Ban đầu, Michel Siffre dự định mình sẽ ở dưới hang trong hai tuần. Nhưng sau đó ông đã kéo dài thành hai tháng, lên kế hoạch “sống như một con thú, trong bóng tối, không biết đến thời gian”.
Ở bên ngoài, báo chí thế giới đã đợi sẵn sự xuất hiện của ông. Siffre là một nhà địa chất, ban đầu ông lên kế hoạch thám hiểm để nghiên cứu sông băng. Nhưng rồi, ông đã nổi tiếng vì một điều hoàn toàn khác: nghiên cứu đầu tiên về phản ứng của con người khi sống trong hoàn cảnh không có thông tin về thời gian. Siffre là người đầu tiên chỉ ra rằng cơ thể chúng ta có đồng hồ riêng. Kể từ đó, thời sinh học đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu vô cùng quan trọng – về cơ bản là nghiên cứu về chu kỳ sống.
Công trình nghiên cứu của tiến sĩ Siffre, bao gồm khoảng thời gian tách biệt dưới vực thẳm của ông, đã thu hút sự chú ý của các cơ quan như NASA để tìm hiểu tác động của các sứ mệnh không gian kéo dài.
Trước tiến sĩ Siffre đã có một số thí nghiệm người sống ở trong hang. Vào năm 1938, một nhà nghiên cứu sinh lý học thuộc Đại học Chicago là Nathaniel Kleitman cùng trợ lý đã sống trong Hang Mammoth ở Kentucky trong 32 ngày. Mục đích của họ là nghiên cứu nhịp sinh học khi không có ánh sáng Mặt trời. Các kết quả từ nghiên cứu này được công bố trong cuốn sách “Sleep and Wakefulness”, xuất bản năm 1939.
Trong những năm 1960, tiến sĩ Siffređã thực hiện nhiều nghiên cứu về nhịp điệu giấc ngủ và giấc mơ với các tình nguyện viên đồng ý dành nhiều tháng trong hang động. Đôi khi chu kỳ ngủ-thức diễn ra rất cực đoan. Vào năm 1964, một người đàn ông tình nguyện tham gia (với chiếc micro gắn trên đầu) đã ngủ hơn 33 tiếng đồng hồ. Tiến sĩ Siffre sợ rằng người này có thể đã tử vong. “Và rồi tới tiếng 34, ông ta bắt đầu ngáy”, tiến sĩ Siffre nhớ lại.
Vào năm 1972, tiến sĩ Siffre khởi động một chuyến lưu trú lâu hơn dưới lòng đất, kéo dài 205 ngày ở Hang Midnight gần Del Rio, Texas, trong một nghiên cứu do NASA và các cơ quan của Pháp tài trợ, bao gồm Bộ Quốc phòng. Họ đều quan tâm việc này có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của thủy thủ trong các nhiệm vụ dài trong tàu ngầm hạt nhân.
Trước đây, các nhà khoa học tin rằng chu kỳ sinh học của con người dài chính xác là 24 giờ. Nhưng tiến sĩ Siffre, với trải nghiệm độc đáo của mình, hẳn sẽ là người đầu tiên đứng ra phản đối.
Trong năm tuần đầu tiên, ông sống theo chu kỳ sinh học dài 26 tiếng. Vào ngày thứ 37, mà với ông là ngày 30, ông trải qua một quãng gián đoạn kỳ lạ khỏi nhịp sinh hoạt: ông trải qua một ngày vô cùng dài rồi ngủ 15 tiếng liền. Sau đó, mỗi ngày của ông biến động rất dữ dội, từ 26 tiếng cho tới đôi khi kéo dài 40 hoặc 50 tiếng.
Ngày 77, đôi tay ông “không còn đủ khéo léo để xâu chuỗi hạt” và tâm trí ông “gần như không thể xâu chuỗi các ý nghĩ lại với nhau”. Hai ngày sau, ông gọi đồng nghiệp ở trên và cầu xin được đi ra, nhưng ông thậm chí còn chưa đi được nửa chặng đường. Ông đã nghĩ tới chuyện tự tử, nhưng cuối cùng quyết định bỏ ý định này. Bởi nếu làm thế, cha mẹ ông sẽ phải trả khoản chi phí khổng lồ.
Vào ngày 160, ông nhìn thấy một con chuột và lập mưu bắt nó để có bạn đồng hành. Mười ngày sau, ông cố thử nhưng lỡ giết mất nó. “Nỗi cô độc đã nuốt chửng tôi”, ông viết.
“Đêm dưới lòng đất không phải đêm trong vũ trụ, ở đây bóng tối là tuyệt đối”, tiến sĩ Siffre kể với tờ
Le Monde. “Trong thế giới này mọi thứ là hư vô, thứ duy nhất tồn tại là các suy nghĩ của tôi”.
Thử nghiệm này kết thúc vào ngày 10/8, sau tròn sáu tháng, đúng như dự định. Ông ở lại lòng đất thêm một tháng nữa cùng các đồng nghiệp đã leo xuống để tiến hành kiểm tra. Cuối cùng, thị lực của ông đã yếu đi, khiến ông bị lác mắt vĩnh viễn.
Tiến sĩ Siffre đã thu thập các mẫu nước tiểu cho nghiên cứu về tác dụng lợi tiểu của bóng tối. Ông cắt râu mỗi ngày để nghiên cứu về nồng độ hormone. Ông cũng được phép thi thoảng bật đèn phát ra tia cực tím để theo dõi cách sử dụng Mặt trời mô phỏng trong các chuyến du hành vũ trụ dài ngày. Các bữa ăn của ông giống hệt như phi hành đoàn bay trên tàu Apollo 16.
Siffre bắt đầu thí nghiệm cô lập thứ ba và cũng là cái cuối cùng tại Pháp vào ngày 30/11/1999. Lúc ấy đã 60 tuổi, ông muốn tìm hiểu tuổi tác đã ảnh hưởng đến chu kỳ sinh học của mình như thế nào. Ông leo lên vào ngày 14/2/2000 - 76 ngày sau đó, mặc dù ông tin rằng hôm ấy là ngày 5/2.
Những lần thực nghiệm của tiến sĩ Siffre đã cho thấy trong cơ thể chúng ta có một chiếc đồng hồ tách biệt với nhịp sinh học do thiên nhiên thiết lập ứng với chu kỳ mặt trời mọc và lặn. Lý thuyết về hai hệ thống đồng hồ sinh học hoạt động song song có ý nghĩa không chỉ với du hành vũ trụ, mà còn với nghiên cứu về lão hóa, các kiểu ngủ tối ưu và các kích thích bên trong để hệ thống nội tiết giải phóng hormone.
Nguồn: