Từ đại ngàn, vị chúa sơn lâm uy dũng “bước” vào văn học dân gian, văn học trung đại và tiếp tục có mặt trong thơ văn hiện đại của Việt Nam, cho thấy sự gắn bó của con người với loài mãnh thú này trong quá trình tương sinh tương khắc với tự nhiên.

Hiếm có động vật nào hội tụ cả sức mạnh và vẻ đẹp, sự hung bạo cũng như nên thơ, vừa ẩn mình nhẫn nại cũng như phô diễn sức mạnh tuyệt đối khi thời cơ đến, vừa được kính yêu, tôn thờ nhưng đồng thời cũng là nỗi khiếp sợ của con người như loài hổ.

Được gọi tên theo nhiều cách khác nhau như: hổ, hùm, cọp, lệnh, ông kễnh, chúa sơn lâm, ông ba mươi, chúa rừng xanh…, hình tượng hổ xuất hiện từ xa xưa, gắn bó với đời sống của con người, đặc biệt là những quốc gia châu Á, nơi phân bố chính của hổ trên thế giới.

Ở Việt Nam, hình tượng hổ chủ yếu được thể hiện qua nghệ thuật hội họa, điêu khắc và văn học. Nếu hội họa và điêu khắc phần lớn cho thấy vẻ đẹp, sức mạnh, oai linh của chúa sơn lâm thì qua văn chương, hình tượng hổ biến hóa hết sức đa dạng, cho thấy ngay từ rất sớm, người Việt đã ý thức về mối quan hệ giữa nhân tính và thú tính, giữa hoang dã và phát triển.

Sự tích con Hổ là truyện cổ tích Việt Nam, kể về nguồn gốc ra đời của loài Hổ cũng như tên gọi Ông Ba Mươi và danh hiệu Chúa tể sơn lâm của loài Hổ.

Hình tượng hổ và quan niệm nhân quả

Trong văn học dân gian Việt Nam, hình tượng hổ xuất hiện qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn khá đậm nét. Để khắc họa sức mạnh, những tai họa mà hổ mang tới, nỗi sợ của con người khi đối diện với hổ có nhiều câu thành ngữ như: Cưỡi lên lưng hổ, Sa vào miệng cọp, Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận, Ký ca ký cóp cho cọp nó xơi…

Hình tượng hổ cũng có mặt trong chuyện ăn tưởng hết sức đời thường: Ăn như hùm như hổ hay Nam thực như hổ, nữ thực như miêu. Nói về kẻ độc ác, hung dữ với con mình, dân gian ví còn ác hơn hổ bởi Hổ dữ không ăn thịt con; nói về kẻ bất tài, lợi dụng uy danh của người khác có câu: Cáo mượn oai hùm; nói về sự bất lực của bậc chính nhân quân tử khi thất thế có câu: Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn hay Trời sinh hùm chẳng có vây/Hùm mà có cánh hùm bay lên trời…

Tranh Ngũ hổ Hàng Trống.

Các tích truyện dân gian xuất hiện hình tượng hổ cũng không ít như: Ông nghè hóa cọp, Người hóa hổ, Trí khôn ta đây… Trong đó, Ông nghè hóa cọp kể chuyện một anh nhà giàu hống hách về vinh quy bái tổ, sau khi đỗ đạt nhờ dùng tiền lo lót. Khi đoàn rước nghỉ chân tại một khu rừng, ông nghè thấy nóng nên xuống suối tắm. Tắm xong khắp mình ngứa ngáy, lông lá mọc đầy và biến thành cọp. Từ đó, con cọp chuyên rình bắt người qua đường, trở thành nỗi khiếp sợ của khách bộ hành. Nhưng con cọp vẫn nhớ người, nhớ quê, thỉnh thoảng “trong đêm khuya thanh vắng người ta còn nghe nó khóc thút thít”1. Một hôm gặp anh người làng, nó kể lại sự tình, nhờ anh chăm sóc mẹ già, vợ con rồi từ đó đi hẳn vào sâu trong rừng rậm, không ăn thịt người qua lại nữa. Truyện Người hóa hổ kể về một anh hàng nồi ở Thanh Hóa, thường qua lại bán hàng ở vùng núi Tam Điệp, Ninh Bình, bị đi lạc, được một ông già dẫn về nhà nghỉ qua đêm, tỉnh dậy anh thấy ông già là một con hổ lớn và bản thân mình cũng bị biến thành hổ. Từ đó, anh phải đi săn mồi về cho hổ chúa. Nhưng anh nhớ gia đình, vợ con. Một hôm, anh trở lại làng cũ, quẩn quanh góc sân nhìn vợ dại, con thơ. Khi anh về rừng, hổ chúa tức giận cắn xé, lớp da hổ rách toạc, anh hàng nồi trở lại làm người bỏ chạy và thoát khỏi móng vuốt hổ. Sau này, anh kể lại khi là hổ thì “ăn ngủ, đi lại đều giống hổ, duy chỉ có tâm địa mình thì không phải loài thú mà thôi”2.

