Từ 6h đến 9h sáng 5/6, hơn 10.200 tia sét xuất hiện trên bầu trời Hà Nội, trong đó hơn 7.000 tia đánh xuống mặt đất, theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Sáng ngày 5/6, thông tin “454 cú sét đánh xuống mặt đất chỉ trong 10 phút ở Hà Nội sáng nay” được mạng xã hội chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Tin đồn không rõ nguồn gốc này xuất hiện trong lúc Hà Nội có mưa giông lớn, kéo dài kèm theo sấm sét liên tục. Một số người thậm chí coi đó là điềm gở hoặc dấu hiệu thảm họa.
Không lâu sau, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng thủy văn quốc gia (HYMETNET) thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra dữ liệu chính thức.
Theo đó, từ lúc 6-7h sáng, có hơn 3.500 tia sét trên bầu trời Hà Nội, trong đó hơn 2.300 tia đánh xuống đất. Khoảng 7-8h, hơn 4.000 tia sét hình thành thì gần 2.900 tia dội xuống đất. Khoảng 8-9h có hơn 2.600 tia sét thì hơn 1.800 dội xuống mặt đất. Trung bình, cứ 10 phút có hơn 470 tia sét đánh xuống đất. Khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa là nơi có sấm, sét dày đặc nhất.
Từ nhiều năm nay, trên website của mình,
HYMETNET luôn duy trì các bản đồ về tình hình phân bố mật độ sét, mưa, sấm chớp tại tất cả tỉnh thành của Việt Nam. Họ có 18 trạm định vị sét, có thể phát hiện sét trong dải từ 400-600 km, kể cả trên bờ và ngoài biển.
Ông Nguyễn Đức Phương - Trưởng phòng rada thời tiết của HYMETNET
cho biết, hiện tượng sấm sét ở Hà Nội ngày 5/6 không phải là bất thường. Giông sét thường xuất hiện vào tháng Năm - Sáu ở miền Bắc và mỗi cơn giông đầu mùa vẫn thường có hàng chục nghìn tia sét sinh ra. Mỗi năm, Việt Nam hứng 2 triệu tia sét. Trên một diện tích rộng, số lượng tia sét có thể rất lớn.
Chẳng hạn, chiều tối ngày 19/5, ở khu vực Nam Định, Thái Bình, Hà Nam có khoảng 100.000 tia sét; trong số đó, gần 32.000 tia sét đánh xuống đất, nghĩa là cứ 10 phút thì có khoảng 800-3.000 tia sét đánh xuống. Tương tự, ở Yên Bái, chỉ trong một giờ đồng hồ, có hơn 9.000 tia sét, trong đó gần 3.000 tia sét đánh xuống đất, trung bình là gần 500 tia sét/10 phút.
Như vậy, số lượng tia sét ở Hà Nội (450-470 tia sét/10 phút) là bình thường khi so sánh với hai đợt trên.
Bên cạnh đó, không phải tất cả hơn 7.000 tia sét dội xuống Hà Nội sáng nay đều có cường độ lớn. Có những tia sét có cường độ nhỏ, nhưng máy móc quan trắc cũng ghi nhận được. Cường độ sét khác nhau sẽ gây ảnh hưởng khác nhau đến cơ sở hạ tầng, lưới điện, con người. Do vậy, cần thêm thời gian để tính toán số lượng tia sét có thể gây thiệt hại.
Dự báo, miền Bắc tiếp tục mưa giông diện rộng trong một - hai ngày tới. Người dân cần đề phòng sét, mưa đá, lũ quét và sạt lở đất. Từ ngày 7/6, mưa giông giảm dần, chỉ còn cục bộ ở một số nơi.
Giông, sét và biến đổi khí hậu
Mỗi ngày, trên thế giới ghi nhận 8 triệu cú sét đánh, tức gần 100 cú sét đánh mỗi giây. Vào bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 2.000 cơn giông đang diễn ra.
Điều này sẽ kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi môi trường sống của các loài động, thực vật, con người trên khắp hành tinh.
Khi xảy ra giông, sét, mọi người cần chú ý:
Hạn chế sử dụng điện thoại, trừ trường hợp cần thiết; tránh các chỗ ẩm ướt như phòng tắm, bể nước, vòi nước vì đó là các vật dễ bị sét đánh lan truyền; ngắt các thiết bị điện để tránh bị điện giật, hỏa hoạn; tắt/cắt tạm thời các thiết bị điện; không đứng gần hoặc thò đầu ra ngoài cửa sổ, cửa chính và không được ở trên nóc nhà hoặc trên cây.
Nếu đang ở ngoài đường, cần dùng các vật dụng cứng che đầu và tìm ngay nơi tránh trú tại những công trình kiên cố có mái che; không trú mưa dưới các gốc cây to, gò cao và nơi có nước; tìm nơi thấp hơn, khô ráo để tránh; tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt, trạm biến áp, cột điện đường dây điện... bởi vì chúng là những thứ thu hút sét.
|