Ngày nay, chúng ta chẳng xa lạ gì với khái niệm du lịch y tế: đi chơi với mục đích chữa bệnh. Điểm đến điển hình cho loại hình này là Singapore, Thái Lan – những quốc gia có nền y học tiên tiến và/hoặc có giá dịch vụ phải chăng hơn nơi du khách sinh sống...
Tưởng rằng đây là một sản phẩm của thời hiện đại. Thế nhưng, từ hàng ngàn năm trước, con người đã không quản lặn lội đường xá xa xôi để được chăm sóc y tế.
Trong thế giới Hy Lạp và La Mã cổ đại, những người khổ sở vì ốm đau đã hành hương tới các ngôi đền đặc biệt được gọi là asklepieion – nơi thờ phụng á thần y học Asklepios (hoặc Asclepius), với hy vọng khỏe mạnh trở lại.
Trong thần thoại Hy Lạp, Asklepios là con của thần Apollo và công chúa hạ giới Coronis. Nhân mã Chiron thông thái – người thầy của biết bao vị anh hùng lừng danh như Heracles, Achilles – đã truyền cho Asklepios thuật chữa bệnh. Asklepios tài giỏi tới mức ông không chỉ chữa được bệnh cho người sống mà còn có khả năng hồi sinh người chết. Zeus – chúa tể của các vị thần – lo sợ Asklepios sẽ khiến con người trở nên bất tử nên đã giáng sét giết chết ông. Còn trong sử thi
Iliad của Homer, Asclepios không phải thần mà là người trần mắt thịt. Ông là bác sĩ và nhà phẫu thuật vĩ đại, đã điều trị cho những người lính bị thương trong Cuộc chiến thành Troy (giữa thế kỷ XII và XI TCN). Tuy nhiên, vào thời đại của Hippocrates (thế kỷ thứ V TCN), Asclepios được coi là một vị thần.
Đền thờ chữa bệnh asklepieion đầu tiên xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại vào đầu năm 500 TCN. Trong vài thế kỷ tiếp theo, hàng trăm ngôi đền như vậy đã đi vào hoạt động trên khắp Hy Lạp, khu vực Đông Địa Trung Hải và La Mã. Vị trí của các asklepieion thường nằm ở địa điểm lý tưởng, có thảm thực vật tươi tốt, quang cảnh dễ chịu và thư giãn, có nước chảy dồi dào, thậm chí có cả suối nước nóng. Ngoài các công trình linh thiêng để thờ cúng và chăm sóc sức khỏe, đền thờ còn có khu vực giải trí và rèn luyện cho bệnh nhân, bao gồm Nhà hát, Phòng hòa nhạc, Sân vận động, Trường đua xe ngựa, Phòng tập thể dục và Sới vật. Nơi đây cũng có phòng ăn và yến hội lớn để bệnh nhân dùng bữa, thưởng thức thịt của lễ vật dâng lên các vị thần. Ta có thể coi đây là những bệnh viện đầu tiên, chăm sóc sức khỏe toàn diện cả thân thể, tâm lý và cảm xúc cho bệnh nhân.
Đền thờ Asclepios, Epidaurus, Hy Lạp. Nguồn: Đại học Warwick
Phương pháp chữa trị cho những người bệnh mộ đạo kết hợp cả tâm linh và thuốc thang. Dưới nhãn quan hiện đại thì điều này thật kỳ quặc, nhưng phần chính trong quá trình điều trị là khách hành hương ngủ lại địa điểm linh thiêng trong trạng thái thôi miên. Các tư tế sẽ hướng dẫn họ với nghi lễ thanh tẩy, họ sẽ chìm vào giấc ngủ, chờ đợi thần Asklepios bước vào giấc mộng để chữa bệnh cho họ, hoặc ít nhất là cho họ lời khuyên về cách trị liệu.
Một trong những khách hành hương nổi tiếng nhất là Aelius Aristides – một nhà hùng biện ở thế kỷ II SCN. Khi quá ốm yếu tới không thể lên diễn thuyết, Aristides đã du hành tới asklepieion ở Pergamon.
Các học giả hiện đại khó mà chẩn đoán được Aristides đã mắc căn bệnh nào qua lời kể như vậy. Nhưng chúng ta biết được là ông đã ở lại Pergamon trong hai năm – một quãng thời gian dài bất thường – và được điều trị bằng nhiều phương pháp, trong đó có cách dựa trên diễn giải những giấc mơ mà ông có.
Các cách điều trị dựa trên giấc mơ khác của Aristides bao gồm tập thể dục, tắm nước lạnh, ăn một số loại thực phẩm nhất định và kiêng những loại khác. Khách hành hương cũng có thể uống thảo dược hoặc thuốc men, tắm suối nước nóng và tham gia một số nghi lễ tâm linh quan trọng. Aristides nhận thấy việc soạn thảo bài nói chuyện trong thời gian ở lại asklepieion có tác dụng trị liệu, ngay cả khi ông ốm quá nên không diễn thuyết được.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm xem liệu phương pháp thụt rửa bằng mật ong có tác dụng điều trị chứng viêm túi thừa cấp tính ở người và viêm loét đại tràng ở chuột hay không. Nghiên cứu ở người chưa bao giờ công bố kết quả, còn nghiên cứu ở chuột cho thấy mật ong làm giảm viêm đại tràng. Tuy nhiên, các nguồn tư liệu lịch sử đã cho thấy nhiều sự kiện diễn ra tại các asklepieion vô cùng lạ lùng và chúng ta không thể dễ dàng giải thích thông qua lăng kính khoa học hiện đại.
Tại asklepieion ở Epidaurus, chúng ta có thể biết rõ bệnh trạng và quá trình điều trị của những người tới đây cầu y hỏi dược qua các dòng chữ khắc cổ. Trong đó có một câu chuyện kỳ lạ về một phụ nữ tên Cleo đã mang thai tới... năm năm. Sau khi ngủ lại đền thờ, Cleo đã tỉnh dậy và hạ sinh một cậu con trai. Kỳ lạ thay, ngay khi vừa lọt lòng, đứa bé đã biết đi lại và tự tắm rửa. Tới đây chữa trị còn có những người hai mắt mù lòa hoặc suy giảm thị lực. Họ cho biết mình đã nằm mơ thấy thần Asklepios và vị thần nhân từ này đã rót thuốc vào mắt họ; rồi khi tỉnh dậy, đôi mắt họ trở nên sáng rỡ và nhìn thấy mọi vật.
Các dòng chữ khác cho biết những con rắn hoặc chó cũng tham gia chữa lành cho con người tại điện thờ bằng cách liếm các bộ phận gặp vấn đề trên cơ thể họ. Hẳn bạn sẽ thắc mắc vì sao lại là rắn? Theo truyền thuyết, loài động vật này từ lâu đã song hành với Asklepios, các bức vẽ vị thần cổ đại cho thấy ông cầm một cây gậy với con rắn uốn quanh.
Nhiều người hành hương khác cho biết họ được thần Asklepios phẫu thuật trong giấc mơ. Tuy nhiên, có một số cuộc tranh luận học thuật về việc liệu cuộc phẫu thuật có thực sự diễn ra tại các asklepieion hay không. Mặc dù các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dụng cụ phẫu thuật tại những điện thờ này, song có thể sự xuất hiện của chúng là do các bác sĩ dâng tặng dụng cụ cho nơi đây – theo Bronwen L. Wickkiser, giáo sư lịch sử cổ đại tại Trường Hunter, CUNY, tác giả của cuốn sách
Asklepios, Medicine, and the Politics of Healing in Fifth-Century Greece: Between Craft and Cult.
Chúng ta khó mà lý giải được những câu chuyện kỳ diệu như vậy từ góc nhìn hiện đại. Tuy nhiên, bất kể chuyện gì đã thực sự xảy ra ở các asklepieion, người dân thời đó đều vô cùng tin tưởng và tìm tới nơi đây để được chữa trị. Mạng lưới các điện thờ chữa bệnh như vậy đã kéo dài hàng trăm năm. Sự suy tàn của mạng lưới này có thể là do Cơ đốc giáo đã bành trướng khắp nơi. Tuy nhiên, dấu ấn của chúng vẫn tiếp tục tồn tại: hơn 2.500 sau, cây gậy và con rắn của Asklepios vẫn là biểu tượng của y học cho đến ngày nay.
Nguồn:
nationalgeographic, Le Infezioni in Medicina