Trong bối cảnh thế giới ngày càng phẳng, nhiều thách thức mới xuất hiện gây lo ngại cho công dân mọi quốc tịch. Một số chính phủ và tổ chức đang thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu như một thứ vũ khí để thế hệ trẻ có ý thức và năng lực đối mặt với những thách thức này.
Giáo dục công dân toàn cầu thực chất là một hình thức học tập có sự tham gia tích cực của học sinh thông qua các dự án nhằm giải quyết những vấn đề mang tính đa quốc gia về xã hội, chính trị, kinh tế và môi trường. Nhờ đó, người học có tư duy về một thế giới phẳng chứ không đơn thuần là góc nhìn trong khuôn khổ quốc gia riêng lẻ.
Đặc điểm quan trọng nhất của giáo dục công dân toàn cầu là những hành động tình nguyện có quy mô từ cấp địa phương đến quốc tế. Điều này lý giải vì sao trong các thảm họa lớn như động đất, sóng thần ở một số nước châu Á năm 2004 có sự xuất hiện của các thanh niên tình nguyện châu Âu. Họ được các tổ chức quốc tế đưa tới làm việc dựa trên tinh thần giúp đỡ tự nguyện.
Theo cách hiểu chung của cộng đồng quốc tế, có hai thành phần chính trong giáo dục công dân toàn cầu, đó là “ý thức toàn cầu” (các vấn đề về góc nhìn) và “năng lực toàn cầu” (các kỹ năng giúp cạnh tranh trong thị trường làm việc đa quốc gia). Chương trình này ra đời trong bối cảnh quốc tế hóa mạnh mẽ, với sự nổi lên của những tổ chức chính trị siêu quốc gia như Liên minh châu Âu, các khối kinh tế khu vực và sự phát triển công nghệ truyền thông.
Bối cảnh này buộc một số chính phủ tính đến việc trang bị cho công dân những kiến thức và tầm nhìn để có thể nắm bắt cơ hội tốt trên thị trường việc làm mang tính toàn cầu. Nhờ đó, giáo dục công dân toàn cầu phát triển và được giới thiệu ở hầu hết các cấp từ tiểu học đến đại học ở một số nước.
Bên cạnh đó, các cá nhân và tổ chức trong và ngoài ngành giáo dục đều có thể hành động để cùng giải quyết các vấn đề thương mại, đói nghèo, y tế và môi trường có ảnh hưởng chung đến nhiều nước. Do vậy, ngoài cấp độ quốc gia, một số tổ chức quốc tế cũng tích cực thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu. Năm 1990, Tổ chức Oxfam của Anh đã thiết kế một chương trình giảng dạy đặc biệt cho lĩnh vực này, nhấn mạnh vai trò chủ động của người học.
Cũng ngay từ đầu những năm 1990, với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Phát triển quốc tế Canada, các trường học và tổ chức cộng đồng nước này đã cùng nỗ lực dạy học sinh, sinh viên các vấn đề xã hội mang tính toàn cầu. Mục tiêu là giúp người trẻ có kiến thức, kỹ năng để đảm bảo lợi ích của bản thân và người khác, qua đó đóng góp cho đất nước và thế giới.
Đặc biệt, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã nhấn mạnh khía cạnh “năng lực toàn cầu” khi đưa khoa học, công nghệ vào chương trình dạy của mình. Theo UNESCO, giáo dục công dân toàn cầu là nuôi dưỡng sự tôn trọng dành cho tất cả mọi người, xây dựng một cộng đồng chung của nhân loại và giúp người học trở thành công dân toàn cầu có trách nhiệm.
UNESCO cũng nhấn mạnh, chương trình giáo dục công dân toàn cầu được dành cho mọi lứa tuổi - từ trẻ em, thanh - thiếu niên cho đến người trưởng thành. Mục tiêu là giúp học viên tích cực đối phó và giải quyết các thách thức mang tính phi quốc gia, trở thành người có đóng góp thực sự cho một thế giới hòa bình, khoan dung và toàn diện hơn.
Ngoài trường phổ thông, giáo dục công dân toàn cầu hiện bắt đầu được quan tâm ở cấp học cao hơn. Nhiều trường đại học đã có những hoạt động hiện thực hóa nền giáo dục có định hướng đa quốc gia bằng cách gửi ngày càng nhiều sinh viên ra nước ngoài học tập, trao đổi văn hóa. Một số trường đang hướng tới việc coi hoạt động học tập mang tính quốc tế này là một tín chỉ bắt buộc đối với sinh viên.