Những tiến bộ trong việc ghép mô tạng nói chung và ghép phổi nói riêng trong những năm gần đây đã giúp thay đổi cuộc sống cho rất nhiều người bệnh.

Tuy nhiên, những hạn chế từ việc thiếu nguồn mô tạng cho đến việc chuẩn hóa kỹ thuật, hỗ trợ thanh toán chi phí cấy ghép đòi hỏi phải sớm có những giải pháp khắc phục để ngày càng có nhiều người bệnh được hưởng lợi ích từ kỹ thuật này hơn.

Dù ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam đã diễn ra cách đây hơn 30 năm, tuy nhiên phải đến năm 2020, nước ta mới có ca ghép phổi đầu tiên thành công một cách toàn diện (dù đây là ca ghép phổi thứ chín) - theo lời của TS. Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương tại hội thảo “Cập nhật tình hình triển khai ứng dụng ghép phổi và y học tái tạo trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối tại Việt Nam” được tổ chức vào giữa tháng năm. Người được ghép phổi là một bệnh nhân 54 tuổi được chẩn đoán xơ phổi giai đoạn cuối, suy hô hấp mãn tính, “chỉ đi bộ từ tầng một lên đến tầng hai là đã khó thở”, TS. Lượng cho biết. Sau khi được các bác sỹ của Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Quân đội 108 ghép phổi hiến tặng từ một bệnh nhân chết não 31 tuổi theo đúng quy trình chuẩn của Trung tâm ghép tim phổi trường Đại học California, San Francisco (UCSF, Mỹ), đến nay bệnh nhân đã có một cuộc sống mới khỏe mạnh. Trong khi đó, nếu không được phẫu thuật, tiên lượng bệnh nhân khó sống được thêm quá sáu tháng.

Một ca ghép phổii. Ảnh: Vietnamnet.vn

Nhiều bước tiến lớn

Ca ghép phổi nói trên là một trong những thành tựu đáng chú ý về ghép mô tạng nói chung và ghép phổi - tạng khó ghép thành công nhất - tại Việt Nam nói riêng. ‘“Điều này cho thấy chúng ta đã thực sự làm chủ được khoa học kỹ thuật về vấn đề ghép tạng trong thời gian qua”, TS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia và ghép bộ phận cơ thể người, nhận định.

Theo TS. Phúc, hiện nay Việt Nam đang có 24 trung tâm ghép tạng trên cả nước, trải dài từ Bắc - Trung - Nam, qua đó cho thấy khả năng giải quyết được cơ bản việc điều trị cho các bệnh nhân. Việt Nam cũng đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc ghép mô tạng trong cả nước, trong đó Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất giúp triển khai tất cả các hoạt động liên quan, từ những nguồn hiến sống cũng như nguồn hiến đã chết não - cơ sở để các bác sỹ có thể thực hiện ghép các tạng như tim hay phổi. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy số lượng nguồn tạng ghép cho bệnh nhân, Việt Nam cũng đã có một số cơ quan tổ chức có liên quan như Trung tâm Điều phối quốc gia và ghép bộ phận cơ thể người - ra đời năm 2013, Hội ghép tạng Việt Nam để thúc đẩy, hỗ trợ cho hoạt động cấy ghép tạng. Đến nay, đã có hơn 70,000 người đăng ký hiến tặng mô tạng tại Việt Nam - một con số đáng kể so với chỉ có hơn 200 người đăng ký hiến tạng vào năm 2014. Tính đến cuối tháng 3/2023, đã có gần 7.500 ca ghép tạng, chủ yếu là ghép thận.

Không chỉ gia tăng được số lượng nguồn tạng, Việt Nam cũng đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật liên quan đến cấy ghép mô tạng trong thời gian qua. Theo chia sẻ của TS. Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trên Báo Chính phủ, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, kỹ thuật ứng dụng ECMO và máy chạy tim, phổi đang được triển khai. Sau khi ca phẫu thuật ghép phổi thành công cùng Bệnh viện Quân đội 108, đến nay quy trình ghép phổi này đã được Bộ Y tế xác nhận và cấp phép. “Bây giờ chúng tôi hoàn toàn đủ quy trình, nhân sự, trang thiết bị để có thể ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương”, ông cho biết.

Bên cạnh đó, một kỹ thuật quan trọng có liên quan và góp phần vào sự thành công của một ca ghép mô tạng tại Việt Nam là mổ tim cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Theo GS.TS Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược (ĐHQGHN), Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam, nước ta có hơn 30 cơ sở có thể mổ tim được, “mười năm trở lại đây, sự phát triển của mổ tim ở Việt Nam tương đối mạnh, đặc biệt có những cơ sở mổ tim từ 800-1000 ca/năm. Hằng năm, Việt Nam mổ khoảng 12,000 ca tim hở, trong đó hơn 50% cho người lớn”. Đáng chú ý, tất cả những phẫu thuật tim kinh điển đã được tiến hành hết sức thường quy ở Việt Nam, từ mổ van tim đơn giản cho đến phức tạp, tim bẩm sinh. Kỹ thuật mổ tim hở và ECMO được thực hiện tương đối thành thạo, đồng thời, những kỹ thuật tiên tiến như kỹ thuật hybrid, phẫu thuật ít xâm lấn cũng đã được áp dụng trong năm năm trở lại đây. “Tất cả các quá trình ghép ở Việt Nam thì bên lĩnh vực tim mạch bao giờ cũng tham gia”, GS. TS. Thành cho biết, do đó, những tiến bộ trong mổ tim cũng cho thấy những đóng góp quan trọng vào bước tiến trong kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng hiện nay ghép phổi đang có rất nhiều thuận lợi, ví dụ như nguồn lực của ngành y tế Việt Nam hiện nay đã khá hơn rất nhiều so với mười năm trước đây, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia về ghép. Năng lực về ghép tạng nói chung ở Việt Nam hiện giờ đã có nhiều tiến bộ, những chuyên ngành liên quan đến ghép tạng của chúng ta cũng đã phát triển tương đối mạnh để hỗ trợ cho việc ghép”, GS. TS Đồng Khắc Hưng - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y - nhận định. Những thuận lợi này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều ca ghép tạng thành công hơn nữa trong tương lai - một điều đặc biệt có ý nghĩa với các bệnh nhân bệnh phổi giai đoạn cuối, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh phổi là nguyên nhân gây tàn tật và tử vong hàng đầu thế giới và có đến 6,7% dân số Việt Nam mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Vẫn còn nhiều thách thức

Dù đã đạt được những thành tựu đáng chú ý, tuy nhiên, theo GS.TS Lê Ngọc Thành, một trong những hạn chế đáng chú ý là việc ghép phổi ở Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Hoàng Phúc, một số vấn đề nổi bật khác là thiếu nguồn tạng dẫn đến số lượng ghép còn rất hạn chế dù số lượng người chờ ghép rất cao; chưa tiếp cận được tất cả các trường hợp chết não và chết não tiềm năng;... “Tại Tây Ban Nha, nguồn tạng hiến từ người chết não rất cao vì họ có nguyên tắc khác nhiều nước trên thế giới, đó là họ có thể tiếp cận được tất cả các trường hợp chết não tiềm năng, và từ việc tiếp cận được tất cả mọi trường hợp như vậy, họ có thể tiếp nhận được số lượng nguồn tạng rất lớn. Ngoài ra, trên thế giới, 80% ca ghép là từ nguồn hiến tạng chết não, trong khi đó, tại Việt Nam, số lượng nguồn chết não hiến tạng chưa đến 5%. Điều này cho thấy rằng chúng ta cần phải điều chỉnh một số nội dung liên quan”, TS. Phúc cho biết.

Đồng thời, theo ông, một vấn đề đáng chú ý khác đó là việc thiếu cơ chế tài chính để đơn vị hiến tạng được chi trả cho vấn đề hồi sức chết não. “Bộ Y tế cũng đã có một văn bản gần nhất yêu cầu tất cả các đơn vị trong cả nước tổ chức chẩn đoán chết não cho bệnh nhân xin về hoặc bệnh nhân không có cơ hội cứu sống được. Nhưng trên thực tế, để tổ chức chẩn đoán chết não được thì cũng sẽ tốn khoản chi phí nhất định. Do chưa có một cơ chế cụ thể, hoạt động tổ chức chẩn đoán chết não gặp phải một số khó khăn nhất định”, TS. Phúc cho biết. “Trong khi việc tổ chức chẩn đoán chết não để lấy tạng hiến là một trong những cách để ta giảm thiểu tối đa chuyện buôn bán tạng khi còn sống”.

Và theo các chuyên gia, câu chuyện về tài chính thực tế lại là một vấn đề rất quan trọng hiện nay để giải quyết những hạn chế trong việc ghép mô tạng cho người bệnh. Một ca ghép thành công đòi hỏi phải có tạng để ghép, có kỹ thuật của y bác sỹ và có tài chính để thực hiện. “Trên thế giới chúng ta thấy rằng, tất cả những ca ghép tạng ví dụ như ghép thận được bảo hiểm y tế thanh toán đến 80% hoặc trợ cấp của nhà nước; một phần còn lại sẽ tài trợ, từ thiện; và một phần còn lại là tự chi trả. Trên thực tế, nếu như phần tự chi trả vượt quá ngưỡng cho phép hay nói cách khác là bảo hiểm y tế không thanh toán thì sẽ dẫn đến nguy cơ bất công bằng, chỉ người có tiền mới có thể ghép tạng; cũng như dẫn đến các tiêu cực, giảm các giá trị nhân văn, nhân đạo vốn có. Vì thế, đó là lý do vì sao các nước trên thế giới họ giải quyết câu chuyện bằng cơ chế bảo hiểm y tế”, TS. Phúc cho biết.

Ông dẫn ví dụ, tại Mỹ, để giải quyết câu chuyện về tài chính thì OPOs - đơn vị điều phối vùng sẽ thanh toán tất cả những chi phí hồi sức điều phối, chi phí điều phối,... Sau đó, họ sẽ thu lại từ cơ sở y tế hiến tạng ghép, và từ cơ sở hiến tạng ghép đó thì bảo hiểm của người ghép sẽ thanh toán được ở mức độ 80%, từ đó giải quyết được những khó khăn về tài chính. Khi cấu thành nên chi phí điều phối, OPOs sẽ được thanh toán toàn bộ chi phí hồi sức chết não, lấy tạng, vận chuyển, điều phối, tri ân, tôn vinh,... “Nếu như chúng ta có thể áp dụng được cơ chế này, và trên cơ sở đó đưa vào quỹ bảo hiểm y tế thanh toán thì chúng ta sẽ giải quyết được câu chuyện tài chính”, ông nói.

Do đó TS. Phúc đề nghị, cần thúc đẩy hoạt động sửa đổi, bổ sung Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; tổ chức chẩn đoán chết não, hồi sức và lấy tạng tại chỗ và không vận chuyển người chết não hiến tạng đi nơi khác. Đồng thời, xây dựng gói chi phí “điều phối” làm cơ sở thanh toán và áp dụng chung trong cả nước; xây dựng giá gói dịch vụ ghép thận làm cơ sở cho BHYT thanh toán; tổ chức hiến, điều phối, lấy, vận chuyển, ghép mô, tạng,... là một hệ thống đồng bộ, thống nhất.