Cuốn sách của Kimberly Reynolds - cuốn sách đầu tiên giới thiệu khái quát, toàn diện về nghiên cứu văn học trẻ em trên thế giới được xuất bản ở Việt Nam - không chỉ lý giải vì sao cần nghiên cứu văn học thiếu nhi mà còn làm rõ những phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng trên thế giới.

Ở Việt Nam hiện chưa có công trình nào giới thiệu khái quát, toàn diện về nghiên cứu văn học trẻ em trên thế giới. Các trung tâm nghiên cứu ở các viện và trường đại học có xuất bản sách về văn học thiếu nhi như Bách khoa thư văn học thiếu nhi (Vân Thanh – Nguyên An), Văn học thiếu nhi Việt Nam (Vân Thanh), Giáo trình Văn học trẻ em (Lã Thị Bắc Lý), Văn học thiếu nhi Việt Nam thời kì hội nhập (Lã Thị Bắc Lý)… nhưng phần lớn là những nghiên cứu cụ thể thông qua việc khảo sát các tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước. Việc thiếu vắng những công trình nghiên cứu mang tính lí thuyết căn bản, tạo dựng một “khung” nghiên cứu chung trên những phương diện lớn về văn học trẻ em để hỗ trợ các nhà nghiên cứu Việt Nam là một thực tế đã kéo dài từ nửa sau thế kỉ XX đến nay.

Trong bối cảnh đó, cuốn sách Nhập môn văn học trẻ em của Kimberly Reynolds do nhóm tác giả Phạm Phương Chi, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Diệu Linh dịch, xuất hiện như một công trình lý thuyết quan trọng, cần thiết, mở ra bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu văn học trẻ em trên thế giới.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 4/2024. Nguồn: TGCC
Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 4/2024. Nguồn: TGCC

Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 4/2024, dày 223 trang, gồm sáu chương. Tác giả Reynolds là giáo sư về văn học trẻ em, người có niềm tin rằng văn học trẻ em “đóng một vai trò đầy sức mạnh trong việc hình thành nên cách chúng ta nghĩ và hiểu về thế giới” (tr.18).

Ở Chương 1, thông qua việc khái lược về sách xuất bản bằng tiếng Anh cho trẻ em, tác giả chỉ ra “lịch sử văn học cho trẻ em vẫn được cho là bắt đầu từ thế kỉ XVII với cuốn Thế giới hiện hữu trong tranh (Orbis Sesualium) của nhà cải cách giáo dục người Séc, John Amos Comennius)”, xuất bản lần đầu năm 1658 bằng tiếng Đức và một năm sau được dịch ra tiếng Anh. Khái niệm “văn học trẻ em” dù chưa thật thống nhất giữa các quốc gia nhưng ở Anh và Mỹ thuật ngữ này hiện nay dùng để chỉ “văn bản hướng đến đối tượng trẻ em từ khoảng 0 đến 16 tuổi” (tr.52).

Cũng ở Chương 1, tác giả đã khái lược lịch sử văn học trẻ em từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XX, khi sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông mới đã ảnh hưởng trực tiếp đến “hình thức, định dạng và kĩ thuật kể chuyện viết cho trẻ em” (tr.44). Lúc này, truyện trẻ em không chỉ tồn tại ở hình thức văn bản trên giấy mà còn được chuyển thể thành phim và phim truyền hình; được viết để đọc trên đài phát thanh; được ghi trên đĩa than, băng âm thanh, đĩa CD; hoặc được định dạng dưới dạng CD-ROM, tiểu thuyết điện tử và trực tuyến. Những phương tiện truyền thông mới đã tác động đến cách viết truyện của nhà văn, cách thức và địa điểm tiếp cận của độc giả, thậm chí tác động đến cả ý nghĩa của việc đọc những tác phẩm văn học trẻ em.

abc
Nghiên cứu văn học trẻ em là “một cách để suy ngẫm về quá khứ của bản thân hoặc quá khứ của tập thể”. Nguồn: INT

Tại sao lại cần nghiên cứu văn học trẻ em và có những phương pháp nghiên cứu nào đã được sử dụng trên thế giới là nội dung của Chương 2.

