Phần lớn chúng ta chỉ sử dụng một phần nhỏ tiềm năng của bản thân. Bất kể là do rèn luyện hay gene di truyền, ngay cả những người bình thường cũng có thể phát triển những khả năng phi thường.

Nhà leo núi nổi tiếng Alex Honnold tại Công viên Quốc gia Yosemite (Mỹ). Ảnh: National Geographic
Nhà leo núi nổi tiếng Alex Honnold tại Công viên Quốc gia Yosemite (Mỹ). Ảnh: National Geographic

Siêu năng lực là có thật. Mặc dù con người không thể mọc ra những chiếc móng vuốt khổng lồ giống nhân vật Người sói (Wolverine) trong phim X-Men hoặc bắn ra những tia năng lượng từ mắt giống như nhân vật Cyclops, nhưng cơ thể và bộ não của chúng ta có tiềm năng thực hiện những điều phi thường.

Đôi khi khả năng siêu phàm của con người xuất hiện thông qua đột biến gene, giống như những câu chuyện về nguồn gốc siêu năng lực trong nhiều bộ truyện tranh. Ví dụ, người Sherpa ở dãy Himalaya đã thích nghi với độ cao lớn nhờ các gene giúp tăng cường sức mạnh và sức bền của họ.

Tuy nhiên, con người có thể đạt được một số siêu năng lực thông qua quá trình học tập và rèn luyện đặc biệt. Các vận động viên trí nhớ – những người chuyên tập luyện và tham gia các cuộc thi liên quan đến trí nhớ – khẳng định rằng bất kỳ ai cũng có thể phát triển khả năng ghi nhớ vượt trội.

Giới khoa học vẫn đang trong quá trình tìm hiểu những gì diễn ra bên trong cơ thể và tâm trí của những người sở hữu khả năng đặc biệt. Sau đây là một vài ví dụ về các siêu anh hùng ngoài đời thực.

Siêu can đảm

Nhà leo núi người Mỹ Alex Honnold được mệnh danh là “Người Nhện” do có khả năng leo trèo trên các vách đá thẳng đứng mà không cần dùng dây an toàn. Hầu hết mọi người chỉ cần nhìn vào bức ảnh Honnold treo lơ lửng trên vách núi bằng các đầu ngón tay cũng đủ khiến họ cảm thấy run sợ. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với Honnold.

Khi các nhà khoa học tiến hành quét não của nhà leo núi nổi tiếng thế giới bằng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) vào năm 2016, họ đã phát hiện một điều bất ngờ. Nếu một người bình thường quan sát những hình ảnh đáng sợ thì vùng hạch hạnh nhân (amygdala) trong não của họ chịu trách nhiệm gây ra cảm xúc sợ hãi hoặc lo lắng sẽ bị kích thích và hoạt động mạnh mẽ, nhưng hạch hạnh nhân của Honnold hoàn toàn im lặng.

Về mặt cấu trúc, bộ não của Honnold hoàn toàn bình thường, và anh ấy từ lâu đã phủ nhận việc mình không hề biết sợ. “Có khả năng Honnold đã tự rèn luyện bản thân để giảm bớt hoạt động ở một số vùng não nhất định, bằng cách tập trung vào việc lên kế hoạch tỉ mỉ cho từng bước di chuyển khi leo núi”, Jane Joseph, nhà thần kinh học đã kiểm tra hoạt động não của Honnold, viết trên tạp chí Popular Science vào năm 2018.

Khả năng thích nghi vượt trội

“Người Sherpa ở Nepal là một ví dụ hoàn hảo cho thấy con người vẫn đang tiến hóa và có thể phát triển một siêu năng lực”, Tatum Simonson, nhà nghiên cứu về các yếu tố di truyền và sinh lý học giúp con người thích nghi với những nơi có độ cao lớn tại Đại học California, San Diego (Mỹ), nhận định.

Các thành viên của nhóm dân tộc này đã sống hơn 6.000 năm ở độ cao trung bình 4.200m so với mực nước biển, nơi có lượng oxy thấp hơn khoảng 40% so với mức thông thường. “Trải qua một thời gian dài, quá trình chọn lọc tự nhiên đã giúp người Sherpa tìm ra cách tốt nhất để đối phó với tình trạng oxy ở mức thấp”, Simonson cho biết.

Thông thường khi nồng độ oxy trong không khí giảm xuống, cơ thể người sẽ sản xuất nhiều hơn các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nhưng điều này có thể làm cho máu đặc lại, dẫn đến chứng say độ cao hoặc thậm chí tử vong. Để khắc phục vấn đề trên, người Sherpa đã phát triển một số đột biến gene cho phép họ duy trì lượng hồng cầu ở mức thấp, trong khi các ty thể – bào quan nằm ở bên trong tế bào – sử dụng oxy một cách hiệu quả hơn.

Simonson cũng nghiên cứu những người Tây Tạng sống ở độ cao thấp hơn và nhận thấy họ vẫn duy trì khả năng đặc biệt của mình ngay cả ở những nơi cao gần bằng mực nước biển – một siêu năng lực mà Simonson hy vọng có thể học hỏi để giúp đỡ những người bị thiếu oxy mạn tính trong máu do mắc bệnh hô hấp hoặc tim mạch.

Thợ lặn cừ khôi

Có một lý do khiến chúng ta yêu thích những siêu anh hùng có khả năng bay cao như Siêu nhân (Superman) hoặc bơi lội trong lòng đại dương như Aquaman, đó là vì họ có thể đến những nơi mà chúng ta không thể.

Người Bajau ở Philippines, Malaysia và Indonesia nổi tiếng với khả năng nín thở lâu dưới nước. Ảnh: National Geographic.
Người Bajau ở Philippines, Malaysia và Indonesia nổi tiếng với khả năng nín thở lâu dưới nước. Ảnh: National Geographic.

Đối với thợ lặn tự do, họ không cần thiết phải sử dụng thiết bị lặn biển chuyên dụng để bơi xuống những vùng nước sâu. Người Bajau ở Philippines, Malaysia và Indonesia nổi tiếng với khả năng nín thở dưới nước tới 13 phút ở độ sâu 70m.

Giống như người Sherpa, người Bajau đã tiến hóa với những đặc điểm di truyền giúp họ sử dụng oxy một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vì người Bajau phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy gần như ngay lập tức khi lặn xuống nước nên họ đã phát triển một cơ chế đặc biệt giúp đối phó với tình trạng thiếu oxy nhanh chóng hơn. Theo thời gian, quá trình chọn lọc tự nhiên đã làm tăng kích thước lá lách của họ, nơi chứa các tế bào hồng cầu giàu oxy. Trong lúc lặn, lá lách của họ co lại, đẩy lượng tế bào hồng cầu dự trữ này vào máu.

Siêu nhanh nhẹn

Trong những cuốn tiểu thuyết, các sinh vật thần thoại như ma cà rồng và người sói đều có khả năng di chuyển nhanh nhẹn và phản xạ phi thường. Trong cuộc sống thực, sự kết hợp giữa gene di truyền và rèn luyện giúp một số người có khả năng thực hiện những động tác siêu phàm.

Kiếm sĩ Isao Machii có thể chém đôi viên đạn đang bay giữa không trung chỉ bằng một cú vung kiếm. Ảnh: Japanese Station.
Kiếm sĩ Isao Machii có thể chém đôi viên đạn đang bay giữa không trung chỉ bằng một cú vung kiếm. Ảnh: Japanese Station.

Ví dụ như kiếm sĩ nổi tiếng Isao Machii ở Nhật Bản. Nếu bắn một viên đạn về phía Machii, anh ấy có thể chém đôi viên đạn đang bay giữa không trung chỉ bằng một cú vung kiếm. Một ví dụ khác là tay súng Bob Munden người Mỹ. Ông có khả năng rút súng và bắn chính xác trong thời gian ít hơn 1/10 giây, nhanh hơn thời gian phản ứng trung bình của não người.

Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu cách thức hệ thống thần kinh trung ương giúp con người lên kế hoạch và thực hiện những chuyển động phức tạp như vậy một cách vô thức.

Siêu trí nhớ

Hãy tưởng tượng bạn có thể ghi nhớ thứ tự của một bộ bài chỉ trong 20 giây, hoặc tên và khuôn mặt của hàng trăm người lạ chỉ trong vài phút. Đối với một số vận động viên tham gia vào Giải vô địch Trí nhớ Mỹ hằng năm, những kỳ tích như vậy chẳng khó khăn gì.

“Tuy nhiên, các nhà vô địch trí nhớ không có gì đặc biệt ngoài việc họ đã kiên trì luyện tập”, Anthony Dottino, người sáng lập giải đấu, nhận định. “Bất kỳ ai cũng có thể cải thiện trí nhớ của mình – ở mọi lứa tuổi”.

Dottino đã hợp tác với các nhà khoa học thần kinh để nghiên cứu việc rèn luyện trí nhớ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của não. Họ phát hiện nguyên lý hoạt động của các kỹ thuật ghi nhớ, bằng cách hình thành mạng lưới neuron trong não để neo giữ và gắn kết những ký ức mới với ký ức cũ. Hơn nữa, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuron vào năm 2017 cho thấy những người bình thường có thể cải thiện đáng kể trí nhớ của họ chỉ với sáu tuần tập luyện. Vì vậy, khả năng ghi nhớ phi thường là một siêu năng lực mà tất cả chúng ta đều có thể đạt được.

Bài đăng số 1289 (số 17/2024) KH&PT