Nghiên cứu về cảm giác định hướng cho thấy kinh nghiệm có thể quan trọng hơn khả năng bẩm sinh.

Nguồn: Knowable Magazine.
Nguồn: Knowable Magazine.

Thế giới đầy rẫy những người rất tệ trong việc tìm đường và định hướng, nhưng cũng có những người đối lập dường như luôn biết chính xác mình đang ở đâu và làm sao để đến được nơi mình muốn. Các nhà khoa học đôi khi đo lường khả năng điều hướng bằng cách yêu cầu ai đó chỉ về một vị trí khuất tầm nhìn - hoặc khó khăn hơn là bảo họ tưởng tượng ra mình đang đứng ở một nơi khác và chỉ hướng tới một vị trí thứ ba. Rõ ràng là một số người làm tốt hơn những người khác.

Bằng cách tận dụng công nghệ thực tế ảo và định vị GPS, các nhà khoa học có thể theo dõi hàng trăm, thậm chí hàng triệu người, đang cố gắng tìm đường trong những khu vực phức tạp, và đo lường mức độ thành công của họ. Các kết quả cho thấy khả năng định hướng phần nào được hình thành nhờ sự dạy dỗ.

Vào năm 2020, nhà tâm lý học phát triển Margherita Malanchini tại Đại học Queen Mary ở London đã theo dõi hơn 2.600 cặp song sinh cùng trứng và khác trứng điều hướng trong môi trường ảo để kiểm traxem khả năng định hướng có di truyền trong gia đình hay không. Kết quả là có, nhưng rất khiêm tốn. Thay vào đó, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng định hướng của mỗi người lại là những trải nghiệm độc đáo được tích lũy trong suốt cuộc đời. Điều này cho thấy kỹ năng định hướng chủ yếu được rèn luyện qua thực tế chứ không phải do bẩm sinh.

Một số yếu tố văn hóa có liên quan đến kỹ năng tìm đường của con người. Chẳng hạn, nhà thần kinh học nhận thức Hugo Spiers tại Đại học College London đã làm một thí nghiệm quy mô lớn trên trò chơi điện thoại Sea Hero Quest. Người chơi sẽ điều khiển thuyền để đến được các điểm checkpoint. Ứng dụng trò chơi yêu cầu người tham gia cung cấp dữ liệu nhân khẩu học cơ bản và gần 4 triệu người trên toàn thế giới đã tham gia.

Thông qua ứng dụng, các nhà nghiên cứu đo lường khả năng tìm đường bằng tổng quãng đường mà mỗi người chơi đi để qua tất cả các điểm checkpoint. Đến một level nào đó, người chơi phải bắn pháo sáng về hướng điểm xuất phát của họ - một bài kiểm tra tương tự như việc chỉ về một vị trí khuất tầm nhìn.

Theo Spiers, người chơi từ các nước Bắc Âu có xu hướng điều hướng tốt hơn một chút, có lẽ vì môn thể thao định hướng kết hợp chạy xuyên việt khá phổ biến ở những quốc gia này. Người dân ở khu vực nông thôn làm tốt hơn trung bình so với những người ở thành phố. Và trong số cư dân thành phố, những người từ các thành phố có mạng lưới đường phố hỗn loạn hơn, ví dụ như các khu phố cổ ở châu Âu, có khả năng định hướng tốt hơn so với những người từ các thành phố có quy hoạch bàn cờ, chẳng hạn Chicago. Điều này có thể do cư dân ở các thành phố bàn cờ không cần phải xây dựng bản đồ trong đầu phức tạp như vậy.

Rõ ràng, trải nghiệm sống của một cá nhân có thể là một trong những yếu tố quyết định lớn nhất đến khả năng định hướng của họ. Chúng thậm chí có thể là lý do đằng sau một trong những phát hiện nhất quán nhất (và cũng là định kiến dai dẳng nhất) về định hướng - rằng đàn ông thường định hướng tốt hơn đàn bà. Hóa ra, khoảng cách giới trong lĩnh vực này phụ thuộc nhiều vào văn hóa và trải nghiệm sống hơn, thay vì năng lực giới tính bẩm sinh.

Ví dụ như ở các nước Bắc Âu, nơi bình đẳng giới đạt mức cao nhất, gần như không có sự khác biệt về khả năng định hướng giữa nam và nữ. Ngược lại, ở những nơi phụ nữ gặp phải hạn chế về văn hóa trong việc tự mình khám phá môi trường xung quanh, chẳng hạn như các nước Trung Đông, thì nam giới lại có khả năng định hướng vượt trội hơn hẳn so với nữ giới.

Tính cách dường như cũng đóng một vai trò trong việc phát triển khả năng định hướng. Để điều hướng tốt, bạn phải sẵn sàng khám phá. Một số người không thích đi lang thang hay ra ngoài đường, nhưng cũng có một số người lại rất thích đi chơi, đạp xe hay đi bộ đường dài. Người chơi nhiều trò chơi điện tử cũng có thể định hướng tốt, vì nhiều hoạt động trong đó liên quan đến việc khám phá không gian ảo.

Nguồn: CoolHunting.

Các kỹ năng cho việc định hướng

Một người định hướng giỏi sẽ phát triển những kỹ năng đặc thù cần thiết, chẳng hạn như khả năng ước lượng khoảng cách đã đi, khả năng đọc và nhớ bản đồ (cả bản đồ giấy và bản đồ tinh thần), khả năng nắm lộ trình dựa trên một loạt điểm mốc, và khả năng xác định vị trí tương đối của các địa điểm.

Tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu hiện nay tập trung vào hai kỹ năng phụ: đi đường theo các điểm mốc (ví dụ rẽ trái ở cây xăng, đi thẳng ba dãy phố, rẽ phải ngay sau khi gặp ngôi nhà màu đỏ) và lập, sử dụng bản đồ trong đầu để tới một địa điểm cụ thể.

Trong hai kỹ năng này, đi theo tuyến đường là nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều, và hầu hết mọi người đều thực hiện khá tốt sau khi đã đi qua vài lần. Lập bản đồ trong đầu thì khó hơn. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu tất cả những người định hướng kém đều chỉ đơn giản là yếu kém về kỹ năng xây dựng bản đồ tinh thần, hay một số người bị lạc đường có thể đang gặp vấn đề với các kỹ năng phụ khác của việc định hướng, chẳng hạn như ghi nhớ các điểm mốc hoặc ước lượng khoảng cách đã đi.

Dù bằng cách nào đi chăng nữa thì liệu những người định hướng kém có thể làm gì để cải thiện tình hình? Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Một số luyện tập đơn giản có vẻ như có hiệu quả, và trên thực tế nó đã được chứng minh trong các phòng thí nghiệm. Chỉ mất khoảng hai tuần để thấy được những tiến bộ đáng kể về việc cải thiện kỹ năng định hướng trong không gian ảo. Nhưng liệu người đó có thực sự trở thành những người định hướng tốt hơn, hay chỉ đơn giản là giỏi hơn trong việc tìm đường trong những môi trường ảo cụ thể thì vẫn chưa rõ ràng.

Ngược lại, người ta có thể chắc chắn về một việc: Điều gì sẽ xảy ra nếu ngừng sử dụng các kỹ năng điều hướng trên thực tế. Ví dụ, trong một nghiên cứu công bố trêntạp chí Scientific Reports năm 2020, một nhóm 50 thanh niên thường xuyên lái xe đã được hỏi về kinh nghiệm lái xe khi dùng định vị GPS. Sau đó, họ được yêu cầu điều hướng trên môi trường ảo (dĩ nhiên, không thể dùng tới GPS). Kết quả cho thấy, những người đã dùng GPS càng nhiều thì trí nhớ không gian của họ càng suy giảm theo thời gian.

Một cuộc kiểm tra lại trên 13 người vào ba năm sau đó cũng khẳng định sự phụ thuộc vào GPS gây giảm kỹ năng định hướng khi không dùng GPS, chứ không phải kỹ năng kém dẫn đến việc sử dụng GPS nhiều hơn.

Theo Knowable Magazine

Bài đăng số 1288 (số 16/2024) KH&PT