Máy điện báo là một thiết bị sử dụng xung điện để truyền tải qua dây dẫn hoặc sóng vô tuyến những thông điệp đã được mã hóa. thật bất ngờ Người đầu tiên chế tạo một máy điện báo hoàn chỉnh là một họa sĩ chứ không phải kỹ sư hay nhà vật lý.
Samuel Finley Breese Morse sinh ra ở Charlestown, bang Massachusetts (Mỹ) vào năm 1791. Morse là con trai của một mục sư địa phương. Ông được đào tạo để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, thay vì trở thành một nhà khoa học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1810, ông chuyển đến sống tại Anh để nghiên cứu nghệ thuật và hoạt động như một họa sĩ lưu động chuyên vẽ chân dung trong khoảng 10 năm. Ông từng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của mình tại Học viện Hoàng gia Anh vào năm 1813.
Điều đáng nói là trong thời gian học đại học, Morse không chỉ yêu thích hội họa mà còn cảm thấy hứng thú với vật lý, đặc biệt là lĩnh vực điện và từ. Chính niềm đam mê này đã giúp ông sáng chế thành công máy điện báo, tạo ra một cuộc cách mạng truyền thông toàn cầu.
Máy điện báo hoạt động dựa trên mối quan hệ giữa từ tính và điện. Trong những năm đầu thập niên 1790, nhà khoa học người Ý Alessandro Volta chế tạo pin điện đầu tiên trên thế giới có khả năng sản sinh dòng điện một chiều ổn định. Năm 1820, nhà vật lý người Đan Mạch Hans Christian Oersted phát hiện dòng điện có khả năng làm lệch hướng một chiếc kim la bàn đặt gần đó. Nguyên lý này là cơ sở nền tảng của máy điện báo, thiết bị sử dụng xung điện để truyền tải qua dây cáp những thông điệp đã được mã hóa. Năm 1825, nhà phát minh William Sturgeon tạo ra nam châm điện đầu tiên. Hai nhà vật lý người Anh William F. Cooke và Charles Wheatstone sử dụng thành tựu trên để phát triển một nguyên mẫu sơ khai của máy điện báo vào năm 1837.
Năm 1832, trong chuyến đi từ châu Âu về Mỹ trên con tàu Sully, Morse tình cờ được nghe về một phát minh mới là nam châm điện. Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng chế tạo một máy điện báo hoàn chỉnh có khả năng truyền thông tin ở khoảng cách xa.
Năm 1835, Morse chế tạo thành công máy điện báo đầu tiên, và ông mất thêm vài năm nữa để hoàn thiện sáng chế của mình cùng hai đồng nghiệp Alfred Vail và Leonard Gale. Máy điện báo hoạt động nhờ mã Morse, trong đó mỗi chữ cái và chữ số được biểu thị thành các dấu chấm (dot) và dấu gạch ngang (dash). Người gửi tin nhắn trước tiên cần mã hóa tin nhắn dạng văn bản theo mã Morse. Đoạn mã này sau đó được chuyển đổi thành xung điện thông qua các phím điện báo di chuyển lên xuống nhằm đóng hoặc ngắt mạch điện giữa pin [của máy phát] và máy thu. Tín hiệu truyền đi trong dây dẫn dưới dạng một chuỗi các xung điện. Cuối cùng, máy thu ở đầu dây bên kia sẽ chuyển đổi xung điện thành các dấu chấm và dấu gạch ngang như lúc đầu để người nhận tin có thể hiểu được.
Trong suốt thế kỷ 20, công nghệ điện báo dần được thay thế bởi các dịch vụ liên lạc đường dài giá rẻ khác, chẳng hạn như điện thoại, fax và Email.
