Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) có thể là thành trì cuối cùng của một số loài động vật sắp tuyệt chủng.

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà nằm ở trung tâm cao nguyên Langbiang, trên địa bàn huyện Lạc Dương và Đam Rông thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 50 km theo tỉnh lộ 723.

Từ tháng 10/2019, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đã hợp tác với Viện Sinh thái học miền Nam và Viện nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz (Đức) để tiến hành một cuộc khảo sát sử dụng bẫy camera (camera-trapping) trên quy mô lớn đầu tiên, áp dụng với toàn bộ Vườn quốc gia. Dữ liệu đầu tiên thu được từ bẫy camera trong phạm vi nghiên cứu cho thấy sự đa dạng đặc biệt cao của động vật có vú, theo đó phát hiện ít nhất 21 loài động vật có vú, trong đó có 7 loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu.

“Chúng tôi rất vui mừng khi tìm thấy cộng đồng động vật có vú đa dạng như vậy”, TS. Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, cho biết. “Các loài động vật quý hiếm đã tuyệt chủng ở những nơi khác ở Việt Nam vẫn sinh trưởng tốt trong các khu rừng ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Khu bảo tồn này không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn có vai trò quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu”.

Cầy vằn. Nguồn: Leibniz-IZW

Kết quả quan trọng nhất của cuộc khảo sát là những hình ảnh về loài mang gạc lớn (danh pháp: Muntiacus vuquangensis) - một loài mang thuộc họ hươu nai có nguy cơ tuyệt chủng cao, hiện chỉ tìm thấy trong vùng sinh thái ở dãy Trường Sơn.

Các nhà khoa học về bảo tồn cho rằng phần lớn loài mang gạc lớn ở đây đã tuyệt chủng. Những bức ảnh đầu tiên về loài động vật này được chụp vào năm 2017 đã chứng minh đánh giá của các nhà khoa học rằng Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có thể là một trong những thành trì cuối cùng của loài động vật sắp tuyệt chủng này.

Bên cạnh đó, camera cũng ghi lại hình ảnh của loài cầy vằn (Chrotohale owstoni) - một loài đặc hữu ở dãy Trường Sơn đang đứng trên bờ tuyệt chủng do nạn săn bắt trộm tràn lan.

“Hiện nay chúng tôi đã khảo sát một nửa khu bảo tồn và thu được 7 tài liệu về loài này. Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà là một trong số ít khu bảo tồn có nhiều tài liệu về loài cầy vằn như vậy”, ông Nguyễn Thế Trường An, điều phối viên dự án, đồng thời là nghiên cứu sinh ở Leibniz-IZW cho biết. “Dữ liệu cho thấy một quần thể cầy vằn khỏe mạnh đang sinh sống trong Vườn quốc gia”.

Một trong những kết quả bất ngờ nhất là một loạt hình ảnh về cá thể nhím bạch tạng. Mặc dù loài nhím còn tương đối nhiều trong các khu bảo tồn ở Việt Nam, nhưng nhím bạch tạng cực kỳ hiếm thấy.

Các nhà khoa học cũng rất bất ngờ trước số lượng lớn các bức ảnh về loài gấu chó (Helarctos malayanus) vốn cực kì hiếm trong tự nhiên, một phần vì đa số bị bắt đến những trang trại nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam. Bức ảnh cuối cùng về một con gấu chó trong tự nhiên được chụp cách đây gần 20 năm ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Những bức ảnh mới mang đến hy vọng cho loài gấu chó ở Việt Nam, mặc dù nạn săn bắt trộm đang ảnh hưởng đến điều này: trong các bức ảnh thu được, có một con gấu chó bị thương nặng ở chân do mắc phải bẫy săn.

“Ở Việt Nam, nạn săn bắt trộm là nguyên nhân chính gây ra mất mát đa dạng sinh học. Sự hiện diện của các động vật hoang dã đặc hữu ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà so với các khu bảo tồn khác ở dãy Trường Sơn cho thấy tầm quan trọng và giá trị của khu bảo tồn này”, TS. Andreas Wilting, nhà khoa học ở Leibniz-IZW, nhận xét.

Nguồn: