Nghiên cứu mới củng cố quan điểm cho rằng lối sống có tầm quan trọng không kém hoặc có khi là quan trọng hơn so với các loại thuốc mà chúng ta sử dụng để ngăn ngừa hoặc kiểm soát nhiều loại bệnh mãn tính.

“Bạn càng thay đổi lối sống sớm thì càng nhận về nhiều lợi ích. Song, cho dù tới những năm 40, 50, 60 tuổi bạn mới thực hiện thay đổi nhỏ thì nó vẫn có lợi cho bạn”, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, chuyên gia khoa học sức khỏe tham gia vào nghiên cứu của của Bộ Cựu chiến binh Mỹ, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập số liệu qua các bảng hỏi và hồ sơ bệnh án từ năm 2011 - 2019. Đây là hồ sơ của hơn 700.000 cựu chiến binh Mỹ, ở độ tuổi 40 - 99 tham gia chương trình Một triệu Cựu chiến binh của Bộ Cựu chiến binh. Trong quãng thời gian diễn ra nghiên cứu, có 33.375 người đã qua đời.

Bà Xuân Mai và đồng nghiệp đã phân tích số liệu để tìm ra những yếu tố về lối sống liên quan tới tuổi thọ dài hơn.

Cụ thể, ở tuổi 40, những người thực hiện cả tám thay đổi tích cực về lối sống có thể sống lâu hơn 23,7 năm đối với nam và 22,6 năm đối với nữ, so với những người không thực hiện những thay đổi này.

Không hoạt động thể chất, sử dụng các loại thuốc phiện và hút thuốc là những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng lớn nhất tới tuổi thọ. Những người có những thói quen trên có nguy cơ tử vong tăng 30% - 45% trong quãng thời gian nghiên cứu. Trong khi đó, căng thẳng, uống rượu quá nhiều, thiếu ngủ và chế độ ăn uống không lành mạnh đi kèm với nguy cơ tử vong tăng 20%.

Những thay đổi nhỏ trong lối sống sẽ giúp chúng ta sống lâu hơn. Ảnh: katvietnam
Những thay đổi nhỏ trong lối sống sẽ giúp chúng ta sống lâu hơn. Ảnh: katvietnam

Tuy vậy, vì đây là một nghiên cứu quan sát nên không thể chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa các yếu tố này và tuổi thọ. Giáo sư Naveed Sattar, chuyên gia tim mạch và sức khỏe miễn dịch tại Đại học Glasgow, không tham gia vào nghiên cứu, cảnh báo nghiên cứu không có các thử nghiệm đi kèm nên có thể tồn tại những yếu tố khác ảnh hưởng tới kết quả.

Song, ông cũng nhận định: “Những số liệu trên đóng góp thêm vào quan điểm cho rằng lối sống có tầm quan trọng không kém hoặc có khi là quan trọng hơn so với các loại thuốc mà chúng ta sử dụng để ngăn ngừa hoặc kiểm soát nhiều loại bệnh mãn tính. Tức là chúng ta không thể cứ dùng thuốc để có sức khỏe tốt, mà lối sống vẫn luôn là thứ quan trọng. Vì vậy, nếu ngành y giúp người dân phát triển các thói quen tốt thì sẽ làm giảm chi phí điều trị bệnh mãn tính, đồng thời giúp người dân hưởng thụ cuộc sống và sống có ích hơn”.

Tám thay đổi về lối sống có thể giúp kéo dài tuổi thọ bao gồm:

- Ăn uống lành mạnh.
- Tránh hút thuốc.
- Ngủ đủ.
- Thường xuyên vận động.
- Kiếm soát căng thẳng.
- Tránh uống quá nhiều rượu bia.
- Không nghiện thuốc phiện.
- Có các mối quan hệ tích cực.

Nguồn: