Đừng để hoạt động trải nghiệm trở thành một mẫu số chung cho cuộc sống học trò! Các em không cần thêm những bài học chung chung mà cần những tình huống nảy sinh từ quá trình quan sát cuộc sống, cùng làm, cùng nghĩ, cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm.
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm ở bậc Tiểu học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được đưa vào bài bản với quy trình cụ thể cho các loại hình: sinh hoạt dưới cờ, hoạt động giáo dục theo chủ đề, sinh hoạt lớp và câu lạc bộ. Đây có thể nói là một cơ hội bù đắp những khuyết thiếu về thực tế cuộc sống cho học sinh trong học tập và rèn luyện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các nhà trường và các thầy cô gặp khá nhiều khó khăn mà trước nhất là việc thấu hiểu bản chất của “hoạt động trải nghiệm” để có thể tổ chức và đánh giá hoạt động cho phù hợp.
Trong một buổi dự giờ hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học với chủ đề liên quan đến một tình huống giả định về mối quan hệ bạn bè, tôi quan sát thấy các bạn nhỏ trả lời câu hỏi của cô giáo rất nhanh nhẹn, đủ ý. Các em còn xử lý tình huống bất hòa với bạn rất khéo; cách xử lý nào cũng thú vị, hợp lý. Tương tự như thế, ở nhiều tiết chuyên đề hoạt động trải nghiệm ở các trường, các tỉnh, nơi nào tôi cũng cảm nhận thầy và trò đang cố gắng hướng đến một sự hoàn hảo, trọn vẹn. Những câu nói hoàn hảo có sẵn trên môi. Những hình ảnh quay chụp lại lung linh cũng vô cùng hoàn hảo.
Thế nhưng, liệu có thể giải quyết các tình huống thật trong cuộc sống theo cách hoàn hảo như trong các tình huống đóng vai không? Mỗi một tình huống có thật lại ẩn chứa một cảm xúc, một nỗi niềm, một hoàn cảnh mà trẻ cần để ý khám phá. Chỗ dựa của các em là kinh nghiệm từng có của bản thân, là kiến thức các thầy cô trang bị cho qua mỗi môn học và những gì học từ bố mẹ, gia đình. Lúc bấy giờ, không còn phân biệt đây là kiến thức, kĩ năng của bộ môn nào mà phải huy động tổng hợp những gì mình biết để giải quyết tình huống nảy sinh.
Những va vấp, vụng về chắc chắn phải lộ ra. Lộ ra cả những khó hiểu, không khớp giữa kiến thức được học và thực tế đang trải nghiệm. Thế mới cần làm công việc cụ thể và chia sẻ sau hoạt động để khẳng định lại giá trị của kiến thức mình từng học và tìm ra một hướng giải quyết khúc mắc.
“Cô ơi, cô bảo phải chào hàng xóm, nhưng bác hàng xóm của em toàn lừ lừ không trả lời khi em chào…”. “Thầy ơi, em đã nhận rửa rau và sắp bát đũa khi ăn tối nhưng bà và mẹ không cho làm!” “Chúng em đã thảo luận nhóm nhưng không thống nhất được chủ đề thuyết trình. Nhóm em chia 3 nhóm nhỏ thuyết trình 3 chủ đề được không ạ? Không được thì nhóm em không muốn tham gia nữa đâu ạ!”… - đây đều là những tình huống có thật nảy sinh trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm. Thay vì lo ngại khi có dấu hiệu của sự “không hoàn hảo”, các thầy cô phải mừng. Mừng vì hoạt động đã đưa học sinh đến gần hơn với cuộc sống, va chạm nhiều hơn, nhìn ra vấn đề cần xử lý hoặc chia sẻ những gì mình biết để giúp bạn khác thực hiện nhiệm vụ thành công.
Đừng để hoạt động trải nghiệm trở thành một mẫu số chung cho cuộc sống học trò!
Các em không cần thêm những bài học chung chung mà cần những tình huống không-giả-định nảy sinh từ quá trình quan sát cuộc sống, cùng làm, cùng nghĩ, cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm mới được đúc rút của mỗi người mỗi khác. Các em vận dụng kinh nghiệm cũng rất thực chất - vào thực tế cuộc sống vốn rất khác nhau của mỗi người!
Ví dụ, để học sinh cảm nhận và thể hiện lòng biết ơn của mình với thầy cô, chúng ta có thể gợi ý các em quan sát thầy cô kĩ hơn, cho các em thời gian, cơ hội tâm sự, đặt câu hỏi cho thầy cô, tìm cách chia sẻ về những điều khó nói và cùng thầy cô tham gia một hoạt động chung như cùng đi xem phim, xem kịch, đi dã ngoại, làm bánh, tham gia lễ hội… Qua cách dẫn dắt học sinh tham gia hoạt động như vậy, mỗi em có cách nhìn nhận mới mẻ về người thầy của mình.
Lòng biết ơn không đến từ việc… ngồi làm bưu thiếp tặng thầy cô mà cần được cảm nhận từ sâu bên trong mỗi học trò qua những phát hiện mới mẻ ấy. Khi lòng biết ơn như thế lên tiếng, các em sẽ tự quyết định mình làm gì để bày tỏ mà không cần ai phải hướng dẫn, đề xuất.
Hoặc, với mối quan hệ bạn bè, thay vì cho học sinh sắm vai giải quyết tình huống mâu thuẫn bị áp đặt, học sinh có thể cùng nhau thực hiện một dự án nhỏ, một hoạt động dài hơi, một công việc chung. Trong quá trình đó, thử thách đặt ra cho các em là phải tự lên kế hoạch, phân công thực hiện công việc theo cặp đôi, nhóm ba… Các em sẽ phải giải quyết những bất đồng ý kiến, tìm cách lắng nghe và nhường nhau hoặc thuyết phục nhau để đạt được ý kiến thống nhất. Rồi sau khi chia sẻ về quá trình “vất vả” tìm cách hợp tác ấy, mỗi em lại vỡ vạc ra cho mình một cách ứng xử khác hơn với bạn bè. Các em có thể sẽ tự hào vì mình biết cách lựa để nhóm đi đến thống nhất nhanh hơn, thấy hạnh phúc vì sự đoàn kết của nhóm mình.
Đó chính là trải nghiệm.
Đương nhiên, cách tổ chức hoạt động trải nghiệm như thế thường sẽ khiến nhiều thầy cô cho rằng phức tạp, mất thời gian. Nhưng chúng ta không thể không dành thời gian để có được những quan sát thật, suy nghĩ thật, bàn tay làm thật, băn khoăn thật và thở phào vui sướng hay xúc động thật.
Khó khăn của mỗi em nhỏ, mỗi gia đình, mỗi địa phương rất khác nhau. Với hoạt động trải nghiệm, chúng ta có cơ hội chạm đến những khó khăn ấy, chia sẻ thật sự với mỗi em nhỏ, từ đó tạo cho các em động lực thay đổi thái độ của mình với cuộc sống, hành động tích cực để có một lối sống bền vững hơn. Đó là ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm vậy!