Hiện tượng trẻ trong độ tuổi vị thành niên văng tục không còn mới lạ, thậm chí có xu hướng gia tăng.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ văng tục. Đầu tiên, ngày nay, trẻ tiếp xúc với nhiều từ bậy hơn. Chúng xuất hiện trên mạng xã hội, trong các bộ phim, bài hát hay từ chính những người xung quanh, bao gồm gia đình, bạn bè hay thậm chí người qua đường. Điều này khiến trẻ quen với lời chửi và có thể nghĩ rằng văng tục là bình thường.
Thứ hai, trẻ có thể coi việc văng tục như một cách khẳng định bản thân. Giai đoạn vị thành niên đến cùng câu hỏi “tôi là ai” khiến trẻ đi tìm những hình mẫu để noi theo. Với sự bùng nổ của các kênh cá nhân, hình mẫu của trẻ em hoàn toàn có thể là những nhân vật chọn cách gây ấn tượng bằng những lời nói tục tĩu, do đó trẻ có khả năng sẽ học và nói theo.
Thứ ba, văng tục đôi khi là một cách giúp trẻ hòa nhập. Trong giai đoạn tìm hiểu bản thân và thế giới, trẻ cần cảm giác được thuộc về nên sẽ cố gắng tham gia một nhóm nào đó và nếu bạn bè xung quanh văng tục nhiều, trẻ có khả năng bắt chước để không cảm thấy lạc lõng.
Thứ tư, trẻ có thể đã trải qua nhiều sự cố nghiêm trọng như bị bắt nạt hay thất bại ở trường học, bị bạo hành (thể chất hoặc tinh thần) ở nhà, mâu thuẫn với bạn bè hoặc anh chị em… mà không được hỗ trợ giải quyết. Khi cảm xúc liên quan đến những sự cố đó như tức giận, đau khổ, tuyệt vọng, uất ức kẹt lại trong trẻ, chúng buộc phải tự tìm cách xả ra và văng tục là một cách trong số đó.
Văng tục có thể gây tổn thương cho cả người khác lẫn bản thân trẻ, nhất là khi trẻ không kiểm soát được hành vi của mình. Người nghe phải lời chửi cảm thấy bị xúc phạm; còn trẻ có nguy cơ bị đánh giá, xa lánh, tổn hại mối quan hệ. Với những trẻ trải qua những sự cố nghiêm trọng, thói quen văng tục có thể khiến trẻ càng cô độc hơn, vì thế càng tăng nặng các cảm xúc tiêu cực sẵn có.
Bố mẹ nên làm gì Điều đầu tiên bố mẹ có thể làm khi thấy con văng tục là nhìn nhận lại môi trường gia đình và cách cư xử của các thành viên. Cần nhớ rằng, gia đình là xã hội đầu tiên trẻ tham gia và các thành viên trong gia đình là những hình mẫu đầu tiên trẻ noi theo. Nếu muốn trẻ không văng tục, người lớn ở nhà (không chỉ bố mẹ mà còn ông bà, họ hàng) phải tự kiểm soát hành vi này. Nếu ai đó trong nhà lỡ lời, cần cho trẻ lời giải thích, xin lỗi và nỗ lực thay đổi để không văng tục nữa.
Lưu ý, trong giai đoạn vị thành niên, bộ não vẫn đang hoàn thiện. Phần thùy trán, tức là nơi liên quan đến lý luận, dự đoán, lên kế hoạch và ra quyết định, vẫn còn phát triển khiến trẻ chưa thể kiểm soát tốt, thường phản ứng ngay theo cảm xúc mà không nghĩ tới hệ quả. Điều đó có nghĩa, bố mẹ không nên lập tức đánh giá, trách mắng hay trừng phạt khi con văng tục. Thay vào đó, hãy bình tĩnh nhắc con rằng đây là hành vi không đúng mực, sau đó dành thời gian trò chuyện với con để tìm hiểu động cơ đằng sau lời chửi bậy.
Nếu con văng tục vì chưa biết điều hòa cảm xúc, bố mẹ hãy hướng dẫn con các cách ứng phó phù hợp hơn. Ví dụ, nếu con cáu giận, con nên trì hoãn một chút bằng cách đi uống một cốc nước mát. Nếu con văng tục để hòa nhập, phụ huynh hãy cho con thấy bản thân con có những giá trị riêng và những người bạn thực sự sẽ trân trọng những giá trị đó. Khi hướng dẫn con, phụ huynh cố gắng kiên nhẫn và thỉnh thoảng nhắc lại cho trẻ. Đừng mong trẻ nhớ và áp dụng ngay những điều mình dạy bởi đây là điều khó khả thi.
Trường hợp con chia sẻ hoặc bố mẹ nghi ngờ con gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn, hãy gợi ý trẻ đi tham vấn – trị liệu tâm lý. Sự hỗ trợ chuyên nghiệp sẽ cho trẻ một nơi an toàn để giãi bày, giải quyết cảm xúc, đồng thời giúp bố mẹ hiểu và ứng phó tốt hơn với các khó khăn của con.