Theo Montesquieu, mọi xã hội người đều có những điều kiện khách quan để xuất hiện và tồn tại, do đó không thể so sánh và đối lập chỉ trên thước đo cao - thấp của sự tiến bộ.
Baron de Montesquieu (1689 – 1755) sinh ra trong một gia đình quý tộc tại Bordeaux, Pháp. Tuổi trẻ của ông dành cho nghiên cứu, tập trung vào luật học. Năm 25 tuổi, sau khi người cha qua đời, ông được đề cử làm nghị sĩ tại Nghị viện Bordeaux; rồi năm 26 tuổi, ông thế chân người chú giữ chức Chánh án Bordeaux và cùng lúc được cử làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Bordeaux.
Học vấn của Montesquieu rất cao và rộng, từ các khoa học tự nhiên tới các khoa học xã hội – nhân văn, thể hiện ông là nhà bách khoa (generalist) điển hình nơi các triết gia thời Ánh sáng ở châu Âu. Năm 1721, ở tuổi 32, ông xuất bản Những bức thư Ba Tư, đánh giá những vấn đề của nước Pháp từ kinh nghiệm giả tưởng của một người ngoại quốc, từ đó ngầm phản đối truyền thống triết học tư biện bàn về con người và đặt ra tiền đề về tương đối luận trong suy nghĩ của ông.
27 năm sau, ông cho xuất bản kiệt tác Bàn về tinh thần pháp luật như một nỗ lực thách thức những tư tưởng triết học chính trị trước đó để đặt ra tiêu chuẩn về tương đối luận mà các khoa học xã hội và nhân văn ngày hôm nay vẫn tuân theo. Thật thế, ông cự tuyệt sự tồn tại của một xã hội lý tưởng được sinh ra từ việc tuân theo giả định về bản tính con người, đồng thời không thừa nhận sự tiến bộ trong lịch sử các xã hội người, nghĩa là từ chối chấp nhận các xã hội cổ cũng như các xã hội phương Đông lạc hậu hơn các xã hội Tây Âu đang công nghiệp hóa thời ông sống. Mọi xã hội người, theo ông, đều có những điều kiện khách quan để xuất hiện và tồn tại, do đó không thể so sánh và đối lập chỉ trên thước đo cao - thấp của sự tiến bộ. Ông vì vậy đã chỉ trích kịch liệt Thomas Hobbes (1588 – 1679), một triết gia chính trị lớn của thế kỷ 17, người nhận định bản tính của con người là ác, phải đàn áp nhau mà sống, do đó xã hội lý tưởng của Hobbes phải là nhà nước kỷ luật nghiêm ngặt do một vị chúa tể cai quản.
Thomas Hobbes, theo Montesquieu, đã quá trừu tượng hóa con người, nghĩa là xét con người cá nhân trong tình trạng tự nhiên một cách lý tưởng theo kiểu của ông ta, chứ không xét con người trong tư cách đã hình thành xã hội một cách hiện thực và đặc thù. Những con người tự nhiên của Thomas Hobbes do đó phải rời sân khấu, nhường chỗ cho những con người đã thật sự trở nên con người bằng việc tổ chức ra xã hội, dù Montesquieu không bàn tới quá trình gian nan để tổ chức nên xã hội người.
Montesquieu thừa nhận rằng để một xã hội có thể tồn tại và duy trì, phải có những quy tắc được các thành viên của nó chấp hành. “Sống trong một xã hội, muốn duy trì được trật tự phải quy định rõ quan hệ giữa người cai trị với người bị cai trị. Đó là luật chính trị. Lại phải quy định quan hệ giữa các công dân. Đó là luật dân sự” (tr. 56). Hai loại luật chính trị và luật dân sự là sản phẩm được tạo ra trong các điều kiện xã hội cụ thể, hơn là sản phẩm thuần túy của những nhà lập pháp thiên tài rồi buộc dân chúng tuân theo. Vì vậy tinh thần pháp luật, chủ đề của tác phẩm này, cần được tìm thấy trong các tương quan giữa hai loại luật pháp với mọi thành tố khác của xã hội.
