Bác sĩ phẫu thuật người Anh Joseph Lister là người tiên phong áp dụng phương pháp sát trùng trong phẫu thuật. Kỹ thuật này đã góp phần cách mạng hóa lĩnh vực y học, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Joseph Lister (1827-1912). Ảnh: The Royal Society
Joseph Lister (1827-1912). Ảnh: The Royal Society

Những năm đầu đời

Joseph Listersinh ra tại Essex, Anh, vào ngày 5/4/1827. Cha của ông là một nhà khoa học nghiệp dư, người từng được bầu làm thành viên của Hiệp hội Hoàng gia vì đã chế tạo ra thấu kính tiêu sắc đầu tiên. Người cha đã có ảnh hưởng không nhỏ đến niềm đam mê khoa học của Lister ngay từ lúc nhỏ.

Với mong muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật, Lister đã chăm chỉ học tập các môn khoa học và toán học từ những năm đầu tại các trường trung học ở London, nhằm chuẩn bị cho sự nghiệp sau này. Ông tốt nghiệp cử nhân Y khoa và Phẫu thuậttại Đại học London vào năm 1852.

Năm 1854, Lister chuyển đến Bệnh viện Hoàng gia Edinburgh ở Scotland để làm trợ lý cho bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng James Syme.Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Syme, cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của Lister bắt đầu thăng hoa. Tại đây, ông đã gặp gỡ và kết hôn với Agnes – con gái của bác sĩ Syme – vào năm 1856.

Các nhiên cứu trong giai đoạn này của Lister tập trung vào tình trạng viêm và tác động của nó đến việc chữa lành vết thương.Ông đã xuất bản một số bài báo liên quan đến hoạt độngcủa cơở da và mắt, sự đôngmáuvà sự tắc nghẽnmạch máutrong quá trình viêm.

Vượt qua trở ngại

Các phương pháp phẫu thuật mà chúng ta biết ngày nay không thể phát triển cho đến khi các bác sĩ vượt qua được ba trở ngại lớn. Đó là kiểm soát chảy máu, kiểm soát cơn đau và kiểm soát nhiễm trùng.

Năm 1552, bác sĩ người Pháp Ambroise Pare đã xây dựng và hệ thống hóa ý tưởng buộc các đầu mạch máu bị đứt hoặc bị cắt bằng những sợi chỉ phẫu thuật để giảm thiểu tình trạng chảy máu. Việc kiểm soát cơn đau bằng thuốc gây mê vào thời điểm Lister còn là sinh viên đại học đã mở ra một kỷ nguyên mới trong phẫu thuật, giúp giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân. Trước đó, các ca phẫu thuật thường gây ra sự đau đớn tột cùng cho bệnh nhân, khiến các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật nhanh nhất có thể.


Lister là người đầu tiên sử dụng hợp chất phenol có khả năng sát khuẩn để rửa tay, dụng cụ và băng gạc trong các ca phẫu thuật, qua đó cứu sống vô số sinh mạng và đặt nền móng cho phẫu thuật hiện đại.


Trở ngại lớn thứ ba, kiểm soát nhiễm trùng, vẫn chưa được khắc phục khi Lister làm việc với tư cách là bác sĩ phẫu thuật ở Bệnh viện Hoàng gia Edinburgh, nơi gần một nửa số bệnh nhân tử vong sau khi trải qua ca phẫu thuật do nhiễm trùng. Ở một số bệnh viện khác tại châu Âu, tỷ lệ này lên tới 80%. Do các bác sĩ lúc đó chưa hiểu rõ về vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác, vì vậy họ thường tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân trong những điều kiện không hợp vệ sinh. Họ cho rằng không thể ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng vì nó tự phát sinh trong vết thương.

Tuy nhiên, Lister không tin rằng nhiễm trùng vết thương là điều không thể tránh khỏi. Ông bắt đầu tìm cách để khắc phục vấn đề này.

Ngăn ngừa nhiễm trùng

Manh mối đầu tiên của Lister về nguyên nhân gây nhiễm trùng đến từ việc so sánh các bệnh nhân bị gãy xương kín với những người bị gãy xương hở. Những bệnh nhân gãy xương kín [không tạo ra vết thương hở] được cố định xương và bó bột, sau đó họ có thể hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, gãy xương hở khiến xương đâm xuyên qua da và tiếp xúc với không khí. Hơn một nửa số bệnh nhân gãy xương hở có nguy cơ tử vong.

Lister cho rằng tác nhân gây nhiễm trùng đã xâm nhập vào vết thương từ bên ngoài. Ông bắt đầu rửa tay trước khi phẫu thuật, mặc quần áo sạch sẽ và thay băng thường xuyên cho bệnh nhận. Ông nhận thấy việc tăng cường vệ sinh làm giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng trong bệnh viện. Nhưng cách làm này của ông chưa được chấp nhận rộng rãi vì người ta chưa hiểu rõ nguyên lý hoạt động của nó.

Thậm chí, quy trình phẫu thuật của Lister còn bị một số đồng nghiệp chế giễu, những người coi việc dính máu từ các ca phẫu thuật là biểu tượng của một bác sĩ phẫu thuật chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, tài năng của Lister là điều không thể phủ nhận. Năm 1860, ông trở thành giáo sư phẫu thuật ở Đại học Glasgow. Tại đó, một người bạn đã cho ông mượn một số tài liệu nghiên cứu mới của nhà hóa học lỗi lạc người Pháp, Louis Pasteur – người đã làm thay đổi nền y học khi chứng minh vi trùng là tác nhân gây bệnh.

Lister ngay lập tức nhận ra tính hữu ích trong công trình của Pasteur và ông bắt đầu liên hệ vi trùng với các vết thương do phẫu thuật.Nếu tình trạng nhiễm trùng tự phát sinh bên trong vết thương, thì việc loại bỏ nó gần như là bất khả thi. Tuy nhiên, nếu các vi trùng xâm nhập từ không khí bên ngoài thì chúng có thể bị tiêu diệt, và cách làm này sẽ ngăn chặn tình trạng vết thương bị nhiễm trùng.

Trong nhiều thí nghiệm, nhà hóa học người Pháp Pasteur đã dùng nhiệt độ cao và bộ lọc để loại bỏ vi trùng có trong giấm, nhưng các kỹ thuật này không phù hợp để sử dụng trên cơ thể người. Vì vậy, Lister cần tìm một loại hóa chất thích hợp để tiêu diệt vi trùng.

Sau một thời gian tìm kiếm, Lister phát hiện hợp chất axit carbolic(phenol) đang được sử dụng phổ biến trong công nghệ xử lý nước thải để làm chất khử trùng, và nó cũng an toàn nếu dùng trên da người.

Bắt đầu từ năm 1865, Lister đã sử dụng phenol để rửa tay, dụng cụ và băng gạc trong các ca phẫu thuật. Ông cũng phun hợp chất phenol vào không khí nhằm tiêu diệt vi khuẩn bay lơ lửng. Ông đã áp dụng phương pháp điều trị này trên bệnh nhân đầu tiên là một cậu bé 11 tuổi bị thương do tai nạn xe ngựa. Sau ca phẫu thuật vô trùng, vết thương và phần xương bị gãy của cậu bé đã lành lại mà không bị hoại tử.

Sau hơn một năm sử dụng và cải tiến các kỹ thuật phẫu thuật vô trùng, Lister đã có đủ dữ liệu để chứng minh phương pháp của mình thành công. Ông đã công bố toàn bộ kết quả nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet vào năm 1867.

Phương pháp phẫu thuật của Lister nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới và có tác động to lớn đến lĩnh vực phẫu thuật. Các bác sĩ ở Đan Mạch và Đức là những người đầu tiên áp dụng nguyên tắc sát trùng của Lister và họ đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật giảm đáng kể, và nhiều bệnh nhân có thể sống sót nhờ vào các ca phẫu thuật phức tạp, trước đây không thể thực hiện được.

Năm 1891, Lister tham gia thành lập Viện Y tế Dự phòng Anh. Năm 1903, viện này được đổi tên thành Viện Lister để vinh danh ông. Với những đóng góp to lớn cho nền y học, Lister còn được mệnh danh là “cha đẻ của phẫu thuật hiện đại”.

Theo NCBI, Thoughtco, Science Museum

Đăng số 1298 (số 26/2024) KH&PT