Thời trung đại, Vũ Trinh có truyện Con hổ có nghĩa, khá nổi tiếng, truyện sau này được đưa vào Sách giáo khoa Ngữ văn 6 dạy ở Trung học cơ sở. Truyện kể về bà mụ Trần đỡ đẻ cho hổ cái, được hổ trả ơn một cục bạc lớn, nhờ đó mà bà mụ qua được cơn mất mùa đói kém. Truyện còn kể về một bác tiều phu ở huyện Lạng Giang đã gỡ giúp hổ khúc xương bò mắc ngang họng gây đau đớn. Hổ nhớ ơn, sau này săn được gì cũng mang một phần biếu bác. Khi bác tiều phu mất, hổ đến trước mộ dụi đầu vào quan tài đau đớn. Ngày giỗ bác, hổ luôn tha lợn hay dê đến trước cửa nhà. Dân làng ai cũng khen hổ là con vật có tình, có nghĩa.

"Mâm ngũ quả đón Nhâm Dần" của họa sĩ Lê Thiết Cương, chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó. Tác giả theo đuổi phong cách hội họa tối giản, lồng ghép hình ảnh mâm ngũ quả đặc trưng ngày Tết vào trong bụng con hổ.
Hình tượng hổ trong văn học dân gian và văn học trung đại xuất hiện khá đậm nét, việc hổ bắt người, hổ nhờ người giúp đỡ, người hóa hổ phản ánh rõ đời sống con người thời đó rất gần gũi với rừng. Con người thấy mình qua hình ảnh của tự nhiên, cả sức mạnh cũng như nỗi sợ, nỗi buồn, nhắc nhau biết sống có trước có sau qua hình tượng chúa sơn lâm biết đền ơn đáp nghĩa; răn dạy và cảnh báo nếu sống ác, sống dữ trước sau gì cũng hóa cọp, đánh mất nhân tính mà phải bỏ đời sống con người để trốn chạy vào rừng. Hình tượng nhân hổ ở văn học dân gian và trung đại phản ánh lối suy nghĩ mộc mạc, quan niệm nhân quả rõ nét của người bình dân và con người thời đó.

Những mất mát trong quá trình phát triển xã hội

Hình tượng hổ đi vào văn, thơ Việt Nam hiện đại như một sự tiếp nối của truyền thống. Bài thơ nổi tiếng nhất viết về con hổ không thể không nhắc tới là Nhớ rừng của Thế Lữ. Mượn hình tượng một con hổ, vị chúa tể muôn loài rơi vào cảnh sa cơ, lỡ bước, bị nhốt trong cũi sắt nơi vườn bách thú, nhà thơ bày tỏ khao khát tự do mãnh liệt và tâm sự yêu nước cháy bỏng của mình trong hoàn cảnh đất nước đau thương. Sau Thế Lữ, nhà thơ tài hoa Quang Dũng, cũng có những câu thơ tái hiện cái hoang sơ, dữ dội, khắc nghiệt mà người lính Tây Tiến phải đối diện: Chiều chiều oai linh thác gầm thét/Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người (Tây Tiến). Khác với hai nhà thơ tiền bối, tác giả Thụy Anh lại viết về hai chú hổ nhỏ đang đợi mẹ về với những câu thơ hết sức dịu dàng: “Áp tai liếm láp/Chải lông thật mềm/Sửa soạn đón mẹ/Cũng vừa hết đêm/Tiếng gầm dữ dội/Phía núi xa xôi/Mẹ gọi mình đấy/Dịu dàng quá thôi/” (Ngóng mẹ - Thụy Anh). Có thể thấy, từ những góc nhìn khác nhau, mỗi nhà thơ lại khám phá một vẻ đẹp riêng của hổ, từ đó gửi gắm những nỗi niềm, những tâm tư thật phong phú và sinh động.

