Trong tác phẩm 1493, Charles C. Mann không chỉ “khai quật” hành trình tìm ra châu Mỹ của Christopher Columbus, mà còn phân tích ảnh hưởng của nó đến nhiều phương diện đã định hình nên thế giới ngày nay, trong đó có phương diện đồng hóa sinh học.


Kế thừa công trình Ecological Imperialism (tạm dịch: Chủ nghĩa đế quốc sinh thái học) của nhà địa lý học kiêm sử gia Alfred W. Crosby, Charles C. Mann đã bàn đến cách mà những hệ sinh thái từ cựu lục địa tràn sang tân lục địa theo sau con thuyền của Columbus và ngược lại. Chính nó, “Cuộc trao đổi Columbus”, đã mang ngựa và táo tới châu Mỹ, ngô tới châu Phi, khoai lang tới Đông Á, khoai tây đến châu Âu, cùng với một lượng lớn các sinh vật ít quen thuộc hơn như côn trùng, cỏ, vi khuẩn và virus… Tuy vào thời kỳ đó, những người ở cựu lục địa không thể kiểm soát thứ mà mình mang theo, nhưng rõ ràng nhìn từ góc độ ngày nay, nó đã cho phép người châu Âu biến phần lớn châu Mỹ, châu Á và một phần nhỏ châu Phi thành những phiên bản sinh thái học của châu Âu - những môi trường mà họ có thể dễ dàng khai thác hơn dân bản địa, và là lý do khiến họ có mặt ở khắp các châu lục.

Thông qua tổng hợp, phân tích các nghiên cứu mang tính liên ngành giữa nhân khẩu học, sinh thái học, di truyền học, kinh tế học… và đặc biệt là Đại Tây Dương học - ngành học nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tương tác giữa các nền văn hóa nằm tiếp giáp với đại dương này - cũng như những nghiên cứu thực địa, tác giả đã hình thành nên bức tranh chung nhất về khởi nguồn của quá trình mở rộng thế giới.

“1493: Uncovering the New World Columbus Created” của Charles C.Mann được xuất bản lần đầu vào năm 2011. Trong ảnh: Bản tiếng Việt của cuốn sách. Ảnh: ĐTA
“1493: Uncovering the New World Columbus Created” của Charles C.Mann được xuất bản lần đầu vào năm 2011. Trong ảnh: Bản tiếng Việt của cuốn sách. Ảnh: ĐTA
Mở đầu cuốn sách, ông cho thấy những khó khăn mà người châu Âu phải đối mặt khi đặt chân đến châu Mỹ hoang sơ. Hẳn nhiên ban đầu là do sự thiếu thích nghi với điều kiện môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như việc họ - những người đầu tiên đến đây và bị bỏ lại khi Columbus quay về Tây Ban Nha xin thêm viện trợ - thiếu ăn đã tấn công, cướp bóc người bản địa, khiến mối quan hệ giữa hai “lực lượng” không mấy tốt đẹp. Ngoài ra, qua tìm hiểu nhật ký, thư từ và các phân tích giải trình tự gen của những gì đã được khai quật, tác giả cho thấy hóa ra những căn bệnh ký sinh khiến không ít người Tây Ban Nha gục ngã đến từ chính nơi họ đã ra đi. Họ đã nhiễm mầm bệnh từ trước rồi phát nặng khi đến đây. Đó chính là cách mà các vi sinh vật gây bệnh sốt rét và sốt vàng da lan đến châu Mỹ qua cuộc trao đổi Columbus.

Không chỉ bám theo ngả Đại Tây Dương, Mann còn lần theo ngả Thái Bình Dương để xem xét cách mà những đoàn tàu khổng lồ vận chuyển bạc từ vùng Hoa Kỳ nói tiếng Tây Ban Nha đến Trung Quốc. Trong phần này, ông giải thích vì sao Manila (Philippines), Nguyệt Cảng (Trung Quốc) và Potosí (Bolivia ngày nay) lại có vai trò quan trọng ở thế kỷ 16. Chẳng hạn, ông chỉ ra việc thay đổi đồng tiền liên tục và không có đường lối của các triều đại Trung Quốc, từ việc in ngân phiếu không giới hạn cho đến thay đổi đồng tiền theo các triều vua, dẫn đến chỉ qua một ngày, tài sản của người dân đã bốc hơi. Trước tình thế đó, người dân bắt đầu ưa dùng bạc thỏi để ngăn chặn thất thoát tài sản. Khi nhu cầu về bạc ngày càng lớn, tơ lụa, sứ… chất lượng cao bắt đầu được đem đổi lấy bạc từ những nơi có trữ lượng lớn như Potosí. Và khi triều đình Trung Quốc thực thi các chính sách bế quan tỏa cảng do e ngại giao thương không giới hạn sẽ dẫn tới hỗn loạn thì Manila dần trở thành nơi trao đổi trái phép của các thương nhân từ cả hai bên.

Năm 1492, sau khi vượt Đại Tây Dương, nhà thám hiểm người Ý, Christopher Columbus đã phát hiện một hòn đảo trong quần đảo Bahamas. Hình minh họa: History.com
Tháng Mười năm 1492, sau khi vượt Đại Tây Dương, nhà thám hiểm người Ý Christopher Columbus đã phát hiện một hòn đảo trong quần đảo Bahamas. Hình minh họa: History.com

Cuộc trao đổi Columbus còn ảnh hưởng đến cuộc cách mạng nông nghiệp vào cuối thế kỷ 17 và cuộc cách mạng công nghiệp từ đầu thế kỷ 19. Mann chọn khảo sát hai loài ngoại lai là khoai tây “siêu năng suất” được mang từ Andes đến châu Âu và cây cao su được di thực âm thầm từ Brazil đến Nam Á và Đông Nam Á. Từ loài thực vật có nhiều ưu điểm về dinh dưỡng cũng như tiến hóa theo những cách đảm bảo cho sự thích nghi hoàn hảo của mình, khoai tây đã có đóng góp rất lớn cho sự trỗi dậy của phương Tây bởi nó bảo đảm nguồn lương thực dồi dào và luôn sẵn có, phục vụ thiết thực cho công cuộc “mang văn minh đến nơi mọi rợ”. Trong khi với loài cao su, sau khi công nghệ lưu hóa được phát minh và có đóng góp vô cùng quan trọng cho cuộc cách mạng công nghiệp, thì “cơn sốt cao su” đã bùng lên khắp châu Mỹ vốn là xuất xứ của loài cây này. Xuất phát từ nhu cầu khổng lồ, nó dần được mang ra khỏi châu Mỹ để đến châu Á, trở thành một đại diện vô cùng điển hình trong cuộc trao đổi Columbus.

Mann cũng phân tích cách mà chế độ buôn bán nô lệ - một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất theo những con đường giao thương - được hình thành trong cuộc trao đổi Columbus. Nhiều thống kê cho thấy, đến khoảng năm 1700, khoảng 90% số người băng qua Đại Tây Dương là những người châu Phi bị bắt làm nô lệ. Sự dịch chuyển này khiến phần lớn đất đai châu Mỹ trong ba thế kỷ 16, 17, 18 bị thống trị bởi người châu Phi, người Anh-điêng và người Anh-điêng lai Phi (Afro-Indian). Sự tương tác giữa họ đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc màu như được thấy ở Mexico hoặc ven biển Caribe ngày nay. Mann cũng góp phần lý giải câu hỏi mà Alice Walker đặt ra trong cuốn tiểu thuyết Màu tím đoạt giải Pulitzer năm 1983 của mình, rằng vì sao những người châu Phi lại bán đồng loại làm nô lệ. Qua phân tích những quan niệm văn hóa cùng bối cảnh kinh tế - chính trị thời bấy giờ, Mann chỉ ra rằng, bán đồng loại là cách duy nhất để những người châu Phi có quyền và lực duy trì vị thế của họ, sau khi bị người da trắng thống trị.

Từ những góc nhìn và kiến giải độc đáo, cuốn sách của nhà báo và tác giả chuyên về chủ đề khoa học Charles C. Mann đã mang đến cho người đọc hình dung sống động về cuộc đồng hóa sinh học ở quy mô toàn cầu, một đặc điểm riêng có của Kỷ Nhân sinh, được mở ra từ hải trình khám phá thế giới mới của Columbus.