Điều này cho thấy nguồn gốc của “nền kinh tế thị trường” xa xưa hơn nhiều so với dự kiến.
Vào Thời đại đồ đồng, người cổ đại thường chôn các kho kim loại xuống đất trên khắp châu Âu. Họ sẽ thu thập các món đồ bằng kim loại rồi chôn cùng hoặc giấu chúng ở một nơi đặc biệt như đầm lầy hoặc ranh giới. Đôi khi các kho chứa nhiều đồ vật, có kho chỉ lèo tèo vài món. Có lúc chúng chỉ chứa một loại đồ vật duy nhất, ví dụ như kho chứa hàng chục chiếc rìu có cùng hình dạng. Có lúc chúng chứa nhiều loại đồ vật khác nhau, thậm chí là mảnh vỡ của đồ vật. Dù không kho nào giống kho nào, nhưng chúng cho ta thấy thế giới Thời đại đồ đồng liên kết với nhau và đồ vật bằng đồng có giá trị đặc biệt ở hầu hết mọi nơi.
Nhưng vì sao người thời này lại chôn của cải dưới đất? Liệu đây có phải hành vi tôn giáo? Có phải họ giấu đi phế liệu trong thời kỳ xung đột hay cất giữ để tương lai sử dụng trong ngành gia công kim loại?
Trong bài báo Consumption patterns in prehistoric Europe are consistent with modern economic behaviour đăng trên tạp chí
Nature Human Behaviour, hai nhà khảo cổ Nicola Ialongo tại Đại học Aarhus (Đan Mạch) và Giancarlo Lago tại Đại học Bologna (Ý) đề xuất một cách hiểu khác về các kho chứa kim loại. Thay vì tập trung vào giả định tầng lớp tinh hoa cùng liên minh của họ đã định hình biến động của kim loại, họ gợi ý rằng các kho chứa cho thấy người dân thường đã góp phần vào thế giới liên kết trong Thời đại đồ đồng và lan rộng các món đồ bằng đồng trong thời đại này.
Ialongo nhấn mạnh rằng Thời đại đồ đồng không phải thời kỳ thanh bình khi những người tá điền sống dưới sự bảo trợ của các lãnh chúa. Thực tế, đây là thời kỳ mà mọi người chung tay quản lý gia đình, duy trì mạng lưới xã hội, tham gia vào các thị trường làm việc để kiếm sống.
Người châu Âu trong Thời đại đồ đồng, một thời kỳ kéo dài từ năm 3.300 tới năm 800 trước Công nguyên, không phải những người ghi chép sổ sách tỉ mỉ như người ở các xã hội cổ đại khác, chẳng hạn vùng Lưỡng hà. Nhưng hai nhà nghiên cứu Ialongo và Lago cho rằng những tiết lộ quan trọng về cuộc sống thường nhật của họ và nguồn gốc của hành vi kinh tế hiện đại của chúng ta có thể nằm trong các kho tàng chứa mảnh kim loại mà họ để lại.
Lago và Ialongo đã phân tích gần 25.000 món đồ từ các kho chứa được chôn ở Ý, Thụy Điển, Áo, Slovenia và Đức trong Thời đại đồ đồng. Các món đồ có nhiều hình dạng, nhưng vào khoảng năm 1.500 trước Công nguyên, chúng bắt đầu được chuẩn hóa theo trọng lượng, một bước chuyển mà nhiều chuyên gia tin rằng đây là một dạng tiền tệ trước khi tiền xu ra đời.
Nhóm nghiên cứu nhận định sự chuẩn hóa này cho thấy những mảnh đồng nhỏ với trọng lượng tiêu chuẩn có thể được dùng làm tiền tệ cho các giao dịch hằng ngày của một hộ gia đình bình thường, và ít xuất hiện các mảnh lớn, nặng hơn. Điều này có điểm tương đồng với hành vi kinh tế hiện đại, khi ta thường để trong ví nhiều tờ tiền lẻ và ít tờ tiền có mệnh giá cao.
Lago và Ialongo diễn giải những phát hiện này là bằng chứng cho thấy hệ thống kinh tế Thời đại đồ đồng được điều tiết bởi cáctác động cung-cầu thị trường, trong đó mọi người tham gia ở mức độ tương ứng với số tiền họ kiếm được. Giả thuyết này trái ngược với một quan điểm nổi tiếng mà nhà nhân chủng học Karl Polanyi đưa ra vào những năm 1940. Polanyi cho rằng các nền kinh tế hiện đại dựa trên lợi nhuận tiền tệ là một hiện tượng mới mẻ và khác biệt so với nền kinh tế cổ đại tập trung vào trao đổi hàng hóa, trao đổi quà tặng và địa vị xã hội.
Richard Blanton tại Đại học Purdue ở Indiana đánh giá nghiên cứu này đáng tin cậy. “Tôi nghĩ lập luận này sẽ thúc đẩy cuộc thảo luận giữa các nhà khảo cổ học và nhân chủng học kinh tế, những người đã vật lộn với các giả định sai lầm về sự cổ xưa của nền kinh tế thị trường trong nhiều thập niên”, ông nói. “Đối với tôi, bài báo này đưa ra một góc nhìn hoàn toàn mới về công dụng của các kho chứa đồng và tiềm năng sử dụng các mảnh đồng làm đơn vị trao đổi”.
Tuy nhiên, Erica Schoenberger tại Đại học Johns Hopkins ở Maryland lại tỏ ra hoài nghi trước kết luận mà nhóm đưa ra. “Thật mạo hiểm khi giả định rằng người dân trong thời tiền sử dùng tiền theo những cách kinh tế thông thường”, Schoenberger phản bác. “Chẳng hạn, các tá điền người Anh trong thời Trung cổ chỉ bắt đầu bán sản phẩm lấy tiền khi lãnh chúa đòi tiền thay cho phí thuê và tô thuế trả bằng hiện vật. Tá điền nộp hầu hết (có thể là tất cả) số tiền đó trực tiếp cho lãnh chúa. Họ bán sản vật để lấy tiền, nhưng họ không dùng tiền để mua đồ mình cần. Chúng ta vẫn còn cách rất xa hành vi kinh tế hiện đại [ở thời Trung cổ]”.
Lago và Ialongo hy vọng nghiên cứu của họ sẽ gợi ý cho các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác phát triển công trình tương tự trên hiện vật tới từ các khu vực và văn hóa khác nhau. Họ cho rằng kinh tế thị trường nảy sinh một cách tự nhiên qua thời gian và các nền văn hóa, và những hệ thống như vậy không phải phát minh đặc thù của xã hội phương Tây, mới xuất hiện trong vài thế kỷ qua.
“Thực chất, chúng tôi không chứng minh được kinh tế Thời đại đồ đồng là nền kinh tế thị trường”, Ialongo nói. “Chúng tôi đơn giản là không tìm thấy bằng chứng cho rằng nó không phải. Và chúng tôi chỉ ra một nghịch lý: vì sao mọi người đều tin rằng nền kinh tế thị trường không tồn tại, nếu mọi thứ chúng ta thấy đều có thể giải thích bằng mô hình kinh tế thị trường? Nói cách khác, tại sao chúng ta phải tưởng tượng ra một lời giải thích phức tạp hơn, nếu lời giải thích đơn giản nhất vẫn hợp lý?”
Ngoài ra, sự chuẩn hóa cũng có nhiều tác dụng ngoài kinh tế và gắn kết xã hội. Ví dụ, thợ rèn ở Thời đại đồ đồng cần kiểm soát cẩn thận tỷ lệ của các kim loại khác nhau (đồng, thiếc, antimon, chì và các kim loại khác) để làm ra các loại đồng khác nhau phục vụ cho mục đích gia công kim loại tinh vi. Chúng ta không biết chính xác làm sao họ tính toán được, nhưng các văn bản tiếng Sumer từ cùng thời kỳ cho thấy thợ rèn Sumer đã kiểm soát được nhờ khối lượng.
Nguồn: