Vào ngày 6/3/1457, James II – vua của Scotland từ năm 1437 cho đến khi qua đời vào năm 1460 – đã ban hành một đạo luật cấm công dân chơi bóng đá và golf. Nguyên nhân là do người dân Scotland thường xuyên chơi chúng trên đường phố và sân nhà thờ, thay vì luyện tập kỹ năng bắn cung để tham gia khóa huấn luyện quân sự bắt buộc.
Lệnh cấm nêu rõ: “Không một khu vực nào trong cả nước được phép chơi bóng đá, golf hoặc các môn thể thao vô bổ khác, vì lợi ích chung và để bảo vệ đất nước”.
Lệnh cấm này là văn bản đầu tiên đề cập đến một trò chơi gọi là golf. Thuở ban đầu, người ta chơi golf ở nhiều địa điểm khác nhau. “Đầu tiên là chơi ở ngoài trời, trên những khu đất rộng lớn. Người chơi cũng có thể đánh bóng trên các đường phố của một thị trấn, ngôi làng, hoặc thậm chí là sân nhà thờ”, Rand Jerris, cựu Giám đốc Bảo tàng và Thư viện Golf USGA, cho biết. Vì vậy, các nhà sử học đã phân biệt hình thức chơi golf trên những địa điểm có diện tích nhỏ hẹp ở Scotland vào những năm 1500 gọi là “golf ngắn”, và loại còn lại được chơi trên những mảnh đất lớn hơn gọi là “golf dài”.
Trong cuốn sách dạy tiếng Latin mang tên “Vocabula” được xuất bản vào năm 1636, tác giả David Wedderburn – hiệu trưởng Trường Ngữ pháp Aberdeen (Scotland) – đã có những mô tả sớm nhất về trò chơi golf, và lần đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “lỗ golf”. Người chơi sẽ đánh bóng bằng nhiều gậy khác nhau đến một lỗ trên mặt đất từ những khoảng cách xa.
St. Andrews: Quê hương của golfNăm 1502, vua James IV của Scotland bãi bỏ lệnh cấm golf sau khi bản thân cũng tham gia vào môn thể thao này. Một số tài liệu ghi nhận Mary Stuart – nữ hoàng cai trị Scotland từ năm 1542 đến năm 1567 – là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới biết chơi golf.
Năm 1552, Tổng Giám mục John Hamilton cấp quyền cho người dân chơi golf tại thị trấn St.Andrews (Scotland), nơi chứng kiến sự ra đời của các sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn giống như hiện nay. Thị trấn St.Andrews cũng là nơi có những sân golf lâu đời nhất thế giới, chẳng hạn như sân Old Course nằm trên vùng đất ven biển đầy cát. Chính vì lẽ đó, St.Andrews còn được mệnh danh là quê hương của golf.
“Không có tài liệu nào ở những năm 1500 chỉ ra tầm quan trọng của St. Andrews, nhưng cho đến khi có các văn bản mô tả về sân golf thì địa điểm này được coi là ví dụ tuyệt vời nhất về một sân golf nên trông như thế nào”, Jerris nhận định.
Hình ảnh đầu tiên về trò chơi golf xuất hiện trong bức tranh vẽ thị trấn St. Andrews có niên đại từ thập niên 1740. Hình ảnh cho thấy bốn người đang chơi golf và hai nhân viên phục vụ trên sân.
“Mọi sân golf trên thế giới đều bắt chước các địa hình tự nhiên xuất hiện trên bờ biển Scotland”, Jerris cho biết. “Nhiều sân golf tuyệt vời của Mỹ như Oakmont và Winged Foot đã vay mượn các yếu tố cảnh quan của Scotland, sắp xếp và tái tạo chúng theo kiểu phong cảnh của Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp, các sân golf không hình thành một cách tự nhiên”.
Những quy tắc chơi golf đầu tiên Năm 1744, Hiệp hội những người chơi gôn ở Edinburgh đã viết ra 13 quy tắc chơi golf đầu tiên cho giải đấu của họ diễn ra tại Leith Links, Edinburgh (Scotland). Trong 100 năm tiếp theo, 13 quy tắc này đã có hơn 30 câu lạc bộ áp dụng. Tuy nhiên, một số câu lạc bộ vẫn duy trì cách chơi của riêng họ.