Reynolds chỉ ra, bởi tất cả những người lớn đều từng là trẻ em và sách dành cho trẻ em thường viết về thời thơ ấu nên “chúng có khả năng tái – gắn kết người lớn với những đứa trẻ mà họ từng trải qua trong quá khứ” (tr. 56). Đọc tác phẩm văn học trẻ em là một con đường trở lại thời thơ ấu, đặc biệt khi người lớn đọc với mục đích nghiên cứu và giảng dạy, “các văn bản này có thể toả sáng ở nhiều cấp độ khác nhau” (tr.56). Ngoài ra, các văn bản dành cho trẻ em có khả năng mở ra “những ý tưởng về “thời thơ ấu” của các quốc gia cũng như về thời thơ ấu của cá nhân” nên một lí do quan trọng khác cho thấy cần nghiên cứu văn học trẻ em, vì đó chính là “một cách để suy ngẫm về quá khứ của bản thân hoặc quá khứ của tập thể” (tr.59).

Văn học trẻ em đã được nghiên cứu bởi nhiều phương pháp khác nhau. Từ những phương pháp tiếp cận đầu tiên ở thế kỉ XIX, đến nay, nghiên cứu văn học trẻ em đã có một hệ thống các phương pháp đa dạng như phương pháp phân tâm học và tâm lý học; phương pháp tiếp cận ngôn ngữ học, tự sự học và phong cách học; cách tiếp cận lịch sử và theo chủ nghĩa lịch sử; cách tiếp cận hậu thuộc địa, lý thuyết hồi ứng và lý thuyết tiếp nhận; các lý thuyết quy chiếu đến trẻ em; đọc các văn bản trực quan…

Chương 2 giúp người đọc hình dung sự vận động mạnh mẽ của việc nghiên cứu văn học trẻ em trên thế giới, quá trình này đã “đưa tác giả và tác phẩm dành cho trẻ em đi từ vùng ngoại vi của nghiên cứu học thuật vào địa hạt bên trong của lĩnh vực này” (tr.98), tức là tiến dần vào dòng chính của nghiên cứu văn học.

Chương 3 và 4 mô tả sự dịch chuyển các thể loại văn bản cho trẻ em và trường hợp câu chuyện của gia đình, qua đó, giúp người đọc nhận diện các thể loại viết cho trẻ em, sự thay đổi của thể loại khi thời đại thay đổi. Cụ thể, có thể nói tới việc các phương tiện kĩ thuật số ngày càng được sử dụng nhiều hơn để truyền tải câu chuyện dưới dạng trò chơi máy tính và văn bản trực tuyến như truyện phóng tác hoặc siêu văn bản, số hóa các văn bản đã có và sản xuất các chương trình đọc sách điện tử kết hợp với nhiều trò chơi và hoạt động đa dạng đã mang đến nhiều thay đổi trong văn học trẻ em. Các câu chuyện về gia đình từ thế kỉ XIX tới thế kỉ XX có xu hướng “thế tục hoá” và đề cập tới “sự suy giảm uy quyền của cha mẹ” (tr.136).

Chương 3 và 4 còn cung cấp những kiến thức đa dạng đi cùng với những phân tích tỉ mỉ, kĩ lưỡng cho thấy văn học trẻ em có một “đời sống” riêng, độc đáo, với nhiều vận động và biến đổi trên cả hai phương diện hình thức và nội dung.

Chương 5 đề cập tới các cuốn sách tạo dựng hình dung về “tương lai đáng sợ”, “báo hiệu cái chết”, “các tương lai thảm kịch – sinh thái”… Những hình dung có phần dữ dội này chưa hoặc ít được các nhà nghiên cứu ở Việt Nam nhắc đến trong các công trình khoa học xuất bản trong nước.

Chương 6 mang tính đối thoại cao khi gợi ra những tranh luận về đạo đức trong văn học trẻ em, chẳng hạn, “văn học trẻ em như là một sự tuyên truyền” (tr. 171), “đạo đức của quyền lực” (tr. 176), “chơi đẹp” (tr. 179)… Những tranh luận này đang trở thành “mê cung” phức tạp khi giờ đây, ngày càng “ít có sự tách biệt giữa việc viết cho người lớn và viết cho trẻ em” (tr.189).

Dù tên sách là Nhập môn văn học trẻ em nhưng có thể thấy, công trình của Kimberly Reynolds không chỉ dừng lại ở những kiến thức nhập môn mà mang đến một hệ thống kiến thức vừa khái quát vừa sâu sắc với những luận giải khoa học. Cuốn sách cũng mang tính đối thoại cao qua độ mở của các tri thức và các nhận định mà nó cung cấp, qua tính thời sự của những vấn đề đặt ra, đúng như tác giả chia sẻ trong Lời cảm ơn rằng “Cuốn sách này là kết quả của nhiều năm giảng dạy và đối thoại với nhiều sinh viên cũng như đồng nghiệp”.