Bác sĩ Sidney M. Wolfe trong nhiều năm đã chống lại các công ty dược, các nhà vận động và cơ quan quản lý trong gần năm thập kỷ, nhằm loại bỏ những loại thuốc không hiệu quả.

Sidney Manuel Wolfe (1937-2023). Nguồn: Jamie Rose
Sidney Manuel Wolfe (1937-2023). Nguồn: Jamie Rose

Con đường ban đầu

Sidney Manuel Wolfe sinh ngày 12/6/1937 tại Cleveland, trong một gia đình có cha là thanh tra an toàn của Bộ Lao động, và mẹ dạy tiếng Anh ở các trường công lập.

Năm 1959, Wolfe nhận bằng cử nhân kỹ thuật hóa học tại Đại học Cornell. Một công việc mùa hè làm việc với axit hydrofluoric khiến ông bị bỏng cấp độ một, và từ đây sự nghiệp hóa học của ông chấm dứt. Thay vào đó, Wolfe theo học trường y, lấy bằng năm 1965 tại Đại học Western Reserve (nay là Đại học Case Western Reserve). Ông được đào tạo dưới hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa và nhà hoạt động phản chiến Benjamin M. Spock, đồng thời dành thời gian chữa trị cho các trường hợp dùng thuốc quá liều. Hai trải nghiệm này đã định hình con đường ông đi sau này.

Để tránh phải đi lính trong Chiến tranh Việt Nam, Wolfe đã gia nhập Sở Y tế Công cộng. Ông hoạt động tích cực trong các phong trào phản kháng những năm 1960 với tư cách là thành viên của Ủy ban Y tế Nhân quyền, một nhóm cánh tả phản chiến cũng đấu tranh với Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ về các vấn đề bình đẳng trong chăm sóc y tế.

Sau khi từ chối làm thành viên của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, Wolfe tình nguyện tham gia các nhóm cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho những người biểu tình phản chiến và người nghèo.

Sự kiện bước ngoặt

Vào năm 1971, khi đang tiến hành nghiên cứu máu tại Viện Y tế Quốc gia, bác sĩ Wolfe nhận được một cú điện thoại từ người bạn là nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật. Người này phàn nàn về chuyện những túi truyền dịch do Phòng thí nghiệm Abbott sản xuất đã nhiễm khuẩn nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi, mà cơ quan quản lý liên bang lại từ chối thu hồi. Hàng trăm bệnh nhân ốm đau, một số người đã tử vong.

Phẫn nộ trước thái độ bàng quan với sinh mạng người, bác sĩ Wolfe đã liên hệ với Ralph Nader, nhà hoạt động vì người tiêu dùng, người thành lập Public Citizen – tổ chức phi lợi nhuận, vận động quyền lợi cho người tiêu dùng Mỹ. Nader đề nghị họ viết một bức thư với lời lẽ cứng rắn cho Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ.

Đồng thời, hai người họ cũng gửi lá thư này cho giới truyền thông. Chỉ trong vòng hai ngày, khoảng hai triệu túi dịch truyền đã được thu hồi. “Sự việc này khiến tôi nghĩ rằng sao lại có vô cùng nhiều vấn đề được ghi nhận rõ ràng như thế mà chẳng có ai làm gì để khắc phục chúng. Với tôi thì dường như những việc này thú vị hơn là làm nghiên cứu”, bác sĩ Wolfe trả lời tờ The Washington Post vào năm 1989.

Nhóm Nghiên cứu Sức khỏe


Vài tháng sau vụ khiếu nại Abbott thành công, Wolfe và Nader quyết định thành lập Nhóm Nghiên cứu Sức khỏe, một nhánh thuộc Public Citizen. Đây cũng là nơi bác sĩ Wolfe gắn bó trong phần lớn sự nghiệp của mình.

Với thôi thúc vạch trần những loại thuốc và thiết bị y tế mà ông tin rằng có thể gây thiệt mạng hoặc bất lợi cho bệnh nhân, bác sĩ Wolfe đã tìm kiếm manh mối từ hàng ngàn bài báo nghiên cứu và tạp chí y học, chất giấy tờ thành những chồng cao ngất ngưởng quanh văn phòng mình. Các bác sĩ, nhà khoa học làm việc trong các cơ quan quản lý, đặc biệt là FDA, đã tiết lộ thông tin cho ông, thường là ẩn danh.

Robert Young, nhân viên FDA và là người hiếm hoi hâm mộ Wolfe trong cơ quan này, cho biết: “Sid có năng lực đưa mọi thứ vào chương trình nghị sự của FDA. Khi [Nhóm Nghiên cứu Y tế] nộp đơn kiến nghị, thì sự việc ấy đã được họ xem xét rất kỹ lưỡng”.

Ông xây dựng chiến lược xoay quanh “vận động dựa trên nghiên cứu”, đó là liên tục cung cấp nhiều thông tin: các thông cáo báo chí, điều trầntrướcQuốc hội và các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông. Bất kỳ vị khách nào tới văn phòng ông chắc chắn sẽ rời đi cùng chồng báo cáo do Nhóm Nghiên cứu Sức khỏe đưa ra gần đây.

Khi bác sĩ Wolfe tìm thấy bằng chứng không thể chối cãi trong các bài báo khoa học, ông đã không liên hệ với các quan chức, mà trực tiếp đến gặp người đứng đầu cơ quan để yêu cầu thay đổi; đồng thời ông thường xuyên liên hệ với các phóng viên để đảm bảo sự việc không chìm xuồng.

Malcolm Gladwell, phóng viên khoa học và kinh doanh tại tờ Washington Post, hồi tưởng: “Ký ức của tôi về Sid là bạn sẽ không bao giờ biết lúc nào mới được gác máy”. Gladwell đã phải chịu đựng liên hoàn cuộc gọi từ Wolfe và đặt biệt danh cho ông là “cú huých của Washington”.

Còn Michael Specter, một cựu phóng viên khoa học khác của thời kỳ đó, kể lại: “Ông ấy không chỉ nói chuyện thôi đâu. Sau đó thông tin bắt đầu ập tới. Trong những ngày ấy, máy fax bắt đầu rung liên tục vì thông tin gửi tới qua đó. Tôi sẽ ra ngoài ăn trưa, và nếu có cả chồng giấy fax xuất hiện trên bàn làm việc thì nó sẽ là ‘Sid tấn công’”.

Dĩ nhiên, bác sĩ Wolfe đã chịu nhiều lời chỉ trích từ các công ty dược, FDA, Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm. Ông từng bị gọi là “kẻ thù địch, bất công và tự tư tự lợi”.

Song, những lời phê phán càng làm nổi bật lòng dũng cảm của ông, cũng như sự bền bỉ đấu tranh vì sức khỏe cộng đồng. Ông cho rằng các công ty sản xuất thuốc, các cơ quan quản lý và nhóm bác sĩ quá thoải mái với nhau, dẫn tới việc phê duyệt các phương pháp điều trị không an toàn và không hiệu quả. Những điều mà bác sĩ Wolfe làm được đã nâng cao độ minh bạch và trách nhiệm giải trình của ngành y tế nước này.

“Phải có ai đó quan tâm tới người dân đang chịu sự thao túng của các bệnh viện, bác sĩ, công ty bảo hiểm và công ty dược”, ông trả lời tạp chí The Progressive vào năm 1993.

Trong hơn 40 năm công tác, ông cùng tổ chức đã buộc chính phủ và các công ty sản xuất chịu trách nhiệm giải trình cho các loại thuốc không an toàn. Những kiến nghị và vụ kiện mà ông triển khai đã giúp loại bỏ hơn hai chục loại thuốc nguy hiểm hoặc không hiệu quả khỏi thị trường, đồng thời dán nhãn cảnh báo cho hàng chục loại thuốc khác. Những loại thuốc bị cấm như thuốc trị tiểu đường Phenformin, nó dính dáng tới hàng trăm ca tử vong; thuốc Vioxx chống viêm gây tổn thương tim nghiêm trọng; và thuốc chống tiêu chảy Lotronex. Ông cũng thành công kiến nghị cơ quan quản lý liên quan đưa ra cảnh báo trên các chai aspirin về hội chứng Reye – tình trạng có thể gây tử vong khi trẻ em dùng thuốc giảm đau để điều trị bệnh cúm hay thủy đậu.

Mục tiêu mà ông nhắm tới không chỉ dừng ở thuốc men, mà còn có kính áp tròng, máy điều hòa nhịp tim, băng vệ sinh, phụ gia thực phẩm, thuốc lá và kem đánh răng, bất kỳ thứ gì liên quan tới sức khỏe và chăm sóc y tế.

Tuy nhiên, ông không đeo đuổi các loại thuốc cấp cứu hay cứu sống như thuốc chữa ung thư hoặc AIDS. Ông cho rằng lợi ích của những thuốc này vượt xa hầu như mọi tác dụng phụ nó gây ra.

Năm 1980, ông tự xuất bản cuốn sách “Thuốc tệ nhất, Thuốc tốt nhất: Hướng dẫn cho người tiêu dùng để tránh tử vong hoặc bệnh tật do thuốc gây ra”. Nó đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của tờ New York Times, bán được hơn 2,2 triệu bản qua nhiều ấn bản.

Vì những cống hiến của mình, bác sĩ Wolfe được trao Giải MacArthur Fellowship, hay còn được gọi là Giải Thiên tài, vào năm 1990.

Sidney M. Wolfe đã qua đời tại nhà riêng vào ngày đầu năm 2024.

Nguồn: nytimes.com, washingtonpost.com