Niềm tin mê tín và các nghi thức thu hút may mắnTrong suốt tiến trình lịch sử, con người đã thử nghiệm nhiều cách khác nhau để thu hút vận may và quan trọng hơn là tránh tai họa. Một số ví dụ phổ biến về các nghi thức nhằm tạo ra vận may bao gồm mang theo bùa may mắn, thì thầm mong ước lên một chiếc lông mi rụng, thổi nến bánh sinh nhật,... trong khi những hành động để tránh vận rủi bao gồm gõ vào gỗ và ném muối qua vai.
Ngoài ra, một số người sẽ không làm những việc mà họ tin rằng sẽ mang lại xui xẻo, chẳng hạn như tránh đi bộ bên dưới gầm của một chiếc thang hoặc tránh làm bất kỳ điều gì liên quan đến con số 13. Có lẽ bạn cũng có một nghi thức đặc biệt nào đó mà bạn cảm thấy nó mang lại may mắn hoặc thúc đẩy thành công trong cuộc sống. Nếu vậy, bạn không phải là người duy nhất, và một số nghiên cứu cho thấy những niềm tin mê tín như vậy có thể mang lại một số lợi ích về mặt tâm lý.
Các nhà khoa học đã tìm hiểu vai trò của mê tín trong cuộc sống chúng ta. Họ phát hiện những niềm tin này thường dựa trên suy nghĩ rằng các sự kiện và hành động không liên quan có mối liên hệ với nhau theo một cách nào đó, mục đích chính của chúng có lẽ là giúp con người đạt được mục tiêu và thu hút may mắn.
Ví dụ, cầu thủ bóng đá mặc một chiếc áo bên trong có in hình ảnh con gái của mình vào ngày mà anh ta thi đấu rất tốt, sau này anh bèn mặc chiếc áo đó trong mọi trận đấu và thậm chí có thể không giặt. Trong trường hợp này, hành động mặc lại chiếc áo, lặp lại trong nhiều trận là một nỗ lực nhằm kiểm soát số phận và kéo dài chuỗi chiến thắng.
Nhưng liệu kiểu suy nghĩ mê tín như vậy có thực sự hữu ích không? Nhìn chung, điều này vẫn chưa rõ ràng. Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Psychological Science vào năm 2010, các nhà khoa học tạiĐại học Cologne (Đức) đã quan sát các học sinh thực hiện cú đánh bóng golf. Nhóm nghiên cứu thông báo với một nửa số người tham gia là quả bóng golf mà họ cầm trên tay có thể mang lại sự “may mắn”. Kết quả cho thấy, những người tin rằng họ có quả bóng may mắn đã thực hiện cú đánh bóng tốt hơn so với những người được cho biết họ có quả bóng bình thường, hoặc quả bóng không may mắn. Do đó, niềm tin mê tín trong một số trường hợp nào đó có thể tăng cường sự tự tin và nâng cao hiệu suất hoạt động.
Một số nhà khoa học tin rằng các hành vi mê tín cũng đóng một vai trò nhất định trong quá trình tiến hóa, bởi vì con người không phải là loài duy nhất có những hành vi như vậy. Trên thực tế, ngay cả động vật cũng biểu hiện hành vi mê tín. Năm 1948, nhà tâm lý học hành vi, Burrhus Frederic Skinner đã tiến hành một thí nghiệm mang tên “Sự mê tín ở chim bồ câu”. Một nhómchimbồ câu đói được cho ăn bằng máy vào những khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày. Skinnernhận thấy trước khi ăn, một số con chim đã có hành động kỳ lạ – chúng liên tục thực hiện những hành động kỳ quặc giống nhau như xoay tròn hoặc lắc đầu. Những con chim tin rằng hành động này sẽ mang lại thức ăn, dù thực tế không phải như vậy. Vào cuối thí nghiệm, có tới 3/4 sốchimđã phát triển hành vi mê tín độc đáo của riêng mình.
Đối với con người, niềm tin mê tín vào các nghi thức nhằm thu hút may mắn tuy có thể mang lại một số lợi ích tâm lý nhất thời, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều tác hại. Nhiều nghi thức đòi hỏi thời gian, công sức và thậm chí cả tiền bạc. Niềm tin mù quáng vào các nghi thức may mắn có thể dẫn đến lo âu, căng thẳng và thậm chí là rối loạn tâm lý. Ví dụ, một số người có thể lo lắng rằng họ sẽ gặp xui xẻo nếu không thực hiện các nghi thức may mắn nhất định, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
May mắn và sự tình cờ Người ta thường nghĩ rằng thành công của một người là do năng lực, nhưng may mắn cũng đóng vai trò quan trọng.
May mắn có nhiều ý nghĩa khác nhau, và đối với một số người, có sự khác biệt giữa “luck” (may mắn) và “serendipity” (sự tình cờ theo chiều hướng tốt lành hoặc có lợi). May mắn nằm ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân và nó xảy ra dù bạn muốn hay không, trong khi sự tình cờ không hoàn toàn ngẫu nhiên như may mắn. Mặc dù cả hai đều có yếu tố bất ngờ, nhưng sự tình cờ có thể chịu tác động bởi những yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, ít nhất là ở một mức độ nào đó.
Trên thực tế, nhiều khám phá khoa học quan trọng được thực hiện một cách tình cờ, xuất phát từ những ý tưởng nảy sinh trong lúc nghiên cứu hoặc thí nghiệm.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the Association for Information Science and Technology vào năm 2014, các nhà khoa học Anh đã hỏi 14 chuyên gia sáng tạo về cách họ làm để tình cờ gặp nhiều điều thú vị hoặc hữu ích mà không chủ định tìm kiếm nó. Kết quả cho thấy những người tham gia này liên tục thay đổi thói quen, làm việc ở các địa điểm khác nhau, nhạy bén quan sát và thực hiện các thay đổi nhỏ trong môi trường làm việc để tránh bị mắc kẹt trong những mẫu hành vi cũ.
Tư duy may mắn Một số người có vẻ may mắn hơn những người khác – nhận định này là đúng hay sai?
“Sự may mắn có thể là kết quả từ suy nghĩ và thái độ của họ”, Richard Wiseman, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hertfordshire (Anh), nhận định. “Những người may mắn tuân theo bốn nguyên tắc dường như làm gia tăng vận may của họ”.
Thứ nhất là sự cởi mở với các cơ hội. Wiseman cho biết, những người may mắn có kỹ năng tạo ra, nhận thấy và nắm bắt các cơ hội thông qua việc mở rộng mạng lưới quan hệ, có thái độ thoải mái với cuộc sống và đón nhận những trải nghiệm mới.
Thứ hai, những người may mắn cũng thể hiện khả năng lắng nghe và tin tưởng vào trực giác của họ. Họ nâng cao trực giác bằng cách thiền định và loại bỏ những suy nghĩ lan man ra khỏi tâm trí.
Một yếu tố khác mà người may mắn có xu hướng thể hiện là niềm tin lạc quan vào tương lai. Niềm tin này giúp họ kiên trì đối mặt với thất bại và định hình các tương tác của họ với người khác theo hướng tích cực.
Cuối cùng, những người may mắn biết cách đối mặt với những tình huống khó khăn và xui xẻo một cách tích cực. Thay vì chìm đắm trong sự tuyệt vọng hay than vãn về những điều không may, họ tưởng tượng rằng những điều tồi tệ hơn nhiều có thể đã xảy ra, từ đó họ trân trọng những gì đang có, cảm thấy biết ơn hơn về những gì họ đang trải qua, và sau đó tìm cách giải quyết vấn đề.
Theo iflscience