Ngoài ba tác giả trên, khó có thể tìm thêm nhà thơ nào khác viết về hổ. Ngược lại, trong văn xuôi đương đại, hình tượng hổ khá đa dạng. Có thể kể tới: Tìm mẹ (Nguyễn Huy Tưởng), Chuyện cái xóm tha hương ở cửa rừng Suối Cát và con hùm con mồ côi (Nguyên Hồng), Ông Pồn và chú hổ con (Ma Văn Kháng), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Mùi cọp (Quý Thể)…

Ở Đất rừng phương Nam, hình tượng hổ gắn liền với sức mạnh hoang dã, đầy đe dọa của thiên nhiên, hổ là tai ương, là cái chết thách thức con người trong cuộc chiến đấu một mất một còn. Thậm chí, hổ chưa đến, chỉ nghe tiếng con chim thiêng kêu báo hiệu nó sắp xuất hiện cũng khiến cả khu rừng im bặt, tiếng chim vang rất xa “như một thứ tiếng ngân vang kim loại, một thứ tiếng đồng, tiếng sắt xé tan màn đêm, làm thức tỉnh và kinh hoàng tạo vật”3. Cậu bé An và tía nuôi khi đi rừng lấy mật ong, bắt rắn đã nhiều lần chạm trán với hổ. Chú Võ Tòng đã từng bị hổ vồ suýt mất mạng, sau này, một mình chú hạ tới hai mươi con hổ. Như vậy, Đất rừng phương Nam cho thấy mối quan hệ tương sinh tương khắc giữa con người và tự nhiên; trong đó, sức mạnh hoang dã, mang tính hủy diệt của tự nhiên phải khuất phục trước tài trí của con người nhỏ bé. Nhưng những con người hiểu và thuần phục được tự nhiên như tía nuôi An, như chú Võ Tòng vẫn phải dè chừng một đối tượng nguy hiểm hơn cọp dữ. Khi An hỏi: “Con gì mà nguy hiểm hơn cọp hở tía?” Tía trả lời: “Thằng Tây chứ con gì nữa!”4.

Cùng ý tưởng về sự tham ác, hung dữ của con người, Tìm mẹ của Nguyễn Huy Tưởng tiếp nối mạch truyện của dân gian khi xây dựng hình tượng tên chúa đất độc ác bị biến thành hổ dữ.

Ngược lại, truyện về hổ của Ma Văn Kháng và Nguyên Hồng lại kể về sự yêu thương, chăm sóc của con người đã biến hổ dữ thành đứa trẻ ngoan hiền, thành con vật tình nghĩa, quấn quít với con người. Giống như ông Pồn trong truyện của Ma Văn Kháng, bà cụ Trong ở cái xóm tha hương với tấm lòng hiền hậu, ấm áp đã cưu mang, nuôi dưỡng con hổ con mồ côi như nuôi một đứa trẻ mất mẹ tội nghiệp. Bà cụ nghĩ “Hùm ở trong rừng là hùm dữ, hùm về tay người là chó hiền”5. Con hùm con lớn lên trong tình yêu thương, trong sự dạy bảo vừa ân tình, dịu dàng vừa nghiêm khắc của bà cụ và nó là một con hổ hiền như tên bà cụ đặt. Câu chuyện còn diễn biến với nhiều tình tiết gay cấn và phức tạp nhưng đều tập trung khắc họa tình yêu thương sâu sắc giữa con người và con hổ, sự chí tình của con hổ với người, hổ và người cùng đồng hành trên đường đời gian truân, hiểm ác.