Vào ngày 6/1/1838, máy điện báo của Morse lần đầu tiên được trình diễn tại Xưởng Cơ khí Speedwell Speedwell ở Morristown, bang New Jersey. Máy điện báo của Morse sau này được ứng dụng rộng rãi vì nhiều lý do, trong đó đáng chú ý nhất là phương thức hoạt động đơn giản và chi phí chế tạo tương đối thấp. Theo thời gian, mã Morse do ông phát triển cũng dần trở thành ngôn ngữ chính của điện báo trên toàn thế giới. Tín hiệu mã Morse được nhiều người biết đến nhất là dot dot dot dash dash dash dot dot dot dot (SOS) biểu thị tình huống nguy hiểm và yêu cầu trợ giúp [dot là dấu chấm và dash là dấu gạch ngang].
Năm 1843, Morse nhận được tài trợ của Chính phủ Mỹ để xây dựng một hệ thống điện báo nhỏ dọc theo tuyến đường sắt giữa Washington, DC và Baltimore. Ngày 24/5/1844, ông gửi đi thông điệp điện báo đường dài đầu tiên với nội dung được trích dẫn từ Kinh Thánh: “What hath God wrought!”. Hiện nay, bức điện báo này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Viện Smithsonian ở Washington, DC.
Sau khi xảy ra một cuộc chiến pháp lý với đồng nghiệp Vail tại Tòa án Tối cao Mỹ, Morse cuối cùng đã được cấp bằng sáng chế cho máy điện báo vào năm 1854. Sau đó, một số công ty tư nhân mua lại bằng sáng chế của Morse và xây dựng các hệ thống đường dây điện báo liên lục địa đầu tiên.
Năm 1869, hệ thống điện báo đã đủ khả năng kết nối bờ Đông và bờ Tây của nước Mỹ. Bên ngoài văn phòng báo chí ở các thành phố lớn của Mỹ, người dân thường tụ tập để nghe kết quả những trận thi đấu bóng chày trong giải đấu World Series, hoặc xem kết quả bầu cử truyền qua điện báo. Đầu những năm 1900, Công ty Điện báo Western Union thành lập hàng nghìn văn phòng tại các thị trấn lớn, nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu liên lạc của người dân.
Máy điện báo nhanh chóng trở thành công cụ liên lạc chính của thế giới – một công cụ không chỉ liên kết các thành phố và quốc gia với nhau, mà còn là phương tiện để liên lạc với những người thân yêu ở xa.
Máy điện báo đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự. Nó lần đầu tiên được sử dụng tại thành phố Varna trong Chiến tranh Crimea năm 1854. Người ta cũng áp dụng rộng rãi công nghệ điện báo trong cuộc Nội chiến Mỹ (American Civil War), và Abraham Lincoln trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên chỉ đạo quân đội trên chiến trường từ Nhà Trắng [Trước đó, các Tổng thống phải chờ đợi nhiều ngày và đôi khi hàng tuần để biết tin tức từ các cuộc chiến tranh xa xôi].
Vào thời điểm diễn ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, người dân Mỹ luôn sợ hãi mỗi khi nhìn thấy người đưa tin của Western Union, bởi vì quân đội Mỹ lúc đó dùng điện tín để thông báo về cái chết của binh lính cho người thân.
Trong khi điện báo truyền qua dây dẫn từ lâu đã được thay thế bởi các công nghệ mới, mã Morse hiện nay vẫn được các chuyên gia và những người nghiệp dư sử dụng dưới hình thức điện báo vô tuyến.
Những đóng góp của Morse cho xã hội không chỉ nằm ở việc sáng chế ra máy điện báo. Ông còn thành lập Học viện Thiết kế Quốc gia tại Thành phố New York để thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật ở Mỹ và chủ tịch đầu tiên của tổ chức này gần 20 năm. Ông cũng giúp thành lập trường Đại học Vassar College và hai lần ra ứng cử thị trưởng thành phố New York nhưng không thành công. Ông qua đời tại thành phố New York vào ngày 2/4/1872, hưởng thọ 81 tuổi.