Hiệu ứng hào quang khiến chúng ta đánh giá một khía cạnh hoặc đặc điểm tích cực của một người nào đó và áp đặt nhận định này lên toàn bộ những đặc điểm khác họ một cách mù quáng. Hiệu ứng hào quang dễ gây ra sự thiên vị, dẫn đến việc đánh giá không chính xác về người khác.

.
.

Hiệu ứng hào quang là gì?


Hiệu ứng hào quang là một loại thành kiến nhận thức, trong đó ấn tượng chung của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ về tính cách của họ.

Ví dụ, ấn tượng ban đầu của bạn về một người là “Anh ấy thật tử tế” sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của bạn về những đặc điểm cụ thể của người đó, chẳng hạn như “Anh ấy cũng thông minh”. Một ví dụ điển hình khác về hiệu ứng hào quang là ấn tượng chung của chúng ta về những người nổi tiếng. Chúng ta thường cho rằng họ hấp dẫn, thành đạt và dễ mến, vì vậy chúng ta cũng có xu hướng nghĩ họ là người thông minh, tốt bụng và hài hước.

Thêm vào đó, nhận thức về một đặc điểm riêng lẻ cũng có thể ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận các khía cạnh khác của người đối diện.

Trong hiệu ứng hào quang, yếu tố ngoại hình chiếm một phần quan trọng, do đó hiệu ứng hào quang đôi khi còn được gọi là “định điến về sự hấp dẫn ngoại hình” hoặc nguyên tắc “cái gì đẹp cũng tốt”. Chúng ta thường cho rằng những người có ngoại hình hấp dẫn – dựa trên tiêu chuẩn vẻ đẹp xã hội – cũng sở hữu những đặc điểm tính cách đáng mơ ước khác. Ngay từ lúc nhỏ, chúng ta đã có thói quen tin rằng các anh hùng trong truyệnkhông chỉ đẹp trai mà còn dũng cảm và mạnh mẽ. Các nữ chính không chỉ xinh đẹp mà còn tốt bụng và thân thiện, trong khi nhân vật phản diện xấu xí nên độc ác và kém thông minh.

Trong nghệ thuật tôn giáo, vầng hào quang thường được vẽ trên đầu của một vị thần linh. Vầng hào quang là thứ ánh sáng thiêng liêng, tốt lành, tượng trưng cho sự thanh khiết và đức hạnh. Điều này khiến chúng ta nhìn nhận các vị thần linh theo góc độ tích cực. Trong ngữ cảnh của hiệu ứng hào quang, việc nhìn nhận tính cách của người khác dựa trên một đặc điểm nào đó mang tính tích cực tương tự như một vầng hào quang, làm lấn át hoặc che phủ đi các khía cạnh không tốt của họ.

Nhà tâm lý học Edward Thorndike lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ “hiệu ứng hào quang” (halo effect) trong một bài báo có tựa đề “Lỗi sai bất biến trong đánh giá tâm lý” vào năm 1920. Trong thí nghiệm được mô tả trong bài báo, Thorndike đã yêu cầu các sĩ quan chỉ huy trong quân đội đánh giá một loạt phẩm chất của những người lính cấp dưới của họ. Những đặc điểm này bao gồm khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí tuệ, lòng trung thành và độ tin cậy.

Thorndike phát hiện nếu các sĩ quan chỉ huy đánh giá cao một đặc điểm của người lính, họ cũng có xu hướng đánh giá cao các đặc điểm khác. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu sĩ quan chỉ huy đánh giá thấp một đặc điểm của người lính, họ cũng có xu hướng đánh giá thấp các đặc điểm còn lại.

Tại sao hiệu ứng hào quang xảy ra?


Bộ não của con người liên tục xử lý thông tin và kích thích, đồng thời đưa ra rất nhiều quyết định. Để tiết kiệm thời gian, năng lượng, nhất là trong những tình huống phức tạp, tâm trí chúng ta sẽ tạo ra các lối tắt gọi là “suy đoán” nhằm đưa ra đánh giá nhanh chóng về người đối diện mà không cần phải xem xét từng khía cạnh cụ thể.