Bên cạnh hình tượng hổ trong tự nhiên, truyện ngắn Mùi cọp của nhà văn Quý Thể lại mang tới hình tượng hổ trong không khí hiện đại của thành phố. Những con hổ xuất hiện trên sân khấu xiếc, ngoan ngoãn thực hiện màn biểu diễn đặc sắc dưới sự điều khiển của một người con gái nhỏ nhắn, xinh đẹp. Sức mạnh tự nhiên đã bị khuất phục, quy thuận bởi sự dịu dàng và trí tuệ thông minh của con người. Nhân vật tôi - giáo sư của một trường đại học - đã bị chinh phục hoàn toàn trước vẻ đẹp rực rỡ, đầy sức sống của cô diễn viên luyện hổ. Và sau đó là cuộc hôn nhân hạnh phúc nếu cô diễn viên xiếc/người vợ không mang theo mùi cọp, mùi ác thú vào tận phòng ngủ của hai người. Mùi cọp là truyện ngắn giàu kịch tính, mang tới nhiều thông điệp về tình yêu, về giá trị, về sự không tương xứng giữa học thức và nhận thức, giữa vị kỉ và vị tha… Nhưng thông điệp chính, như tên gọi của tác phẩm, xoay quanh hình tượng hổ. “Mùi cọp” chính là “thẻ” nhận diện bạn hay thù, bởi lẽ “Con vật, nhất là cọp, nó không nhận biết bằng mắt mà bằng mũi. Một mùi lạ có nghĩa là một kẻ thù”6. Biết vậy, nhưng cô vợ để chiều lòng chồng đã tẩy mùi cọp trên cơ thể bằng mùi nước hoa hồng. Con cọp dữ không nhận ra người bạn diễn quen thuộc, tai nạn thảm khốc đã diễn ra, cô diễn viên đã trả giá bằng chính mạng sống của mình. Mùi cọp cho thấy xã hội càng hiện đại, thì quan hệ giữa con người và tự nhiên càng mong manh, dễ vỡ. Hay nói cách khác, để có sự hòa hợp tuyệt đối giữa hoang dã và văn minh là điều không tưởng. Luôn tồn tại ranh giới mà con người khó có thể vượt qua. Mất mát, loại trừ trong quá trình phát triển xã hội là điều khó tránh khỏi.

Đầu thế kỉ XXI, văn chương đương đại hầu như vắng bóng hình tượng hổ. Điều đó cũng phản ánh thực tế, đời sống càng hiện đại, văn minh, con người càng rời xa thiên nhiên, nhất là cuộc sống hoang dã. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, văn hóa kéo theo tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến diện tích rừng ngày một thu hẹp và có nguy cơ biến mất. Hổ bị săn bắn giết hại tới mức có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Loài vật oai phong, uy dũng, biểu tượng cho sức mạnh, giá trị và vẻ đẹp này trong tương lai có thể chỉ còn trong kí ức, trong tưởng tượng của con người hiện đại7.n

Chú thích:
(1) https://truyencotich.vn/truyen-dan-gian/nghe-hoa-cop.html
(2) Hoàng Oanh (kể), Người hóa hổ, Nxb Mỹ Thuật, H., 2011.
(3) Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam, tr.183.
(4) Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam, tr.189.
(5) Nguyên Hồng, Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 2013, tr.31.
(6) https://vietmessenger.com/books/?title=mui%20cop
(7) Theo thống kê năm 2001, quần thể hổ trong toàn quốc ước tính còn trên 100 cá thể. Tuy vậy, năm 2011, điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cảnh báo số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 27 - 47 cá thể. Nghiêm trọng hơn, số liệu cập nhật năm 2016 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) cho thấy số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam còn dưới 5 cá thể và được đánh giá là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. https://baotainguyenmoitruong.vn/can-bao-dam-sinh-canh-va-con-moi-khi-tai-tha-ho-ve-tu-nhien-307777.html, 28.7.2020.