Tăng số lượng và quy mô của doanh nghiệp, tập trung vào ngành chế biến chế tạo, thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả,... là một số giải pháp được các chuyên gia kiến nghị để cải thiện vấn đề năng suất lao động thấp kéo dài nhiều năm nay của Việt Nam.

.
Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

“Năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu dài thì nó gần như là tất cả”, nhà Kinh tế học được trao giải Nobel kinh tế năm 2008 - Paul Robin Krugman - đã từng nhận định như vậy. “Đây là một câu nói mà tôi cho rằng rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam”, ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Trưởng ban EFI, Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ khi dẫn lại lời của nhà kinh tế học này tại Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023. Và câu chuyện về năng suất lao động thấp của Việt Nam cũng như những giải pháp cần thiết để khắc phục tình trạng này một lần nữa lại được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 26/5.

“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc nâng cao năng suất lao động trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại diễn đàn.

Chưa có nhiều thay đổi


“Năng suất lao động của Việt Nam (được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm) thực sự có thấp so với các nước trong khu vực hay không?” là chủ đề đã được bàn luận từ rất nhiều năm nay và câu hỏi này đã được TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương đặt ra một lần nữa tại Diễn đàn. Câu trả lời không có gì bất ngờ: năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia và 79% so với Indonesia.

“Do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam có phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Mặc dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP)”, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết. Như vậy, tính theo GDP của Việt Nam năm 2022, năng suất lao động của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra là 53.582 USD/lao động - một con số chỉ bằng 30% so với lao động của Singapore làm việc tại doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước, TS. Nguyễn Tú Anh so sánh. “Vì vậy, một trong những việc cần làm để tăng năng suất lao động trên góc nhìn vĩ mô là cần phải đẩy nhanh, phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nghiệp nhiều hơn mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 - mục tiêu quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động”, ông cho biết.

.
.Ảnh: VGP

Song, có một vấn đề là năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng vẫn còn quá thấp. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, nên năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI. “Những ngành có năng suất lao động cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp trong tổng lao động, các ngành này chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm. Vì vậy, chúng ta thấy rằng có một dư địa rất lớn để dịch chuyển lao động từ khu vực năng suất lao động thấp hơn sang khu vực năng suất lao động cao hơn để tăng năng suất lao động”, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết.

Đó là lý do từ góc nhìn của TS. Nguyễn Tú Anh, những biện pháp cần thiết trước mắt là thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp và tăng quy mô của doanh nghiệp. “Phải thực hiện cho kỳ được mục tiêu 2 triệu doanh nghiêp đến năm 2030. Chỉ khi tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp tăng lên thì năng suất lao động mới tăng nhanh và bền vững vì các lý do: người lao động được chăm lo tốt hơn thông qua vai trò của các đoàn thể; người lao động cam kết lâu dài hơn, nên có động lực để nâng cao năng lực trình độ để tăng năng suất lao động; doanh nghiệp có năng lực tốt hơn trong nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, công nghệ để tăng năng suất lao động”, ông cho biết.

Bài toán tiền lương

Theo TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao ở mức 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động. Và khi với người lao động lương thấp còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hằng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên. Người lao động không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, chưa nói tới người có tiền lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập cho bản thân và con cái.

Do đó, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, TS. Phạm Thu Lan cho rằng, tăng năng suất giai đoạn tới không thể dựa vào việc đi tiếp con đường đã đi mà đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. “Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng”, TS. Phạm Thu Lan nhận định. Trong đó, việc xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng là một trong những kiến nghị mà chuyên gia này đưa ra đầu tiên. “Về việc này, các doanh nghiệp thường lo ngại tăng lương sẽ làm giảm việc làm. Tuy nhiên, nghiên cứu của ba nhà kinh tế học người Mỹ về tác động của lương tối thiểu tới thất nghiệp trên thế giới trong hơn 30 năm qua – nghiên cứu đoạt giải Nobel năm 2021 - chứng minh rằng tăng lương tối thiểu không làm tăng thất nghiệp và cũng không loại bỏ việc làm, mà ngược lại, có nơi, tăng lương tối thiểu dẫn tới gia tăng đáng kể việc làm và đóng góp cho chính thức hóa việc làm”, bà cho biết.

Lắng nghe những góp ý và đề xuất của các đại biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, cần tập trung vào “ba đẩy mạnh, ba tiên phong, ba bứt phá”. Trong đó, “ba đẩy mạnh” gồm hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài; thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực. “Ba tiên phong” tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi; hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội; phong trào thi đua tăng năng suất lao động. Và “ba bứt phá” hướng đến phát triển nguồn nhân lực; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; môi trường lao động.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng đề nghị cần chú trọng một số nội dung như: ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn,... Và cuối cùng, “chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở, triển khai tốt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một số vấn đề chung thường thấy ở nhiều người lao động là: Không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương thậm chí tử vong; Không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc; xin nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém; làm việc nhóm không hiệu quả; Không tuân thủ quy định kiểm soát: Lấy sản phẩm công ty để bán ra ngoài thị trường như trường hợp một doanh nghiệp ở phía Nam gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng uy tín công ty, thậm chí ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến văn hóa và con người Việt Nam; Không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác.

Ông Mai Thiên Ân - Trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam

Cần xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, có thể vừa đào tạo cho sinh viên, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động ở các doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng ưu tiên đầu tư đồng bộ cho một số ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn như công nghệ bán dẫn, năng lượng thông minh, chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề (Industrial Skills Board) trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, giới tính và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trước mắt và lâu dài.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nhà nước theo Khoản 2 điều 25 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH nhằm gia tăng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất khoa học công nghệ, kinh doanh, dịch vụ góp phần gia tăng các nguồn thu để tái đầu tư, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước thực hiện thành công cơ chế tự chủ, bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư theo Nghi định 60 của Chính phủ về nội dung này.


NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội

Khi Luật Công đoàn sửa đổi, đề nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp, để tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo cho người lao động và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Nhiều năm nay, đầu mục kinh phí chăm lo cho người lao động ở doanh nghiệp đã được công khai và người lao động được hưởng liên tục, do đó nếu có sự thay đổi giảm bớt, người lao động sẽ rất bức xúc, bất lợi cho việc tập hợp người lao động của tổ chức công đoàn.

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam

Bài đăng số 1294 (số 22/2024) KH&PT