“Muốn thực sự làm công dân toàn cầu, hãy gạt bỏ suy nghĩ mình là thiên thần. Đừng nghĩ mình học ở nước ngoài thì mặc nhiên là giỏi, phải được trọng dụng” - GS Trần Xuân Hoài nói. Ông cũng tin rằng, những người giỏi đang ở nước ngoài sẽ tự biết khi nào nên về.


Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển trong dịp xuân mới Bính Thân, GS-TSKH Trần Xuân Hoài - Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học - cho rằng nếu các bạn trẻ biết nắm cơ hội thì ở đâu cũng thành công.

GS Trần Xuân Hoài giới thiệu với  phóng viên về cuốn sách ông mới xuất bản. Ảnh: Loan Lê
GS Trần Xuân Hoài giới thiệu với phóng viên về cuốn sách ông mới xuất bản. Ảnh: Loan Lê

Cơ hội đang mở ra cho những ai thực tài

Thưa Giáo sư, ông quan niệm như thế nào về “công dân toàn cầu”?

Khái niệm này khá rộng, tôi chỉ muốn nói ở lĩnh vực khoa học - nơi tôi nghĩ mình hiểu về nó nhiều hơn. Số được coi là công dân toàn cầu chỉ là bộ phận nhỏ. Người Việt Nam bây giờ có mặt ở khắp thế giới nhưng dù có đi đâu, là công dân nước nào thì họ vẫn là người Việt Nam. Vì thế, việc được coi là công dân toàn cầu cũng không có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, nếu coi công dân toàn cầu là người có trình độ cao, được toàn cầu biết đến thì lại khác.

Hiện nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản có công dân sống ở nước ngoài rất đông và ở các nước này họ phát triển tốt. Việc có nhiều công dân làm việc ở quốc gia khác thực tế lại làm lợi cho chính đất nước mình. Ví dụ: Kính hiển vi quét đầu dò đầu tiên là của một công ty khởi nghiệp ở Đại học Stanford (Mỹ), có ký hiệu là PSI, viết tắt tên chủ công ty Park II Sung - một người Hàn Quốc từng học tại Stanford. Thiết bị này được bán ồ ạt ở Mỹ giúp ông giàu và nổi tiếng. Hiện công ty đã chuyển trụ sở chính về Hàn Quốc. Như vậy, cả thời tuổi trẻ vị sếp này đi học, dựng nghiệp ở Mỹ nhưng khi đã thành công lại trở về tổ quốc cống hiến.

Có thể thấy những người biết nắm cơ hội để dựng nghiệp dù ở đâu cũng sẽ được công nhận.

Giáo sư nhìn nhận thế nào về khả năng của trí thức trẻ Việt Nam cũng như những phẩm chất có thể giúp họ trở thành công dân toàn cầu?

Khả năng của các bạn trẻ Việt Nam thì nhiều, nhưng thực thi lại có vẻ không nhiều. Tôi nghĩ lỗi này thuộc về nhiều phía, trong đó có cả truyền thông. Chúng ta đang trọng danh hơn trọng tài, dư luận xã hội thì lưu tâm đến danh hơn là thực. Muốn trở thành công dân toàn cầu thì phải thực chất có tài, không nên háo danh. Và đương nhiên việc họ làm được xã hội, thế giới biết đến và có tầm ảnh hưởng nhất định. Câu chuyện Nguyễn Hà Đông là một ví dụ. Người ta biết đến sản phẩm của cậu ấy hơn tấm bằng.

Có nhiều bạn trẻ người Việt sang học tập và làm việc ở nước ngoài rất xuất sắc, được các tập đoàn lớn trọng đãi. Họ là người có tài thực sự và tôi nghĩ sớm muộn gì họ cũng trở về Việt Nam, dùng những thứ học được giúp ích cho đất nước.

Môi trường cần hơn đãi ngộ

Ông từng phát biểu về cơ chế đãi ngộ cán bộ trẻ, vậy theo ông làm thế nào để thu hút những người giỏi đang được ưu đãi ở nước ngoài về nước?

Tôi nghĩ những người này tự biết lúc nào họ nên về. Đãi ngộ cũng quan trọng, nhưng việc tạo môi trường tốt cho họ còn quan trọng hơn. Đãi ngộ một con người quá dễ, nhưng tạo nên một xu thế của xã hội sẽ khó và rất lâu; song tôi thấy chỉ cần chúng ta có thiện chí tạo môi trường tốt thì sẽ thu hút được người tài.

Cơ hội đang mở ra cho giới trẻ, ông có lời khuyên nào giúp họ nắm bắt thời cơ để làm chủ cuộc chơi?

Tôi thường khuyên các bạn trẻ trước hết phải học cho được một nghề. Có một nghề giỏi trong tay thì ở đâu cũng sống được. Hãy thôi ảo tưởng và nhìn vào thực chất. Muốn thực sự làm công dân toàn cầu, hãy gạt bỏ suy nghĩ mình là thiên thần. Cơ hội thì nhiều, quan trọng là phải có tài.

Tôi ví dụ về một cậu mới 24 tuổi mà tôi biết. Khi tốt nghiệp Đại học FPT, cậu ấy nợ 100 triệu đồng học phí. Lúc đó Tổ chức Phát triển của Đức sang tuyển người và cậu trúng, được cho tiền học tiếng Đức và mời sang nước này thử việc, sau 6-12 tháng nếu làm tốt sẽ được tuyển dụng chính thức. Chỉ 3 tháng sau, cậu ấy đã ký hợp đồng dài hạn và giờ cậu ấy là trưởng nhóm nghiên cứu, tiền nợ học phí cũng được họ chi trả. Như vậy, dù học trong nước hay ngoài nước, nếu biết tự trau dồi kiến thức, làm chủ và tự tin thì cơ hội thành công là rất nhiều. Cũng là một dạng xuất khẩu lao động, nhưng không phải đi làm osin, bán sức lao động cơ bắp…, thế mới là công dân toàn cầu chứ!

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư! Chúc Giáo sư một năm mới an khang!

GS Trần Xuân Hoài nhận bằng TS và TSKH tại Đại học Humboldt, Berlin (Đức). Ông từng là giáo sư mời (visiting professor) của các trường đại học Wuerzburg (Đức) , Gothenburg (Thụy Điển), nguyên Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học. Ông là tác giả của kính hiển vi quét dòng tunel SPM, kính hiển vi quét đầu dò SPM có mức phân giải đến phần tỷ mét, chủ nhân bằng sáng chế thiết bị lọc khí 3D bằng quang xúc tác.