Để hoàn tất tham vọng của mình, Montesquieu phải có một đầu óc tò mò cùng sự tự rèn luyện học vấn kiên nhẫn, sao cho có thể thu thập và xử lý khối dữ liệu thực tế đồ sộ từ nhiều vùng trên thế giới. Các ghi chép của ông từ năm 1721, thời điểm xuất bản Những bức thư Ba Tư, tới lúc qua đời năm 1755, đóng thành tập di cảo Những suy nghĩ của tôi, cho thấy quá trình làm tài liệu gian nan của ông: cắt những mẩu tin trong những tờ nhật báo, du lịch các nước châu Âu để tìm tài liệu, tận dụng địa vị của mình để gặp những người cung cấp thông tin đáng tin cậy ở nhiều tầng lớp về nhiều lĩnh vực.
Từ dữ liệu thực tế đó, ông phân ra ba loại hình xã hội, tiêu biểu bởi ba phương cách cai trị là cộng hòa, quân chủ, và bạo chúa. Xã hội cộng hòa là chính thể mà dân chúng hoặc một bộ phận dân chúng nắm quyền lực tối cao. Khi toàn thể dân chúng nắm quyền lực tối đa, như trong xã hội Athens thời cổ, thì đó là biến thể dân chủ của xã hội cộng hòa. Khi một bộ phận dân chúng nắm quyền lực tối cao thì đó là biến thể quý tộc của xã hội cộng hòa. Ngược lại, xã hội quân chủ do một người cai trị bằng pháp luật bắt mọi người, gồm cả vua, phải tuân theo. Loại hình xã hội cuối cùng do một nhà bạo chúa cai trị theo ý muốn và sở thích của hắn ta.
Để ba loại hình xã hội trên được duy trì, phải có hai điều kiện. Một là cần tồn tại những nguyên tắc bất thành văn nơi người dân của mỗi xã hội. Hai là sự đòi hỏi giáo dục bắt buộc sao cho mỗi cá nhân có thể được rèn luyện để đáp ứng nguyên tắc ấy. Xã hội dân chủ yêu cầu công dân có đức hạnh, cho nên đòi hỏi sự giáo dục sao cho các cá nhân yêu đời sống bình đẳng, thanh đạm, đồng thời đấu tranh để có thể luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Xã hội quân chủ, trái lại, dựa trên những đặc quyền, đẳng cấp và nguồn gốc quý tộc, cho nên nhấn mạnh danh dự và thể diện, làm kích thích cực độ những dục vọng nơi cá nhân. Không ai trong xã hội quân chủ muốn bình đẳng, mà luôn hướng tới địa vị cao quý, thèm muốn xa hoa. Xã hội bạo chúa đề cao nỗi sợ của nhân dân, do đó giáo dục cần nói tới sự trừng phạt cùng những đe dọa có thể xảy đến cho mỗi người.
Montesquieu, trong suốt bộ sách, gắng không phê phán về mặt đạo đức các loại hình xã hội dựa trên tiêu chuẩn của chính ông - một nhà quý tộc trong một nước Pháp quân chủ chuyên chế và ủng hộ chế độ quân chủ - mà cố tìm hiểu các điều kiện khách quan đảm bảo các xã hội cụ thể có thể tồn tại. Các thế lực có tương quan lớn nhất tới sự xác định một cách lý thuyết ba loại hình xã hội trong suy nghĩ của Montesquieu là kích thước, khí hậu, cùng mật độ dân số. Các xã hội cộng hòa, mà ví dụ điển hình của ông là thành bang Athens thời cổ, chỉ phù hợp ở những nơi có khí hậu ôn hòa, có kích thước nhỏ, cùng dân số thấp. Ông cho rằng, kích thước cùng mật độ dân số càng lớn, đi cùng nhiệt độ cao, thì xã hội ấy càng rời xa khỏi chính thể cộng hòa, để trở nên các chính thể quân chủ và bạo chúa. Đế quốc Nga thời của ông, dẫu nhiệt độ không cao, nhưng quá rộng lớn cùng lượng dân số cao, bắt buộc phải được quản lý bởi một bạo chúa. Ấn Độ, nơi có dân số đông cùng cái nóng quá mức, gây căng thẳng cho con người, tạo ra khả năng đưa tới sự sao nhãng lao động, đi kèm sự tước mất quyền sở hữu đối với đại bộ phận dân chúng, cùng sự ra đời và duy trì của những tôn giáo có bản tính hư vô hóa. Luận điểm của Montesquieu về vai trò của thế lực khí hậu tới sự quy định loại hình xã hội nếu bị tuyệt đối hóa sẽ trở nên thuyết khí hậu quyết định, mà các học giả trong thế kỷ 20 chỉ trích nặng nề. Montesquieu, trái lại, không bao giờ tuyệt đối hóa một thế lực trong việc quyết định tới các xã hội, vì luôn dựa trên việc nghiên cứu từng trường hợp cụ thể. Xét vậy, ông xứng đáng là một trong số những nhà kinh nghiệm luận nghiêm ngặt nhất.
Montesquieu, dẫu vậy, không thể là một nhà khoa học tuyệt đối công bằng, không thể là nhà tương đối luận triệt để. Luân lý gia Montesquieu xuất hiện để đả kích thậm tệ những chế độ bạo chúa, dẫu có phù hợp với những thành tố xã hội của chính nó, là tồi tệ, không thể chấp nhận được, và không xứng đáng với con người. Dù gì mặc lòng, ông kinh tởm thân phận con người bị đối xử như những vật vô tri hay như lũ súc vật cùng làm việc nhằm nuôi sống con quái vật tàn nhẫn duy nhất. Đời sống của con người, dẫu có những suy đồi tất yếu, ông tin rằng, xứng đáng hơn thế. Ông cũng biết, qua những điều tra về tương quan giữa luật pháp với các thành tố xã hội, rằng bản thân con người bị định đoạt phần nhiều bởi các thế lực nằm ngoài ý chí của anh ta, cho nên anh ta không thể tuyệt đối tự do làm bất cứ thứ gì anh ta mong muốn, dẫu mong muốn ấy có tốt đẹp tới đâu.
Nghiên cứu của Montesquieu xét vậy, như chính ông muốn, cần được nhìn nhận như lời khích lệ to lớn dành cho những nỗ lực chính trị kiên nhẫn và bền bỉ để thay đổi chế độ bạo chúa, hoặc để duy trì nguyên tắc rất khó đạt được trong những nền cộng hòa. Điểm chia rẽ này có thể khiến người đọc mỉa mai ông không tôn trọng nguyên tắc về tương đối luận hoặc yêu mến ông vì những lời động viên con người cần tu thân, sống có trách nhiệm và kiên nhẫn cải tạo xã hội. Tôi tự đặt mình ở típ độc giả thứ hai của Montesquieu.
Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu là bộ sách đồ sộ, được chia làm 31 quyển, và 604 chương.
Nhà sử học Hoàng Thanh Đạm (1926 – 2014) đã trích dịch và tóm tắt 168/604 chương từ tất cả 31 quyển, trong đó dịch đủ duy nhất 3/3 chương của quyển 1 “Bàn về luật pháp nói chung”.
Bản dịch của Hoàng Thanh Đạm đã mở rộng bản trích dịch Vạn pháp tinh lý in lần thứ nhất năm 1961 của Trịnh Xuân Ngạn - Chánh án Pháp Viện tối cao trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cha của nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận. Trịnh Xuân Ngạn trích dịch 21/31 quyển, gồm 38/604 chương. So với Trịnh Xuân Ngạn, Hoàng Thanh Đạm đã dịch thêm 130 chương.
Công trình của Hoàng Thanh Đạm cho tới nay vẫn là thành tựu dịch thuật tiếng Việt đồ sộ nhất về bộ sách của Montesquieu. Lần tái bản năm 2018 và 2023, tức bản in thứ tư và thứ năm của quyển sách, do Omega+ và NXB Thế giới xuất bản, dày 436 trang, đã dùng lại bản in lần thứ hai, được Hoàng Thanh Đạm chấp nhận như kết quả cuối cùng của ông, xuất bản năm 2004 tại Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, dày 358 trang. Bản in đầu tác phẩm của Hoàng Thanh Đạm tại Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1996, 282 trang, chỉ trích dịch 166 chương, kém 2 chương so với bản in lần thứ hai năm 2004.
|