Cộng đồng chơi golf không có bất kỳ nỗ lực nào để thống nhất cách chơi cho đến khi Câu lạc bộ Golf Hoàng gia và Cổ đại St.Andrews (R&A) đưa ra bộ quy tắc tiểu chuẩn đầu tiên vào năm 1899. Trong cùng khoảng thời gian này, Hiệp hội Golf Mỹ (USGA) được thành lập tại thành phố New York. Các quy tắc chơi golf của USGA có sự tương đồng đáng kể với các quy tắc mà R&A đưa ra, và hai tổ chức này khi đó dần trở thành hai cơ quan quản lý chính của môn thể thao golf.
Golf có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không?St. Andrews có thể được mệnh danh là “quê hương của golf”, nhưng vào đầu những năm 2000, các nhà sử học Trung Quốc tuyên bố tổ tiên của họ đã chơi môn thể thao này từ rất lâu trước người Scotland.
Cụ thể là vào năm 2006, một cuộc triển lãm ở Bảo tàng Di sản Hồng Kông đã trưng bày bằng chứng cho thấy người Trung Quốc cổ đại đã chơi một phiên bản của golf gọi là “chuiwan”, hoặc “trò chơi đánh bóng” từ năm 1368. Bằng chứng này nằm trong một phần phóng to của bức tranh giấy “Bữa tiệc mùa thu” có niên đại từ thời nhà Minh, miêu tả những người chơi trong cung đình đang đánh quả bóng về phía một lỗ trên sân cỏ. Buổi triển lãm cũng trưng bày một cuốn sách mang tên “Wan Jing” (Sách hướng dẫn về trò chơi bóng) được xuất bản vào năm 1282. Cuốn sách đề cập đến các quy tắc cho một trò chơi giống như golf.
Tuy nhiên, nhà sử học Jerris tỏ ra nghi ngờ về những kết luận rút ra từ cuộc triển lãm. “Nhiều nền văn hóa đều có một trò chơi liên quan đến gậy và bóng. Câu hỏi đặt ra là những yếu tố nào cần phải có để chúng được gọi là golf”, Jerris nói. “Những người trong bức tranh Bữa tiệc mùa thu chơi trong một sân kín, nơi họ đánh bóng về phía mục tiêu – đôi khi đó là một lỗ trên mặt đất, đôi khi không phải vậy. Điều đặc biệt là người chơi chỉ sử dụng một gậy đánh bóng duy nhất. Vì vậy, nếu một phần định nghĩa của bạn về trò chơi golf là họ phải sử dụng nhiều cây gậy chuyên biệt cho từng cú đánh cụ thể thì bạn sẽ không gọi nó là golf”.
Golf phổ biến trên toàn cầuSự phổ biến của golf bắt đầu vượt ra ngoài Scotland vào thế kỷ 18. Đầu tiên nó lan truyền sang Anh và Pháp khi lượng khách du lịch giữa các quốc gia ngày càng tăng. Sau đó, nó nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu và các thuộc địa của Anh như Úc, New Zealand, Canada, Singapore, Nam Phi. Cũng trong thế kỷ 18, golf dần trở nên thịnh hành tại Mỹ khi số lượng người nhập cư Scotland và lính Anh tăng lên, theo History Cooperative.
Môn thể thao golf không xuất hiện trong Thế vận hội hiện đại đầu tiên diễn ra tại Athens, Hy Lạp vào năm 1896.Nguyên nhân là do ở Hy Lạp không có sân golf. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi tại Thế vận hội lần thứ hai diễn ra ở Paris, Pháp vào năm 1900. Trò chơi golf đã trở thành môn thi đấu chính thức giữa cả nam và nữ. Bốn quốc gia tham dự cuộc thi golf trong Thế vận hội lần thứ hai là Hy Lạp, Anh, Pháp và Mỹ.
Kể từ thế kỷ 20 đến nay, nhiều giải đấu golf đã diễn ra trên khắp thế giới.Các câu lạc bộ golf bắt đầu thu hút khá nhiều người tham gia, đặc biệt là các doanh nhân và giới thượng lưu.