Hiệu ứng hào quang khiến bạn đánh giá ai đó qua một lăng kính phiến diện, chỉ nhìn thấy các khía cạnh tích cực của họ mà bỏ qua những mặt xấu tiềm ẩn hoặc ngược lại.


Thêm vào đó, cảm xúc có tác động mạnh mẽ đến quá trình đánh giá và ra quyết định. Hiệu ứng hào quang thường bắt nguồn từ việc cảm xúc chiếm ưu thế trước lý trí, khiến con người có xu hướng đánh giá một người hoặc vật dựa trên cảm xúc và ấn tượng ban đầu thay vì dựa vào thông tin khách quan.

Tác động của hiệu ứng hào quang


Hiệu ứng hào quang có tác động đến một số bối cảnh ở thế giới thực.

Hiệu ứng hào quang đóng một vai trò quan trọng trong môi trường giáo dục. Giáo viên có thể tương tác khác nhau với học sinh dựa trên cảm nhận về vẻ bề ngoài của họ. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sociology of Education vào năm 1973, hai nhà khoa học MargaretM. Cliffordvà ElaineWalster phát hiện ra rằng giáo viên có kỳ vọng tốt hơn đối với các em học sinh có ngoại hình hấp dẫn hơn.

Một nghiên cứu khác của nhóm nghiên cứu tại Đại học MSU Denver (Mỹ) đã xem xét hồ sơ học vấn của hơn 4.500 học sinh. Họ đánh giá mức độ hấp dẫn của các học sinh này (dựa vào ảnh thẻ của họ) trên thang điểm từ 1 (rất không hấp dẫn) cho đến 10 (rất hấp dẫn). Học sinh được chia thành ba nhóm dựa trên đánh giá về mức độ hấp dẫn: dưới trung bình, trung bình và trên trung bình. Các nhà nghiên cứu sau đó so sánh điểm số của học sinh trong các lớp học truyền thống [học trực tiếp trên lớp cùng giáo viên] và các lớp học trực tuyến. Họ nhận thấy những học sinh có ngoại hình trên mức trung bình đạt điểm số thấp hơn đáng kể trong các lớp học trực tuyến so với lớp học truyền thống.

Hiệu ứng hào quang ảnh hưởng đến cách giáo viên đối xử với học sinh nhưng nó cũng ảnh hưởng đến cách học sinh nhìn nhận về giáo viên. Nếu học sinh cảm thấy thầy cô ấm áp và thân thiện, họ cũng cho rằng thầy cô đẹp hơn, có năng lực và thú vị hơn.

Tại nơi làm việc, hiệu ứng hào quang ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận năng lực của người khác. Người quản lý có thể đánh giá cấp dưới dựa trên cảm nhận về một đặc điểm duy nhất thay vì xem xét toàn bộ công việc và đóng góp của họ. Ví dụ, sự nhiệt huyết hoặc thái độ tích cực của một người lao động có thể che lấp đi sự thiếu kiến thức hoặc kỹ năng của họ, khiến nhà lãnh đạo đánh giá họ cao hơn so với hiệu suất thực tế.

Hiệu ứng hào quang cũng tác động một phần nào đó đến thu nhập của bạn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Economic Psychology vào năm 2015 cho thấy, các nhân viên phục vụ trong một nhà hàng tại Mỹ với ngoại hình ưa nhìn kiếm được thêm khoảng 1.200 USD tiền tip mỗi năm so với những người có ngoại hình kém hấp dẫn hơn.

Các ứng viên xin việc có thể cảm nhận sự tác động của hiệu ứng hào quang. Nếu nhà tuyển dụng nhìn nhận ứng viên là hấp dẫn hoặc dễ mến, họ cũng có khả năng đánh giá người đó thông minh, có năng lực và phù hợp với vị trí việc làm.

Trong lĩnh vực marketing, các chuyên gia tiếp thị thường tận dụng hiệu ứng hào quang để bán sản phẩm và dịch vụ. Khi một người nổi tiếng trở thành gương mặt đại diện cho một sản phẩm cụ thể, nhận định tích cực của chúng ta về người đó có thể lan tỏa đến cách chúng ta nhìn nhận về sản phẩm, làm tăng khả năng mua hàng.

Theo Verywellmind