Một hành động tưởng chừng vô hại lại dẫn tới những hậu quả khó lường cho cơ thể.

Cơ bụng nằm trong số những cơ phải hoạt động nhiều nhất trong cơ thể. Chúng liên quan đến gần như mọi cử động của chúng ta, giúp cơ thể ổn định và cân đối, bảo vệ cột sống, thậm chí còn đảm bảo cho các cơ quan nội tạng ở đúng chỗ.

Tuy nhiên, một số bệnh và việc căng cơ không cần thiết trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể khiến cơ bụng trở nên mất cân đối. Dần dà, điều này sẽ dẫn đến “hội chứng đồng hồ cát” - một thay đổi có hại trong cấu trúc thành bụng, có thể tạo ra một đường lằn rõ giữa bụng. Nếu không được xử lý, thay đổi này còn có thể gây ra phản ứng dây chuyền lên các cơ quan nội tạng và các bộ phận cơ thể khác.

Có 4 nguyên nhân chính gây ra hội chứng đồng hồ cát:

- Một số tình trạng bẩm sinh (chứng hở thành bụng bẩm sinh hoặc thoát vị vùng rốn). Trong các trường hợp này, cơ bụng phát triển không bình thường, dẫn đến mất cân bằng về cơ.

- Hoạt động sai tư thế khiến cột sống di chuyển khỏi dáng cong hình chữ S bình thường, dẫn đến những thay đổi có hại trong độ căng và chức năng của cơ bụng, gây ra tình trạng mất cân bằng.

- Đau nhức ổ bụng (do vấn đề dạ dày, gan hay túi mật) có thể khiến một người cố tình hay vô ý co cơ bụng để giảm hoặc tránh cơn đau.

- Ý thức về ngoại hình phổ biến hiện nay. Những người cảm thấy không tự tin về cơ thể, hoặc muốn có vòng eo thon gọn sẽ hóp cơ bụng lại để có được vẻ ngoài mong muốn.

Đau nhức có thể là một nguyên nhân thường khiến ai đó co cơ bụng lại. Ảnh: medlatec
Đau nhức có thể là một nguyên nhân thường khiến một người co cơ bụng lại. Ảnh: medlatec

Hóp bụng khiến cơ bụng thẳng (hay cơ 6 múi) co lại. Song, vì chúng ta hay tích trữ mô mỡ ở phần bụng dưới, nên cơ bụng ở phần trên thường hoạt động nhiều hơn. Thót bụng sẽ dần tạo nên một nếp gấp hay vết lằn ở bụng, khiến rốn bị kéo lên phía trên.

Dù cố tình hay vô ý, hành động này luôn gây áp lực lớn hơn lên thắt lưng và cổ, vì những thay đổi trong độ ổn định lõi khiến các vùng này phải hoạt động nhiều hơn để cân bằng lại cơ thể.

Hóp bụng còn làm giảm không gian chứa các cơ quan trong ổ bụng. Nếu hình dung bụng như tuýp kem đánh răng, việc bóp vào phần giữa sẽ tạo áp lực lên phần trên và phần dưới. Áp lực lên phần trên ảnh hưởng đến việc thở vì khiến cơ hoành (cơ chính trong việc hít vào) không thể kéo xuống sâu hơn.

Tuy có ít nghiên cứu về ảnh hưởng trực tiếp của hội chứng đồng hồ cát lên khả năng thở, nhưng đã có các nghiên cứu về việc đeo đai lưng, khi bệnh nhân dùng đai buộc chặt toàn bộ hay một phần bụng để hỗ trợ phục hồi sau chấn thương cơ hoặc hậu phẫu. Kết quả cho thấy lượng không khí hít vào giảm 34%, tổng dung tích phổi giảm 27-40%. Chưa rõ điều này có dẫn đến các thay đổi lâu dài trong khả năng thở không, nhưng trước mắt, nó có thể khiến việc tập luyện khó hơn, nhanh mệt hơn vì thiếu ôxy vào máu.

Áp lực lên phần dưới ép mạnh vào cơ đáy chậu, ảnh hưởng chức năng của bàng quang, tử cung và trực tràng. Hậu quả là người bệnh sẽ bị rò rỉ nước tiểu và phân, cũng như dẫn đến sa tử cung. Với những người vốn có vấn đề về đáy chậu (như mất chủ động đại, tiểu tiện), việc thót bụng sẽ khiến vấn đề nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, nó còn tăng lực lên các khớp cột sống và khung chậu, vì cơ bụng ít có khả năng hấp thụ va chạm khi bị căng.

May thay, hội chứng đồng hồ cát có thể phục hồi được. Các bài tập giúp tăng cường mọi cơ lõi sẽ giúp chữa trị tình trạng mất cân bằng cơ, ví dụ như động tác plank hay bridge. Tương tự, các hoạt động như yoga hay pilates cũng giúp cơ thả lỏng.

Phải mất một thời gian dài, qua nhiều tuần liên tục thót bụng thì mới hình thành hội chứng này. Do đó, thỉnh thoảng co cơ bụng lại không gây ra vấn đề gì.

Có nhiều cách để tránh hội chứng này. Nếu cơn đau bụng kéo dài hay không rõ nguyên nhân thì bạn nên đi gặp bác sĩ, vừa tránh mất cân bằng cơ vừa chữa trị nguyên nhân cốt lõi. Nếu bạn hay thót bụng để cải thiện vẻ ngoài thì các bài tập tăng cường cơ và lưng cũng sẽ giúp chỉnh lại tư thế và làm phẳng vùng bụng.

Nguồn: