Nhà sinh thái học Gordon Conway là chuyên gia hàng đầu thế giới về an ninh lương thực và phát triển bền vững đất nông nghiệp. Những nghiên cứu của ông đã góp phần giúp định hình chính sách phát triển nông thôn trên toàn thế giới.

Gordon Conway (1938–2023). Ảnh: Telegraph
Gordon Conway (1938–2023). Ảnh: Telegraph

Gordon Conway là một nhà khoa học liên ngành truyền cảm hứng, người say mê nghiên cứu nông nghiệp và tính bền vững từ rất lâu trước khi chúng trở thành những chủ đề thịnh hành. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã nỗ lực giúp cải thiện an ninh lương thực và giảm đói nghèo trên toàn thế giới. Ông là một trong những người thiết kế phương pháp tiếp cận sinh kế bền vững – một khuôn khổ phát triển chú trọng đến thực hành canh tác địa phương bằng cách lắng nghe và học hỏi từ nông dân. Cách tiếp cận này đã được nhiều tổ chức quốc tế áp dụng và mang lại hiệu quả cao.

Conway sinh ra tại Birmingham, Vương quốc Anh vào năm 1938. Ngay từ khi nhỏ, ông đã say mê tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Ông tỏ ra hứng thú với các loài côn trùng, đặc biệt là cách quản lý sâu bệnh mà không sử dụng hóa chất độc hại. Ông tốt nghiệp cử nhân về sinh thái học tại Đại học North Wales, sau đó tiếp tụclấy bằng về khoa học nông nghiệp và nông nghiệp nhiệt đới lần lượt ở Đại học Cambridge và Đại học Tây Ấn. Năm 1961, ông làm việc tại North Borneo (nơi ngày nay là bang Sabah, Malaysia) trong lĩnh vực quản lý dịch hại tổng hợp.

Tại các trang trại ca cao ở North Borneo,côn trùng gây rụng lá trên diện rộng.Conway đã giúp đỡ những người nông dân bằng cách thả ong ký sinh – kẻ thù tự nhiên của sâu bệnh – vào môi trường khiến cây ca cao phát triển mạnh, làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu độc hại và đắt tiền. Ông đã sử dụng kinh nghiệm này trong các nghiên cứu của mình tại Đại học California, Davis (Mỹ) để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1969.

Sau đó, Conway làm việc tại Đại học Hoàng gia London(ICL) cùng với các nhà sinh thái học hàng đầu như Bob May, Roy Anderson và Richard Southwood. Năm 1976,ICL thành lập Trung tâm Công nghệ Môi trường, đồng thời bổ nhiệm Conway làm Giám đốc. Năm 1986, ông thiết lập chương trình nông nghiệp bền vững tại Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED), một tổ chức nghiên cứu chính sách độc lập có trụ sở tại London.

Tính bền vững trong phát triển nông thôn đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu chính của Conway khi ông trở thành đại diện của Quỹ Ford tại New Delhi từ năm 1988 đến năm 1992. Cùng với Robert Chambers tại Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) của Đại học Sussex (Vương quốc Anh), ông trở thành người tiên phong trong các phương pháp nghiên cứu hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia tích cực của những người nông dân.

Sau chuyến đi tới khu vựcWollo ở miền Bắc Ethiopia vào năm 1988, Conway cảm thấy tràn đầy phấn khích với những kiến thức học hỏi được từ các nông dân bản địa, chẳng hạn như cách giữ đất và nước trên các rãnh ở sườn đồi để tạo ra nơi trồng cây có năng suất cao trong môi trường khắc nghiệt. Các chuyến đi thực địa là tiền đề để ông xây dựng các hoạt động phát triển nông thôn sau này.

Năm 1992, Conway và cộng sự Chambers xuất bản một tài liệu thảo luậntrên trang web của Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) với tựa đề “Sinh kế nông thôn bền vững: Các khái niệm thực tiễn cho thế kỷ 21”. Bài viết này đặt ra mục tiêu và xây dựng mô hình nhằm nâng cao khả năng và nguồn lực của người dân ở vùng nông thôn để họ có thể duy trì sinh kế bền vững và ứng phó với những căng thẳng và cú sốc như hạn hán, suy thoái, bệnh tật hoặc xung đột. Điều quan trọng là người dân không làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên mà họ dựa vào để duy trì kế sinh nhai. Từ đó, cách tiếp cận sinh kế đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận về phát triển bền vững. Đây là nền tảng cho tầm nhìn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) được thành lập năm 1997 dưới sự lãnh đạo của Clare Short, người mà Conway đã hợp tác một cách chặt chẽ.

Cũng trong bài viết này, Conway đã nhấn mạnh nhu cầu về tính công bằng, bên cạnh sự bền vững cả về vật chất và xã hội. Ông cho rằng chúng ta cần phải suy nghĩ cho các thế hệ tương lai và thách thức đối với người giàu trong việc giảm mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của thế giới. “Nếu người giàu tiêu thụ lượng tài nguyên thiên nhiên thấp hơn thì họ sẽ để lại nhiều hơn cho người nghèo và thế hệ tương lai”, Conway nhận định.

Trong cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn mang tên “The Doubly Green Revolution” (Cuộc cách mạng xanh kép) được xuất bản vào năm 1997, Conway đề xuất kết hợp các công nghệ mới và truyền thống để nâng cao năng suất và hỗ trợ sinh kế của nông dân theo cách bền vững mà không gây tổn hại đến môi trường. Mặc dù niềm tin vững chắc của Conway vào các giải pháp công nghệ khiến một số người cảm thấy băn khoăn và lo lắng về những tác động xấu tiềm ẩn của chúng, nhưng cam kết của ông đối với việc hiện thực hóa lợi ích của công nghệ – bao gồm cả các công cụ do chính nông dân phát triển – là rất rõ ràng và không thể bị nghi ngờ.

Một số phần nổi bật nhất của cuốn sách mô tả các trang trại quy mô nhỏ ở Java và miền Tây Kenya, nơi nông dân đạt được năng suất cao bằng cách trồng thâm canh nhiều loại cây trong một không gian nhỏ.

Ví dụ, tại một trang trại nhỏ ở Kakamega (Kenya), Conway đã thống kê tổng cộng 30 loài thực vật hữu ích khác nhau (bao gồm ngô, đậu, sắn, chuối, rau, thậm chí cả một diện tích cỏ dại), cùng với một con bê và một con bò chỉ trong diện tích 50m2. Áp lực dân số đã buộc người dân phải chia nhỏ đất đai, nhưng Conway lập luận rằng điều này đã thúc đẩy thâm canh và đổi mới, dẫn đến một hệ thống canh tác bền vững, đa dạng và phong phú hơn về mặt sinh thái.

Đổi mới, thâm canh và phát triển bền vững là những chủ đề truyền cảm hứng cho những công trình nghiên cứu của Conway trong hơn nửa thế kỷ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Với tư cách là một nhà sinh thái nông nghiệp, ông chủ yếu quan tâm đến các khía cạnh vật lý của tính bền vững, chẳng hạn như phát triển các hệ thống canh tác đa dạng để tối đa hóa năng suất, đồng thời duy trì độ phì nhiêu của đất và hạn chế tác hại của các rủi ro thiên tai như hạn hán, lũ lụt.

Conway trở thành Phó hiệu trưởng của Đại học Sussex từ năm 1992 đến 1998, sau đó giữ chức Chủ tịch Quỹ Rockefeller ở thành phố New York từ năm 1998 đến năm 2004. Ông được phong tước hiệp sĩ vào năm 2005 và trở thành Chủ tịch của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia (2006-2009). Trong khoảng thời gian này, ông tham gia nhiều chương trình quan trọng, ví dụ như sáng kiến về HIV/AIDS. Ông giữ vai trò cố vấn cho các tổ chức quốc tế bao gồm chương trìnhphát triển nông nghiệpA4I do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ và Nhóm Tư vấn về Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế, một tổ chức có các trung tâm nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác nhau về giống cây trồng mới và kỹ thuật trồng lúa, ngô, cùng nhiều loại cây khác. Ông tiếp tục công việc này cho đến khi qua đời vào tháng 7/2023, giúp định hình chính sách phát triển nông nghiệp trong một thế giới với dân số ngày càng tăng.

Theo Nature, Theguardian