thu nhập hằng năm khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.779,59 USD) của ông khiến gia đình ông chỉ có khoản tiết kiệm ít ỏi.

Ông sẽ nhận được khoản lương hưu hằng tháng là 160 nhân dân tệ khi bước sang tuổi 60, tương đương 22 USD.

Ít sinh con hơn

Chi phí chăm sóc trẻ em và giáo dục tốn kém khiến nhiều cặp đôi Trung Quốc không muốn sinh con, chưa kể tình trạng bấp bênh của thị trường công việc khiến nhiều phụ nữ không muốn tạm dừng sự nghiệp.

Các nhà nhân khẩu học cho biết tình trạng phân biệt giới tính và kỳ vọng rằng phụ nữ sẽ đảm đương vai trò chăm sóc gia đình càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.

Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu phụ nữ cần “tích cực nuôi dưỡng một văn hóa kết hôn và sinh con mới”, gắn với sự phát triển của quốc gia.

Chính phủ Trung Quốc đã thông báo nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích việc sinh con, bao gồm giảm thuế, thời gian nghỉ sinh dài hơn và trợ cấp nhà ở.

Thế nhưng, một viện chính sách tại Bắc Kinh cho biết nhiều chính sách đã không được triển khai do thiếu kinh phí.

Wang Weidong (36 tuổi) sống tại Bắc Kinh và đang làm việc tại một công ty internet chia sẻ hai vợ chồng anh không muốn sinh con thứ hai.

“Mọi người sẽ không sinh con chỉ vì những ưu đãi này. Các ưu đãi chỉ là phần phụ, chứ không phải gốc rễ vấn đề. Vì thế tôi cho rằng sẽ khó đảo ngược xu thế này”, anh Wang cho biết.

Hy vọng từ năm Con Rồng

Trong lịch sử, năm Con Rồng thường có tỷ lệ sinh con tăng mạnh ở Trung Quốc và các quốc gia ở Đông Á. Theo quan niệm, đây là một năm tuổi đẹp, đứa trẻ sinh ra trong năm này sẽ gặp nhiều thuận lợi và may mắn trong cuộc sống, cha mẹ thường cố sinh con vào những năm như vậy. Đây chính là lý do đem lại hy vọng tăng dân số cho Trung Quốc.

Thế nhưng, theo Wang Feng, chuyên gia về nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học California, Irvine, niềm tin có phần mê tín này không quá phổ biến với nhóm dân số trong độ tuổi sinh con đương đại.

Wang nói: “Trong quá khứ, những năm hoàng đạo tốt đều có mức sinh cao hơn. Nhưng xét tới triển vọng kinh tế ảm đạm và thái độ bi quan trong giới trẻ, tôi ngờ rằng chúng ta sẽ không thấy mức sinh tăng trở lại trong năm nay”.

Nguồn: